Trường Sơn ký sự: Giã từ 'vũ khí'

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
15/12/2022 06:30 GMT+7

Ngọn mác dài khoảng 3 m với mũi dao sắc lẻm - dụng cụ được người Cơ Tu (H.Tây Giang, Quảng Nam ) dành riêng cho việc đâm trâu dần trở thành vật lưu niệm.

Đây là nghi lễ cực kỳ quan trọng của người Cơ Tu, vậy Tây Giang đã làm gì để không còn cảnh tượng giết hại con trâu một cách dã man ?

Đâm trâu và “trâu đâm”

Trong chuyến công tác miền núi Nam Trà My (Quảng Nam) vào đầu năm, tôi có dịp vào sâu trong những bản làng của người Xê Đăng và tận mắt chứng kiến những vết chân trâu bất lực hằn trên nền đất trước khi bị đâm chết theo nghi thức truyền thống.

Tục đâm trâu ở một số huyện miền núi ở Quảng Nam vẫn còn đó, ăn sâu vào tâm thức của nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số. Ấy thế mà cũng ở Quảng Nam, H.Tây Giang đã loại hẳn tục đâm trâu cúng Yàng (trời). Đó là cả quá trình thay đổi nhận thức của người dân mà trong nhiều năm liền, chính quyền địa phương phải có nhiều giải pháp vừa cương vừa nhu.

Riêng với đồng bào Cơ Tu ở Tây Giang, nghi thức đâm trâu đã không còn được tổ chức từ 6 năm qua

HOÀNG SƠN

Tôi hỏi thật bụng: “Không còn đâm trâu nữa, già có thấy buồn không?”. Già Bhơriu Pố (75 tuổi, trú tại xã Lăng) được lời như cởi tấm lòng: “Nói thật là buồn chứ vì đó là nghi thức mà bao đời qua, người Cơ Tu chúng tôi luôn thực hiện trong những dịp hệ trọng, như: cưới hỏi, cúng tạ ơn rừng, mừng lúa mới, dựng được gươl mới (nhà làng)… Nhưng xã hội văn minh rồi, phải bỏ đâm trâu thôi. Vì đúng là dã man với con trâu quá. Còn duy trì thì còn cản trở sự phát triển…”.

Dù nhận định không còn phù hợp với xã hội hiện đại nhưng già vẫn luôn ấp ủ những câu chuyện về tục đâm trâu để kể cho con cháu nghe. Trong cuốn sách mà già đang viết dở dang, phần về đâm trâu được già dành nhiều dung lượng kể về sự tích “cái chết trong mơ” của trâu và heo.

Già Pố cho biết theo chuyện cổ người Cơ Tu, từ thuở hồng hoang, các loài vật đều có thể chuyện trò với nhau. Trâu và heo là đôi bạn thân thường tâm sự cùng nhau. Một ngày, trâu hỏi heo, nếu bị con người bắt được, heo mong được chết thế nào. Heo dứt dạc: đằng nào cũng chết, heo muốn con người hãy trói chân, đánh trống điệu t'rập rồi dùng dao cắt tiết. Trâu thì khác, trâu nói muốn con người đừng giết trâu vội mà phải để 2 ngày 2 đêm. Đem trâu buộc vào thân cây nêu, đánh trống, nhảy múa tâng tung za zá… Nếu làm được như thế, trâu chết cũng rất xứng đáng.

“Trâu còn nói khi đâm hãy đâm tôi ở bên phải để tôi chết từ từ. Tôi sẽ chạy quanh, máu chảy quanh cây nêu càng nhiều càng tốt. Có thế tôi mới phù hộ cho dân làng. Từ câu chuyện này đến nghi thức giết heo, đâm trâu về sau, người Cơ Tu chúng tôi đều làm như lời “trăng trối” của chúng vậy…”, già Pố kể và nói: “Tôi cũng sẽ viết lại như thế để con cháu sau này hiểu được gốc tích, ý nghĩa của nghi lễ đâm trâu. Chứ chuyện hay đến mấy mà cách đâm trâu thấy man rợ thì cũng phải bỏ…”.

Ông Bhơriu Hùng, Trưởng phòng VH-TT H.Tây Giang, kể tục đâm trâu cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, có thể nguy hiểm đến tính mạng của người dân. Cách đây nhiều năm, có việc trong một lễ hội, con trâu to béo sau nhiều nhát đâm nhưng “không chí mạng” thì điên cuồng vùng vẫy. Xui rủi thế nào dây buộc trâu vốn dĩ được làm rất chắc lại bị đứt. Con trâu thoát ra được đã dùng cặp sừng tấn công đám đông. Hàng trăm người quây quần từ đội cồng chiêng, nhảy múa, người xem… đều tháo chạy tán loạn.

“Thế là, ngày vui trở thành ngày buồn. Thay vì đâm trâu thì bị trâu đâm. Một người bị thương nặng phải đưa đi cấp cứu. Trước đây, khi còn duy trì lễ hội đâm trâu, đã có nhiều trường hợp dây nêu bị đứt, trâu thoát ra được húc vào đám đông. Rất may chưa có trường hợp nào tử vong…”, ông Hùng lắc đầu.

