Giữ hồn đại ngàn: Người thầy đầu tiên

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
30/10/2022 07:30 GMT+7

Về nghỉ hưu đã lâu nhưng Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Hoài Nam (77 tuổi, trú tại xã Hồng Hạ, H.A Lưới, Thừa Thiên-Huế) vẫn chưa ngưng nghỉ công tác văn hóa.

Già vẫn đứng lớp để trao truyền những làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc của đồng bào Cơ Tu đến thế hệ trẻ…

Muốn bảo tồn thì phải truyền dạy…

Nghệ nhân Ưu tú Areel Đời (chuyên viên Phòng VH-TT H.A Lưới, phụ trách văn hóa đồng bào Cơ Tu) không thể nào quên ngày đầu gặp mặt già Nguyễn Hoài Nam. Đó là đợt tuyển dụng cán bộ văn hóa vào năm 1984. “Già - một người đàn ông vóc dáng nhỏ con nhưng khi nào cũng đầy nhiệt huyết, miệng nói tay làm… Với tôi, già Nam chính là người thầy đầu tiên truyền dạy những kỹ năng trình diễn nghệ thuật truyền thống trên sân khấu. Với già Nam, người làm công tác biểu diễn phải thật chỉn chu, từ dáng đi, cử chỉ cho đến khẩu hình…”, ông Đời kể.

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Hoài Nam trình diễn đàn ta lư

HOÀNG SƠN

Trước năm 1975, già Nguyễn Hoài Nam tham gia đoàn văn công phía tây tỉnh Thừa Thiên-Huế. Già lần lượt công tác trong đội thông tin - tuyên truyền lưu động tổ chức biểu diễn văn nghệ, ca múa nhạc khắp các địa phương miền núi của Thừa Thiên-Huế. Từ năm 1977 - 1986, già Nam phụ trách đội văn nghệ A Lưới rồi Trưởng phòng VH-TT H.A Lưới. Cũng từ đó, già trở thành thủ trưởng của thế hệ nghệ sĩ đầu tiên của núi rừng A Lưới sau ngày giải phóng đất nước. Bằng thâm niên công tác, kinh nghiệm học hỏi được từ những nghệ sĩ chuyên nghiệp ở đồng bằng, già đã kỳ công đào tạo các nghệ nhân, nghệ sĩ… và rồi trở thành người thầy đầu tiên của họ.

Bà Ta Dư Tư, Phó trưởng phòng VH-TT H.A Lưới, cũng được người thầy Nguyễn Hoài Nam tuyển dụng và một tay đào tạo. Bà Tư bảo để có được vốn kiến thức về văn hóa, nghệ thuật của các dân tộc thiểu số tại A Lưới như hôm nay, bà đã học hỏi và tiếp thu rất nhiều kinh nghiệm từ già Nam. Già Nam chính là tấm gương tự học, tự trau dồi kiến thức… Dù ở hoàn cảnh nào, già cũng một lòng dành tâm sức cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của các đồng bào. Bởi vậy, từ năm 1992 đến khi nghỉ hưu vào năm 2005, mặc dù đã chuyển công tác từ H.A Lưới về làm Bí thư Đảng ủy xã Hồng Hạ, già Nam vẫn dành nhiều sự quan tâm cho công tác văn hóa. Từ gìn giữ trang phục truyền thống đến sưu tầm, bảo tồn và truyền dạy các làn điệu dân ca, điệu nhảy truyền thống…

Dưới bàn tay dàn dựng của già Nam, các tiết mục văn nghệ của xã Hồng Hạ khi nào cũng sống động. Cũng trống, cũng cồng chiêng, thanh la, khèn bè… nhưng đội văn nghệ của xã khi nào cũng giành giải cao khi đi thi các cấp. “Thường giải thấp nhất là giải ba, còn giải nhì, giải nhất thì thường xuyên. Có được thành tích như vậy là nhờ sự đồng đều của các nghệ nhân, nghệ sĩ của xã. Bởi họ đã được đào tạo để trình diễn. Muốn bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống thì trước hết phải truyền dạy…”, già Nam quả quyết.

Ấp ủ mở lớp học trước khi quá già…

Chính bởi tâm niệm đó mà già đã từng có ý kiến với lãnh đạo xã Hồng Hạ nên đầu tư mở các lớp truyền dạy dân nhạc, dân ca, dân vũ không chỉ riêng của đồng bào Cơ Tu mà cho cả đồng bào Tà Ôi, Pa Kôh, Pa Hy. Nhận thấy thế hệ những người nắm giữ bí quyết chơi nhạc hay, sở hữu những làn điệu đẹp… lần lượt về với Yàng (trời), người tâm huyết với công tác văn hóa như già Nam rất nóng lòng. Thế là, năm 2009, già chủ động kết nối với giảng viên Trường ĐH Nông Lâm Huế để xin hỗ trợ kinh phí mở lớp truyền dạy dân nhạc cho 11 người tại địa phương.

“Hồi đó, tôi cùng một số người già trong xã mở lớp học về nhạc cụ trong vòng 1 tháng. Cứ đến ngày thứ bảy và chủ nhật, chúng tôi cùng lên lớp để giảng giải những câu chuyện ý nghĩa xung quanh mỗi nhạc cụ rồi đích thân trình diễn, chỉ bảo từng nốt nhạc cho các học viên. Nhờ thế mà từ hơn 10 năm trước, tại xã Hồng Hạ đã có một thế hệ biết chơi thành thạo những nhạc cụ truyền thống của các dân tộc thiểu số, như các loại sáo, khèn bè, đàn abel, ta lư, tù và…”, già Nam nhớ lại.

Từ thành công này, già Nam đã cùng các nghệ nhân, người có uy tín phối hợp với ngành văn hóa ở địa phương tiếp tục mở thêm 2 lớp dạy dân ca, dân vũ. Khoảng gần 30 học viên của già Nam không kể người dân hay cán bộ, từ thanh niên cho đến trẻ em đã cần cù học trong vòng 1 tháng. Từ chỗ gần như không biết đến các làn điệu truyền thống như cha chấp, ba bói, tâng tung da dá…, nhiều người đã dần thành thục. Trong số đó, có 2 học viên đặc biệt là cán bộ lãnh đạo của xã Hồng Hạ, gồm Bí thư Đảng ủy xã và Phó chủ tịch HĐND xã. Nhờ được truyền dạy bài bản, nhiều thanh niên, các em học sinh trong xã nay đã có thể tự tổ chức các chương trình văn nghệ truyền thống.

“Anh Bí thư Đảng ủy xã mê học khèn bè nên chăm chỉ lắm. Khèn bè là nhạc cụ hay nhất của các dân tộc thiểu số ở Trường Sơn. Bố lo, sau này mình già yếu không kịp truyền lại cho lớp trẻ thì tiếc. Bởi vậy, bố kiến nghị xã, cấp trên quan tâm mở lớp. Bố còn sức là còn đứng lớp mà chẳng cần đồng thù lao nào. Chỉ mong các học viên đi học có được vài đồng xăng xe, vậy là vui rồi…”, già Nguyễn Hoài Nam trải lòng. Trong lúc chờ đợi, sắp tới, già Nam sẽ huy động kinh phí để mở lớp dạy dân ca cho thanh niên. Già lại trở thành người thầy đầu tiên của những bạn trẻ

(còn tiếp)

Giữ hồn đại ngàn

“Cây đại thụ” âm nhạc người Tà Ôi

Già làng của… già làng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.