Về 'Một chuyến đi' của Hoa hậu Nguyễn Thu Thủy:

Từ trang văn đến cuộc hành trình

Tuấn Duy
Tuấn Duy
08/08/2023 18:00 GMT+7

Một chuyến đi (do Hộp và Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam liên kết ấn hành) là tập sách ghi lại hành trình trên khắp châu Âu vào 3 tháng cuối năm 2015 để gặp và cùng nói chuyện với những yếu nhân của Hoa hậu Nguyễn Thu Thủy.

Một chuyến đi, ta sẽ gặp lại cố nhà văn Linda Lê, Milan Kundera, nhà thiên văn học Nguyễn Quang Riệu, dịch giả Giáp Văn Chung, quán quân Masterchef Pháp Huỳnh Khánh Ly. Đây cũng là sự tao ngộ giữa người viết với người Việt trên khắp năm châu. Ngoài ra, những suy tư riêng về căn tính châu Âu, về việc sáng tạo cũng như tình hoài hương cũng được tái hiện một cách khác lạ.

Từ trang văn đến cuộc hành trình
 - Ảnh 1.

Tác phẩm Một chuyến đi của Nguyễn Thu Thủy

T.D

Có thể nói sự qua đời đột ngột của Hoa hậu Việt Nam 1994 Nguyễn Thu Thủy vào 2 năm trước đã để lại niềm thương tiếc lớn. Không chỉ là một người đẹp về sắc vóc, Nguyễn Thu Thủy còn là một cây viết ấn tượng với kiến văn sâu rộng. Dường như luôn luôn tồn tại 2 bản thể trong con người cô – một người dành cho sách vở và một người hướng về xã hội.

Một chuyến đi đại diện cho hướng đầu tiên đó. Ở mỗi vùng đất đều có dấu ấn của những trang văn. Với Huỳnh Khánh Ly là Roland Barthes, Jean-Philippe Toussaint hay Lời hứa lúc bình minh của Romain Gary. Với dịch giả Giáp Văn Chung là Bốn mùa, trời và đất; còn với Người đàn bà đạp xe trên phố Berlin – đó là thể trạng của đứa con lai Á hiếm hoi ở nước Đức và hình dáng người cha trong Hiroshima tình yêu của tôi của Marguerite Duras…

Người Việt năm châu

Trong mỗi cuộc gặp, ta có thể thấy được cách tiếp cận rất sâu của chính tác giả. Không chỉ nhìn thấy ở khía cạnh bề mặt, Nguyễn Thu Thủy cũng chạm đến điều vô hình, từ không gian giới hạn mà mỗi nhà văn bước vào, cho đến tầng sâu của cảnh quan, sự vật, động đến tâm hồn sâu kín của những vùng đất mà các nhà văn mong muốn tái hiện.

Với cuộc gặp Linda Lê tại căn phòng nhỏ nơi nữ nhà văn trú ngụ, tác giả thấy được một sự xâm chiếm thình lình của những người ngoài. Cô viết: “Đối với một nhà văn, hay đối với bất cứ ai, đồng ý trả lời phỏng vấn và cuộc phỏng vấn lại diễn ra ở trong chính nhà của mình cũng đồng nghĩa với việc bạn cần phải chuẩn bị cho một cuộc xâm chiếm của những người khác vào thế giới rất riêng của bạn. Với nhà văn, ý thức về thế giới riêng đó càng thiêng liêng và rõ rệt hơn”.

Điều đó cũng sẽ duy trì với Milan Kundera, khi cô nhận ra “Ai viết văn cũng sống trong sự lưu đày của công việc viết; đó chính là quê hương của người ấy, nơi người ấy không phải là một nhà tiên tri”. Vì vậy không quá khó hiểu khi trong mỗi bài viết riêng, ta thấy ẩn hiện đâu đó những mảnh ghép nhỏ từ các tác phẩm mà cô đọc qua...

Người Việt ở những vùng đất châu Âu cũng đã hiện ra muôn hình muôn vẻ. Như trong bài viết Tống Giang ở Praha, đó là một người giờ đã thấy bình lặng trong một cuộc đời quá nhiều lăn lộn. Từ những xe đẩy để bán đồ uống trong khu chợ ở trung tâm thương mại Sapa, anh biết cái giá của cuộc đời này và chấp nhận làm công việc bản thân đang làm, không một chút oán than. Anh nghĩ làm gì thì làm, mà có thể ngẩng cao đầu, đêm có thể ngủ ngon giấc là được rồi…

Đó cũng sẽ là cảm thức của Huỳnh Khánh Ly – quán quân Masterchef Pháp năm 2015, khi cô nhận ra phải trải qua cảm giác mạnh mẽ về những giá trị không ở đúng chỗ, về cả sự tha hóa, người ta mới thực sự hiểu được những gì giản dị nhất. Chính việc trải nghiệm tiếp thị hàng xa xỉ phẩm đã cho cô thấy như một phần bộ não bị cắt đi và rơi vào trạng thái đồng phục hóa. Từ đó cô đến với ngành nấu ăn, nơi tình yêu đặt trên những cái đĩa, là tâm hồn, là âm nhạc… Từ đó cô tìm lại được các giá trị trong sự chia sẻ, khám phá và tìm lại được sự tò mò tưởng như đánh mất từ lâu.