Máu không còn đổ trước mái gươl

Anh Arất Trực (lái xe của UBND H.Tây Giang) từng xem rất nhiều hội đâm trâu ở quê hương Agrồng (xã A Tiêng). Anh kể nhiều năm về trước, trong một hội đâm trâu, dân làng thót tim khi chứng kiến ngọn giáo sắc nhọn tuột khỏi tay người đâm văng về phía đám đông…

"Vũ khí" đâm trâu vẫn còn trong nhiều nhà đồng bào Cơ Tu tại Tây Giang nhưng dùng nó để đâm trâu chỉ còn là ký ức

“Bởi vậy, từ bỏ lễ hội này là việc cần làm bởi vì quá nguy hiểm. Giữa lúc con trâu thì chạy quanh, người đâm thì hăng say lựa thế để đâm cho trúng rồi vô tình gây nguy hiểm cho người khác là điều khó tránh khỏi”, anh Trực nói. Lần cuối cùng, anh Trực thấy người ta tổ chức lễ hội đâm trâu cách đây khoảng 6 năm trước. Từ đó đến nay, người Tây Giang không còn gọi là đâm trâu nữa mà gọi là lễ giết trâu. “Dân làng làm nghi lễ xong thì cột chân, cắt cổ trâu mà không đâm nữa”, anh Trực tiếp lời.

Vậy là những người đâm trâu điêu luyện phải giã từ “vũ khí”. Như nhà ông Bhơriu Hương (ở thôn Pơr'ning, xã Lăng), ngọn giáo dài chừng 3 m, có lưỡi sắc nhọn một phía giờ đây chỉ để làm vật kỷ niệm như để nhắc nhớ một thời. Trên toàn H.Tây Giang, 63 thôn thuộc 10 xã không nơi nào còn duy trì lễ hội đâm trâu nữa kể từ “phát súng đầu tiên” tại lễ công bố xã Lăng đạt chuẩn nông thôn mới diễn ra vào ngày 29.7.2016.

Theo ông Bhơriu Liếc (nguyên Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, nguyên Bí thư Huyện ủy Tây Giang), đâm trâu chỉ là một hoạt động của nghi thức đắh t'rí (gọi là ăn trâu). Trong số những nghi thức, thì nơơi là một hình thức "khóc tế trâu" đặc sắc của văn hóa Cơ Tu. Đêm trước khi giết trâu, cả làng múa hát vui vẻ đến khuya, các cụ già thường thức đến sáng khóc tế trâu. Nơơi thường dùng câu đầu tiên: Bhôông dốch li dôl adô mây châu (Trâu ơi! Giờ đã buộc vào nêu biết gỡ vào đâu).

Ông Liếc cho rằng khóc trâu để biểu lộ tình cảm yêu thương của con người dành cho trâu - con vật lam lũ phục vụ con người nay cũng hiến xác thịt cuối cùng cho người. “Ta nghe và thấu hiểu được câu tế trâu vừa não nề, huyền bí, vừa da diết, quyến rũ làm xốn xang, say đắm lòng người. Đây là nét độc đáo của văn hóa tế trâu của người Cơ Tu”, ông Liếc phân tích.

Ông Bhơriu Hùng, Trưởng phòng VH-TT H.Tây Giang, nhận định mặc dù không đâm trâu nhưng các nghi thức, nghi lễ truyền thống vẫn được đồng bào Cơ Tu gìn giữ nguyên vẹn. Các thôn của Tây Giang khi tế lễ vẫn dựng cây nêu và cúng tế theo nghi thức đâm trâu xưa trước mái gươl. Khi đến phần đâm, người ta dùng dây buộc cổ chân con trâu rồi mang làm thịt bình thường. Lễ hội vẫn duy trì được những nét đẹp trong văn hóa truyền thống Cơ Tu thông qua dân ca, dân vũ, dân nhạc… Để người dân thấy đó là hủ tục, nhiều già làng uy tín đã phải lên tiếng cùng tuyên truyền…

“Huyện ủy đã có nghị quyết 14 năm 2013 với “9 có, 5 không”. Trong đó, “5 không” có việc không tổ chức đâm trâu. Trên cơ sở này, Phòng VH-TT H.Tây Giang xây quy ước, hương ước trong việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh làng bản. Từ chỗ xã Lăng làm thí điểm, chúng tôi đã mời các thôn, các xã tham gia để xem cách thức. Từ đó, đến nay, người dân Tây Giang chấp hành rất tốt”, ông Hùng nói. Huyện Tây Giang cũng rất nghiêm trong việc xử lý trách nhiệm nếu để xảy ra đâm trâu. Nếu cán bộ, công chức ở thôn nào để xảy ra đâm trâu thì người đó sẽ bị kiểm điểm. Đảng viên sẽ bị xét không hoàn thành nhiệm vụ. Ban chấp hành, Ban Thường vụ xã cũng sẽ bị kiểm điểm… Đến nay, chưa có thôn hay hộ gia đình nào cố tình vi phạm.

***

Uớm ướm ngón tay thử độ sắc của lưỡi mác vốn dĩ chỉ dành cho việc đâm trâu, già Bhơriu Pố, tặc lưỡi: “Nó đã cùn lắm rồi!”. Già cẩn thận cất lại ngọn giáo lên mái nhà. Già bảo, đâm trâu tuy là việc hệ trọng bao đời nay, nhất là để cầu an, cầu được mùa, may mắn… “Nhưng ai cũng biết rằng, nếu không lao động thì đến cái kim, sợi chỉ cũng chẳng có… Rồi nay mai, câu chuyện kể của đôi bạn trâu và heo chỉ còn là ký ức…”, già Pố trầm ngâm.

Trường Sơn ký sự

Lên non xem đi sim

Đi tìm “ngải thương”

Lời ru buồn trên nương

Bi hài 'đòi của'

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.