Truy 'gốc rễ' khiến các dự án điện khí LNG trì trệ

14/12/2023 19:40 GMT+7

Diễn đàn 'Tiềm năng phát triển thị trường điện khí tại Việt Nam', do Báo điện tử VOV (Đài Tiếng nói Việt Nam) tổ chức tại Hà Nội ngày 14.12 đã chỉ rõ nguyên nhân khiến nhiều dự án điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đang trì trệ, nhà đầu tư đối mặt với nhiều rủi ro.

Đàm phán giá điện LNG không biết bao nhiêu là hợp lý?

Diễn đàn có sự tham gia của 300 đại biểu đại diện cơ quan quản lý nhà nước, bộ, ngành; cơ quan lập pháp; các nhà nghiên cứu kinh tế; nhà đầu tư điện khí LNG... cùng thảo luận, tìm giải pháp cho những vướng mắc trong phát triển ngành công nghiệp khí, điện khí tại Việt Nam.

Truy 'gốc rễ' khiến các dự điện khí LNG trì trệ - Ảnh 1.

Diễn đàn "Tiềm năng phát triển thị trường điện khí tại Việt Nam", thu hút sự quan tâm của đông đảo cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế, đại diện cơ quan quản lý nhà nước

VĂN NGÂN

Theo TS Nguyễn Quy Hoạch (Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam), Quy hoạch điện 8 có 15 dự án điện LNG đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong danh mục các dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện. 

Nhưng điểm khó hiện nay là Việt Nam chưa có kinh nghiệm phát triển loại hình nguồn điện này, tiến độ chuẩn bị đầu tư xây dựng, vận hành các nhà máy điện LNG mất rất nhiều thời gian. Nếu tính từ lúc có quy hoạch đến khi có thể đưa dự án vào vận hành, nhanh nhất cũng khoảng 8 năm, thậm chí có dự án trên 10 năm. 

Nêu dẫn chứng đối với dự án điện khí LNG Nhơn Trạch 3&4, do Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PVPower) làm chủ đầu tư, cùng dự án điện LNG Bạc Liêu do Công ty Delta Offshore (nhà đầu tư nước ngoài), ông Hoạch cho rằng, không phải dự án cứ nằm trong quy hoạch điện được ban hành là sẽ thông đồng, bén giọt, triển khai tới đích nhanh như mong đợi.

Cụ thể, dự án điện LNG Nhơn Trạch 3&4 được triển khai từ năm 2017, nhưng 2 năm trở lại đây gần như "giẫm chân tại chỗ" trong việc đàm phán giá điện và hợp đồng mua bán điện (PPA) với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Tương tự, dự án điện LNG Bạc Liêu đầu tư có 100% vốn nước ngoài đã được cấp chứng nhận đầu tư từ đầu năm 2020, tới nay là tháng 12.2023 cũng chưa biết bao giờ kết thúc đàm phán giá điện và PPA.

Hiện nay, Bộ Công thương vẫn chưa ban hành khung giá phát điện cho nhà máy điện LNG thì việc cam kết tổng sản lượng điện mua hàng năm từ phía EVN và bao tiêu sản lượng khí hàng năm cũng khiến nhà đầu tư lo lắng đến hiệu quả của các dự án. 

Trong khi đó, đối với các nhà đầu tư, việc cam kết sản lượng điện phát và tiêu thụ khí hàng năm là cơ sở để ngân hàng xem xét tài trợ tín dụng cho dự án, cũng như dự án mua được nguồn LNG giá tốt thông qua hợp đồng mua LNG dài hạn để có giá thành phát điện rẻ.

Theo TS Nguyễn Quy Hoạch, gốc rễ khiến các dự án điện LNG đang trì trệ chính là giá bán điện cho EVN theo tính toán đang cao hơn giá bán lẻ điện bình quân mà EVN bán ra cho nền kinh tế.

Truy 'gốc rễ' khiến các dự điện khí LNG trì trệ - Ảnh 2.

TS Nguyễn Quy Hoạch nêu ý kiến tại diễn đàn

VĂN NGÂN

"Chưa có khung giá phát điện của các dự án điện LNG thì chủ đầu tư và EVN cũng chưa biết nên đàm phán mức bao nhiêu là hợp lý. Bởi nếu chỉ nhìn với mức giá LNG trên thế giới trong thời gian qua có những lúc lên tới 30 USD/1 triệu BTU, thì giá mua điện từ nguồn điện khí LNG sẽ cao hơn rất nhiều so với giá bán lẻ điện mà EVN bán ra cho các hộ tiêu thụ điện. Các cơ quan giám sát tài chính của EVN khó lòng chấp nhận được nên EVN cũng chẳng thể quyết định được việc mua bán này", ông Hoạch nói.

Dự án điện khí "sợ" thủ tục pháp lý

Ở góc độ nhà đầu tư, ngoài "tắc" ở giá điện, ông Mai Văn Ba, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas), cho rằng thủ tục pháp lý phức tạp đang là thách thức lớn nhất.

Theo đại diện PV Gas, Quy hoạch điện 8 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành nhưng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong quy hoạch ngành, địa phương vẫn chưa được cập nhật, hoàn thiện và đồng bộ. Trên thực thế, thủ tục xin chủ trương đầu tư liên quan quy hoạch tỉnh là "cực kỳ phức tạp", nếu bị kéo dài thì nhà đầu tư sẽ đối mặt nhiều rủi ro.

Theo đó, ông Mai Văn Ba kiến nghị, để tháo gỡ khó khăn về thủ tục pháp lý cho các dự án điện khí thì các bộ, ngành, địa phương cần rà soát, đảm bảo tính đồng bộ, gắn kết giữa các quy hoạch và kế hoạch thực hiện các quy hoạch. Đặc biệt là quy hoạch sử dụng đất của các địa phương khi rất nhiều dự án hiện nay đang bị vướng quy hoạch này.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, cho rằng Việt Nam không chủ động được nguồn cấp khí LNG, phụ thuộc vào nhập khẩu. Theo tính toán, nhu cầu nhập khẩu NLG của Việt Nam sẽ tăng lên, đạt khoảng 14 - 18 tỉ m3 vào năm 2030, việc nhập khẩu phải theo thông lệ quốc tế. Trong khi đó, khuôn khổ pháp lý cho các dự án điện khí LNG ở Việt Nam chưa được xây dựng hoàn chỉnh, thậm chí chưa có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến địa điểm, thiết kế, xây dựng và vận hành các cơ sở hạ tầng phục vụ nhập khẩu khí LNG.

"Theo Quy hoạch điện 8, từ nay đến năm 2030 chỉ còn 7 năm nữa để các dự án điện khí LNG triển khai đi vào vận hành. Nếu chúng ta không nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc thì các dự án điện khí LNG sẽ gặp trở ngại lớn, đồng thời sẽ ảnh hưởng đến bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia", ông Phong cảnh báo. 












Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.