Tinh thần châu Âu

Căn tính và những trụ cột văn hóa châu Âu cũng được Nguyễn Thu Thủy tìm lại qua những chuyến đi không đoán định trước. Ở đó có một nước Pháp phân mảnh, hòa hợp giữa nơi có một nụ hôn của hai cô gái trước điện Pantheon – công trình tưởng niệm các vĩ nhân Pháp; và tinh thần khoa học khiêm tốn, lối sống bình lặng của nhà thiên văn Nguyễn Quang Riệu. Nước Pháp trong không gian ấy đi từ cái vắng lặng, trang nghiêm, chuyển sang vận động và đầy năng lượng.

Từ trang văn đến cuộc hành trình
 - Ảnh 2.

Hoa hậu Nguyễn Thu Thủy (1976 - 2021)

T.L

Nguyễn Thu Thủy nói rằng “không gì làm lay chuyển không khí ‘hội hè’ của Paris”, bởi nếu đặt vào bối cảnh năm 2015, khi đất nước này chịu nhiều hệ lụy từ các cuộc đánh bom khủng bố, thì sự lạc quan của người Paris là rất đáng nể. Cô viết dẫu cho “cái túi trên không trung, lơ lửng, bất an và căng thẳng, sẵn sàng hút hết mọi tiếng cười, niềm lạc quan hay sự vui vẻ sống động trên mỗi góc phố Paris” thì “sự lạ lùng lan tỏa trong không khí, tuổi trẻ, thanh tân, có hơi hướng tự do, nổi loạn và nhiều thứ khác”.

Khi đi vào một đất nước khác như nước Đức, cô lại nhận ra: người Đức hết sức can đảm trong nhìn nhận quá khứ, dám đối diện, không né tránh, sẵn sàng chịu đựng đến tận cùng mọi hậu quả của lịch sử. Thế nhưng vì sao những sự kiện ấy lại diễn ra tại ngay chính nơi đây?

Cô trích trong bài viết này: “Những người Đức không biết tìm hạnh phúc trong cuộc đời như người Pháp hoặc người Anh, khiến họ trở nên mạnh mẽ nhưng cũng đồng thời làm họ dễ lao vào mọi hình thức tổ chức nghiêm ngặt bởi thấy ở đó có nhiều ý nghĩa”. Và bởi “Sự nghiêm ngắn và kỷ luật có thể tạo ra những bối cảnh điên khùng quá mức chịu đựng”.

Cô cũng đã đến những nước Đông Âu nơi người Việt tập trung rất nhiều như Ba Lan hay Hungary để thấy con người vẫn di chuyển qua lại hai vùng sáng – tối hằng ngày. Nơi Hungary, cô nhận ra đô thị nào cũng bộc lộ toàn bộ cuộc sống nguyên vẹn vào ban đêm – một ý mà tác giả Michael Ondaatje trong cuốn Warlight cũng từng nhắc đến. Và chính sự dao động ấy cũng tạo nên sự luyến nhớ và những cảm thức không thể cất lời.

Cô cho thấy rằng tâm thức con người là sự trôi dạt giữa các miền đất của âm thanh, giai điệu; và của cảm giác như mùi vị, gió, không khí cùng nhiều thứ vô hình. Đến khi nào mệt mỏi với sự trôi dạt, người ta dừng lại, bám vào những thứ gì quen thuộc và gán cho nó khái niệm “truyền thống” hay “cố hương”. Những con người ấy vẫn phải đấu tranh hằng ngày với sự phân biệt chủng tộc, vật lộn giữa ánh sáng và bóng tối, mưu sinh và ước mơ, hiện thực và lý tưởng, ra đi và ở lại...

Một chuyến đi, vì thế, không chỉ là tập bút ký ghi lại trải nghiệm của Hoa hậu Nguyễn Thu Thủy, khi sâu trong đó còn là một niềm hứng khởi mong muốn lý giải những điều mà cô đã đọc, đã thấy từ những trang sách mình rất yêu. Ở đó, một thiếu nữ trẻ với sự tinh nghịch mong muốn khám phá và người đàn bà với những suy ngẫm đã hòa vào nhau.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.