Trường công dạy thêm IELTS

11/01/2024 04:23 GMT+7

Tổ chức luyện thi IELTS ngay từ lớp 10 là hoạt động được một số trường THPT áp dụng nhằm trang bị kỹ năng từ sớm cho học sinh. Song, mức độ hiệu quả lại đang bị bỏ ngỏ bởi nhiều yếu tố.

Ngoại ngữ không còn là môn thi THPT bắt buộc từ năm 2025 hay thêm nhiều trường ĐH dùng các chứng chỉ quốc tế, đơn cử như IELTS, làm tiêu chí tuyển sinh đã khiến thị trường luyện thi ngày càng sôi động. Không chỉ giới hạn ở các trung tâm tiếng Anh hay trường tư thục, nhiều trường công lập tại TP.HCM nay cũng gia nhập "cuộc đua" dạy IELTS với chi phí phải chăng, nhưng chỉ áp dụng với học sinh (HS) chương trình giáo dục phổ thông mới.

THU HÚT NHIỀU HỌC SINH

Tại Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3, TP.HCM), HS khối 10, 11 hiện có 8 tiết tiếng Anh. Trong đó, 5 tiết học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. 3 tiết còn lại, 1 buổi được luyện thi IELTS với giáo viên (GV) trong trường và 2 buổi với người nước ngoài. "Thầy cô trong trường chủ yếu dạy ngữ pháp, từ vựng, còn GV bản ngữ chú trọng kỹ năng nói và viết", Nguyễn Thị Thanh Mỹ, lớp 11A12, chia sẻ.

Trường công dạy thêm IELTS- Ảnh 1.

Hầu hết các trường học đều tổ chức các buổi học tiếng Anh với người nước ngoài

ĐÀO NGỌC THẠCH

Một điểm đặc biệt, theo Mỹ, là tiết học IELTS dùng sách riêng tên Complete IELTS Bands 5-6.5 và cũng kiểm tra, tính cột điểm, ở mức đạt hoặc chưa đạt như môn thể dục. Cấu trúc đề lẫn thời lượng làm bài tương tự thi thật, gồm 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và diễn ra trong nhiều buổi học liên tiếp. Như với kỹ năng viết, HS làm bài trong hai ngày. Hay khi thi nói, từng người được vấn đáp trực tiếp với GV bản ngữ.

Đang luyện thi IELTS ở trung tâm, Mỹ đánh giá những gì được học trên lớp hầu như không mới, song hữu ích với những ai chưa từng tiếp xúc bài thi này. "Việc học là bắt buộc, có những bạn thi IELTS 7.5, 8.0 cũng không được miễn. Nhưng trường không thu thêm phí dạy IELTS, chỉ thu học phí tiết tăng cường tiếng Anh với GV bản ngữ là 210.000 đồng/tháng theo thỏa thuận vào đầu năm với phụ huynh", nữ sinh cho hay.

"Đa số chúng em đều ủng hộ dạy IELTS trong trường, vì được làm quen với bài thi mà không tốn nhiều chi phí như học ở trung tâm, lại phù hợp với bối cảnh tuyển sinh ĐH khi ngày càng nhiều trường mở phương thức xét tuyển kết hợp với chứng chỉ ngoại ngữ. Giờ học IELTS trên lớp cũng diễn ra nghiêm túc, tương tác liên tục chứ không phải cho có", Mỹ nói thêm.

Hà Đức Cường, lớp 11A5 Trường THPT Trần Khai Nguyên (Q.5), thì cho hay trường không dạy IELTS trong tiết chính khóa, song có mở lớp ngoài giờ cho HS tự nguyện đăng ký với học phí tùy vào thang điểm mong muốn, dao động khoảng vài triệu đồng. "Hoạt động này thu hút đông đảo HS và giúp các bạn cải thiện kỹ thuật làm bài rất nhiều", nam sinh đang học ở trung tâm luyện thi đánh giá.

