Sách hay: Từ ký ức cá nhân đến nỗi đau giai tầng

10/06/2023 08:54 GMT+7

Bộ đôi tiểu thuyết Một người phụ nữ Nỗi nhục của Annie Ernaux, nữ văn sĩ đoạt giải Nobel Văn chương 2022, vừa ra mắt độc giả VN, giúp hoàn thiện thêm những nét đặc trưng trong văn nghiệp của bà.

Trở thành nữ tác giả Pháp đầu tiên đoạt giải Nobel Văn chương bởi "lòng dũng cảm và sự nhạy bén, từ đó khám phá ra các nguồn cơn, sự ghẻ lạnh và những hạn chế mù mờ của hồi ức cá nhân", Ernaux bằng các lát cắt của thời quá vãng không chỉ dựng lên cái-tôi-quá-khứ, mà thông qua đó bà cũng cho thấy ký ức tập thể của một giai tầng và cả nước Pháp trong một thời đoạn.

Vì vậy, nếu Một chỗ trong đời đoạt giải Renaudot 1984 nói về cái chết có phần ám ảnh của thân phụ bà, thì Một người phụ nữ thuật lại cuộc đời dài của vị thân mẫu, từ lúc ra đời đến khi mắc chứng bệnh Alzheimer và rồi qua đời không lâu sau đó. Nỗi nhục giúp hoàn thiện thêm cả hai tác phẩm, khi nói sâu hơn về một chủ điểm Ernaux vẫn thường khảo sát, là những tách biệt xét đến tầng lớp.

Lối viết "phẳng"

Xoay quanh sự kiện có phần đau đớn, qua 3 tác phẩm, ta có thể thấy Ernaux không chỉ sáng tác dưới một hình thức gọi là tự truyện, mà ở đâu đó bà vẫn đảm bảo được một "cam kết văn chương". Đó là không viết chỉ "cho" một loại độc giả cố định, mà là viết "từ" trải nghiệm của bản thân mình, đứng dưới tư cách một người phụ nữ và một cá thể "nhập cư" trong quê hương mình. Do đó tác phẩm của bà thường không quá dài với cách viết trung tính, lạnh lùng, khách quan và hoàn toàn "phẳng" - khi không ẩn dụ cũng như không có dấu hiệu của cảm xúc nào.

Sách hay: Từ ký ức cá nhân đến nỗi đau giai tầng - Ảnh 1.

Annie Ernaux và 3 tác phẩm đã được dịch sang tiếng Việt

The New Yorker và Nhã Nam

Và cũng có thể vì lý do đó mà mở đầu cuốn Một người phụ nữ bà lạnh lùng viết: "Mẹ tôi mất vào thứ Hai ngày 7 tháng Tư tại nhà dưỡng lão thuộc bệnh viện Pontoise". Cũng tương tự thế với cuốn Nỗi nhục: "Bố tôi định giết mẹ tôi vào đầu buổi chiều một Chủ nhật tháng Sáu". Ernaux thuật lại những ký ức ấy không chỉ dưới dạng một cuốn tiểu thuyết (hoặc là tiểu sử), "mà là một cái gì đó ở giữa văn chương, xã hội học và lịch sử".

Bà cũng đã không giấu nỗ lực làm giảm hàm lượng văn chương, khi mà không dưới một lần chen ngang giữa dòng hồi ức là các "tuyên ngôn" về việc viết lách. Dự định của bà mang tính văn chương (bởi chúng được viết bằng các từ ngữ), nhưng sâu bên trong Ernaux cũng muốn trở thành nhà xã hội học, nhà dân tộc học không chỉ tái dựng lại cuộc đời mình, mà còn là mô típ chung và con người chung của một thời đoạn.

Do đó bà viết về mẹ mình cũng là viết về một đoạn lịch sử nước Pháp, với cuộc oanh tạc năm 1940, cuộc tổng tiến công 1944 cũng như những lần tản cư chạy trốn bom rơi... Đó cũng là sự vận động của một tầng lớp đi từ nông dân, công nhân cho đến làm chủ cửa hàng kiêm quán cà phê, và rồi sẽ bị nhấn chìm bởi các siêu thị và chuỗi bán lẻ… Quá trình nhiều biến động ấy được nhìn từ những ký ức mang tính cá nhân ở mức độ cao, từ đó hình thành ở riêng Ernaux là những suy tư về mặt giai cấp và sự xa cách với gia đình mình.