Cũng theo Cường, hiện có không ít trung tâm chỉ biết quảng bá bằng các chiêu trò chứ không thể giúp HS đạt kết quả như lời hứa hẹn. Được học IELTS trong trường, vì thế, có nhiều lợi thế. "Đầu tiên là thông tin minh bạch, uy tín. Thứ hai, gia đình có thể phối hợp cùng nhà trường để theo dõi, trao đổi về kết quả học tập của con. Cuối cùng, học trong môi trường quen thuộc giúp các bạn dễ thích nghi hơn", Cường nhận xét.

NHỮNG HẠN CHẾ

Khảo sát HS từ một số trường trên địa bàn thành phố, nhiều em cho biết GV trong trường không đứng lớp dạy IELTS, mà công việc này thuộc về GV nước ngoài hay trung tâm liên kết.

H.A.P, lớp 10 Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (Q.4), cho hay đang học kỹ năng nói theo cấu trúc IELTS trong tiết bản ngữ, mỗi tuần 2 buổi. "GV sửa phát âm và dạy cách phát triển ý để nói dài mà không vấp", P. cho biết.

Tuy nhiên, P. cho hay chỉ vài HS thật sự học, chiếm phần nhỏ so với sĩ số lớp gần 50 người. Với số còn lại, GV nước ngoài nói thẳng, "các em muốn làm gì thì làm, miễn không gây ra tiếng động". "Em nằm trong số những bạn muốn học nên thường xuyên tương tác với GV. Điều này giúp em giao tiếp tốt và có bài bản hơn. Đây cũng là lần đầu tiên em tiếp xúc với IELTS vì chưa có ý định thi chứng chỉ này", nam sinh kể.

Còn ở Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (Q.1), D.H, HS một lớp chuyên, cho biết GV trong trường sẽ dạy 4 tiết tiếng Anh theo chương trình phổ thông cho các lớp chuyên (trừ chuyên Anh). Song song đó, GV người Việt từ đơn vị ngoài sẽ đến dạy IELTS trong khoảng 3 tiết, tài liệu là sách Mindset for IELTS.

D.H cho biết thêm các tiết IELTS nằm trong thời khóa biểu từ thứ hai đến thứ sáu, được xem như một tiết học bắt buộc và không được xin miễn dù đã thi IELTS điểm cao. Trường cũng không thu thêm học phí đối với việc dạy IELTS.

Vì từng luyện thi IELTS, D.H đánh giá tiết học trong trường còn rất nhiều hạn chế, không chỉ ở vấn đề GV. Chẳng hạn, trường không phân lớp theo trình độ, khiến những ai đã học IELTS phải nghe lại kiến thức cũ, dẫn đến phí phạm thời gian. Thời lượng tiết học thì ngắn, lại dàn trải nhiều kỹ năng. Hay chương trình còn khá cơ bản, không rõ ràng, chưa có nhiều bài tập khó như trong đề thi chính thức...

"Em khá bất ngờ khi lần đầu được luyện thi IELTS trong trường, và nó cũng cho thấy sự cần thiết của việc ôn thi chứng chỉ ở hiện tại. Tuy nhiên, vì tất cả HS đều phải học nên em mong trường sẽ có nhiều biện pháp để khắc phục những hạn chế", D.H mong muốn.

Trường công dạy thêm IELTS- Ảnh 2.

Nhiều trường công lập tại TP.HCM tổ chức dạy IELTS trong chương trình học

NHẬT THỊNH

TẠI SAO DẠY IELTS TRONG TRƯỜNG HỌC ?

Ông Nguyễn Văn Ba, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, cho biết trường triển khai dạy IELTS từ 2 năm trước, áp dụng với các khối đang học chương trình mới. Mục đích là rèn thêm năng lực giao tiếp tiếng Anh, chuẩn bị hành trang tốt nhất để HS cạnh tranh vào các cơ sở giáo dục ĐH trong và ngoài nước, nhất là trong bối cảnh ngày càng nhiều trường quốc tế tuyển thẳng HS VN.

"Nhiều thầy cô đứng lớp có kinh nghiệm luyện thi IELTS và thường dự thi để nắm bắt định hướng ra đề những năm gần đây. Trường còn mời thêm GV bản ngữ đến giảng dạy để cải thiện kỹ năng nghe, nói cho HS. Chúng tôi cũng thường xuyên có sự điều chỉnh phù hợp về nội dung, phương pháp dạy học và GV sau khi lắng nghe nhận xét từ HS để ngày càng hoàn thiện chương trình", ông Ba chia sẻ.

Một GV phổ thông thì cho biết, nguyên nhân không dạy IELTS cho lớp 12 chương trình cũ là vì thời lượng tiết học không đủ. Bởi, các em hiện phải học tất cả các môn, thay vì chỉ một số môn trong tổ hợp như HS lớp 10, 11 chương trình mới. "Một lý do khác là chương trình mới định hướng phát triển năng lực giao tiếp cho HS thông qua 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Đây cũng là mục tiêu đánh giá của bài thi IELTS và các chứng chỉ quốc tế khác", GV này cho hay.

Trường dạy các chứng chỉ quốc tế, trường chỉ dạy giao tiếp

Một lãnh đạo của Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết vào đầu năm học, trường tổ chức khảo sát năng lực sử dụng tiếng Anh cho toàn bộ HS của trường. Từ đó thực hiện các chính sách phù hợp để hỗ trợ cho từng nhóm đối tượng cụ thể.

Cũng theo lãnh đạo trường này, từ tháng 5.2023, Trường Phổ thông Năng khiếu đã được ĐH Quốc gia TP.HCM phê duyệt thí điểm tổ chức kỳ thi chứng chỉ quốc tế AP (Advanced Placement Test) phối hợp với College Board. Bên cạnh đó, nhà trường còn phối hợp với các đơn vị giáo dục tổ chức các lớp nâng cao năng lực làm bài thi SAT (Scholastic Assessment Test), lớp ôn tập để tham gia các kỳ thi chứng chỉ ngoại ngữ IELTS, tiếng Nhật, tiếng Đức...

Theo lãnh đạo nhà trường, những hoạt động bổ sung kỹ năng để đáp ứng nhu cầu của HS, giúp HS có điều kiện học tập thuận tiện với mức học phí được hỗ trợ.

Trong khi đó, bà Phạm Thị Bé Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), cho hay HS các lớp chuyên Anh, lớp không chuyên học theo chương trình của Bộ GD-ĐT, trường triển khai chương trình tiếng Anh giao tiếp đối với các lớp chuyên tiếng Trung, tiếng Pháp, tiếng Nhật… với thời khóa biểu hằng ngày sao cho thuận tiện nhất cho HS.

Bích Thanh

Sở GD-ĐT TP.HCM nói gì ?

Trước thực tế một số trường phổ thông triển khai dạy các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế trong chương trình, một lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết nhà trường cung cấp dịch vụ giáo dục với mục tiêu theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bên cạnh đó, đặc thù của giáo dục TP là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng có tính cạnh tranh cao cho TP và khu vực phía nam nên các chương trình nhà trường có mức độ tiệm cận, định hướng chuẩn quốc tế. Song song đó, TP có các đề án ngoại ngữ, tin học với các chuẩn đầu ra cụ thể nên các trường phấn đấu thực hiện. Do vậy, các chương trình nhà trường nếu triển khai hiệu quả, được sự đồng thuận của phụ huynh HS và sự tích cực học tập của HS thì sẽ đạt được "mục tiêu kép".

Bích Thanh

Điểm IELTS trung bình bài thi học thuật (Academic) của VN vào năm 2022 là 6.2, thấp hơn mức trung bình của thế giới là 6.3.

99% người Việt đạt điểm từ 4.0 trở lên, chỉ một số ít được điểm tuyệt đối 9.0, còn lại tập trung nhiều nhất ở mức 6.0 (22%).

Đối tượng học IELTS ngày càng trẻ hóa, chủ yếu nằm trong độ tuổi HS, sinh viên từ 16 - 22.

Theo khảo sát của Hội đồng Anh,

IDP Education và Cambridge Assessment English

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.