Sách hay: Từ ký ức cá nhân đến nỗi đau giai tầng - Ảnh 2.

Hai tác phẩm vừa được dịch sang tiếng Việt của Annie Ernaux

Minh Anh

Trả thù cho giai tầng mình

Ba tác phẩm này, một mặt nào đó, cũng đã gợi lại những sự tranh đấu, khi cha mẹ Ernaux đã cố hết sức để đưa bà vào thế giới từng khinh miệt mình. Trong cuốn Một người phụ nữ, Ernaux tiết lộ bà đôi khi tự mình cảm thấy như một "kẻ thù giai cấp" đội lốt con gái của bậc thân sinh. Do đó việc "lén" di cư vào thế giới tiểu tư sản đã dằn vặt Ernaux, hình thành trong bà một nỗi ô nhục và sự xấu hổ. Cảm xúc khó diễn đạt ấy không chỉ đến từ những sự nhục nhã lúc còn nghèo khó, mà còn là nỗi đớn đau khi đã thành công và phải bỏ lại quá khứ của mình.

Trong diễn từ nhận giải Nobel, Ernaux đã chia sẻ rằng 60 năm trước bà từng ghi lại trong cuốn nhật ký: "Tôi sẽ viết ra để mà trả thù cho giai tầng mình", và "nó là lời lặp lại những tiếng gào thét: "Tôi sẽ mãi mãi thuộc về chủng tộc thấp hèn"". Mối thù và nghi hoặc này tràn khắp trang văn, có thể nhìn thấy ở sự ngổn ngang về mặt cấu trúc, về một nỗ lực tìm kiếm trật tự và sự chuẩn xác của từng từ ngữ. Những sự hoàn hảo, nghe nhạc cổ điển, sống trong giàu sang… giờ đây không còn là niềm sung sướng, mà thay vào đó là nỗi ngượng ngùng, là sự day dứt khi người từng muốn có chúng giờ không còn nữa.

Tuy có dung lượng không quá đáng kể, nhưng văn bản của Ernaux là việc vào/ra những dòng suy tưởng một cách liên tục, cũng như nhập hồn/thoát xác từ người phụ nữ lúc đang viết văn và rồi vọng hồi về phía quá khứ. Do đó lẫn giữa những dòng hồi ức là lời phân trần (về phong cách viết), là các mảnh vụn từng là ký ức, cũng như những sự dịch chuyển thiên về thể loại (văn kể, văn nói và cả tạo lập danh sách…).

Đó là "di sản" của những khác biệt về mặt giai cấp, nơi bà không thể giao tiếp với cha mẹ mình một cách "bình thường". Đó cũng là cách mà bà từng dùng để đánh lạc hướng, để không phải nghe và không phải nói trong nhà của mình. Đó là nỗi nhục khi mẹ của bà chào đón những người bạn học xuất thân cao quý trong bộ đồ mặc nhà nhàu nhĩ, khi bố của bà thường bị ngó lơ và nhà của bà thì không giàu có… Và rồi còn lại dưới những hình bóng của bố mẹ bà là một ông D. bà D. xa xôi nào đó, nhưng cũng nhập chung vào các hình tượng "người mẹ xông xáo", "ông bố thờ ơ" làm hết tất cả cho con gái mình.

Với 3 tác phẩm tương đối nổi bật, có thể thấy rằng Ernaux đang tìm về phía quá khứ không chỉ cho mình, mà còn là cho nhiều người. Đi từ hồi ức cá nhân cho đến ký ức cộng đồng, Ernaux đã thể hiện được những sự xa cách, một thời biến động… trong cách viết trung tính, lạnh lùng, mà vẫn nhạy cảm và đầy nữ tính. 

Annie Ernaux sinh năm 1940 tại Lillebonne, lớn lên ở Yvetot, vùng Normandie, tây bắc nước Pháp. Bà được công nhận đã đạt đến độ hoàn chỉnh về nội dung lẫn hình thức của thể loại ký ức tập thể. Suốt văn nghiệp của mình, bà đã nhận nhiều giải thưởng quan trọng, như giải Renaudot, giải François Mauriac, giải Marguerite Yourcenar… và đặc biệt là Nobel Văn chương 2022.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.