Treo bản đồ Tổ quốc: Nhân lên niềm tự hào dân tộc

Phạm Hữu
Phạm Hữu
23/12/2023 06:00 GMT+7

Với mỗi người trẻ, treo bản đồ Tổ quốc tại nơi làm việc, học tập theo cuộc vận động "Tự hào một dải non sông" của T.Ư Đoàn là cơ hội để tự hào về đất nước của mình mỗi ngày, nhân lên tình yêu dân tộc và củng cố ý thức về sự toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ Tổ quốc.

Nhắc nhớ, củng cố tình yêu quê hương, đất nước

Nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử Nguyễn Thanh Lợi, giảng dạy tại Trường CĐ Sư phạm T.Ư TP.HCM, nhìn nhận cuộc vận động "Tự hào một dải non sông" là chương trình thật sự có ý nghĩa trong tình hình hiện nay. Theo ông, mỗi người VN luôn có hình ảnh đất nước trong tâm hồn và biểu hiện nó bằng nhiều cách khác nhau. Như người thì thích đi du lịch đến các vùng miền, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa để đường nét, hình hài của Tổ quốc được khắc ghi qua những hình ảnh cụ thể, gần gũi trong mỗi chuyến đi đó.

Treo bản đồ Tổ quốc: Nhân lên niềm tự hào dân tộc- Ảnh 1.

Xem bản đồ VN mỗi ngày để người trẻ nhắc nhớ, củng cố tình yêu quê hương, đất nước

NHẬT THỊNH

Ông Nguyễn Thanh Lợi cũng cho biết địa lý là môn học trong trường phổ thông giúp cho mỗi công dân ngay từ nhỏ có những hiểu biết cơ bản về hình thể, tài nguyên, nguồn lợi kinh tế của đất nước. Và bản đồ chính là sự cụ thể hóa những thông tin đó, từ địa lý tự nhiên, hành chính, kinh tế cho đến địa lý nhân văn.

"Nhìn vào dãy Trường Sơn trên bản đồ, chúng ta nhớ lại hình ảnh "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" của những năm chiến tranh ác liệt với biết bao gian khổ, hy sinh, để có ngày thống nhất đất nước. Một miền châu thổ Cửu Long hiển hiện trên bản đồ với mạng lưới kênh rạch dày đặc, cũng là vựa lúa, vựa trái cây, hải sản của đất nước. Việc treo bản đồ ở các cơ quan hành chính, nơi làm việc, và nhất là ở trường học... là cách để nhắc nhớ, củng cố tình yêu quê hương đất nước của học sinh, thanh niên và mỗi người dân", ông Lợi chia sẻ.

Treo bản đồ Tổ quốc: Nhân lên niềm tự hào dân tộc- Ảnh 2.

Nhiều cơ sở Đoàn hưởng ứng treo bản đồ Tổ quốc tại nơi làm việc

N.Q

Theo nhà nghiên cứu này, bản đồ đất nước là phương tiện giáo dục hết sức sinh động, trực quan qua những địa danh lịch sử, cảnh đẹp quê hương, nguồn tài nguyên phong phú… Đó là sông Bến Hải - vĩ tuyến 17, nơi chia cắt đất nước trong kháng chiến; là đảo Cồn Cỏ vẫn trụ vững trong bom đạn ác liệt của kẻ thù; là Côn Đảo nơi từng mệnh danh là "địa ngục trần gian"; là vịnh Hạ Long - một trong 9 kỳ quan thiên nhiên thế giới; là vịnh Cam Ranh - một trong 3 cảng biển nước sâu tốt nhất thế giới; là những thửa ruộng bậc thang đẹp mê hồn của núi rừng Tây Bắc…

"Vóc dáng VN sẽ khắc ghi sâu đậm trong tâm hồn mỗi người trẻ bằng những thông điệp cụ thể, gần gũi và hết sức thiêng liêng. Tình yêu đất nước bắt đầu từ tình yêu bản quán, nơi chúng ta sinh ra và lớn lên, mà bản đồ đất nước là hình bóng cụ thể. Cho nên việc phát động treo bản đồ Tổ quốc ở nơi học tập, làm việc là điều hết sức cần thiết ngay lúc này, giúp giáo dục tình yêu đất nước qua những nét vẽ của từng tấc đất quê hương", ông Lợi nhìn nhận.

Phấn khởi hưởng ứng cuộc vận động

Chị Lê Thị Thanh Tâm, Phó bí thư Huyện đoàn Bình Chánh, TP.HCM, cho biết hiện nay các trường học ở H.Bình Chánh cũng cơ bản được treo bản đồ VN đúng theo quy định và trong các tiết học khoa học xã hội, học sinh được tìm hiểu bản đồ VN thông qua hướng dẫn của giáo viên. Tuy nhiên, với các đoàn viên, thanh niên đã đi làm thì không thường xuyên xem và nhìn thấy bản đồ. Chính vì thế, chị Tâm cho biết "Tự hào một dải non sông" là cuộc vận động rất cần thiết, phù hợp trong giai đoạn hiện nay nhằm giáo dục lòng yêu nước, tự hào về toàn vẹn lãnh thổ cho người dân VN, đặc biệt là trong mỗi bạn trẻ.

"Việc được nhìn thấy bản đồ VN mỗi ngày giúp bồi dưỡng, giáo dục tình yêu quê hương đất nước, ý thức trách nhiệm của mỗi người về bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước ta trong thời đại mới. Bên cạnh đó còn giúp học sinh, thanh niên bổ sung thêm kiến thức, hiểu biết hơn về vị trí địa lý, văn hóa, lịch sử dân tộc dựa trên bản đồ VN", chị Tâm chia sẻ.

Bản thân là cán bộ Đoàn phụ trách khu vực trường học, chị Lê Thị Thanh Tâm nhận thức được trách nhiệm trong việc thực hiện đợt phát động này. Theo chị, huyện Đoàn sẽ triển khai rộng rãi đến các cơ sở Đoàn, Hội, Đội để thực hiện treo bản đồ VN tại nơi làm việc, phòng truyền thống, sinh hoạt và các lớp học trên địa bàn. Trong thời gian tới sẽ thực hiện tặng bản đồ VN đến các chi Đoàn khu chung cư, trường ngoài công lập trên địa bàn. Ngoài ra, huyện Đoàn cũng sẽ tổ chức các hoạt động, hội thi thật cụ thể để đánh giá hiệu quả, kết quả sau khi tìm hiểu về bản đồ VN; ứng dụng công nghệ thông tin để đoàn viên, thanh niên có thể truy cập, tìm hiểu nhanh bản đồ VN. Đồng thời chị Tâm cho biết sẽ kêu gọi mỗi đoàn viên, thanh niên, thiếu niên, thiếu nhi trở thành một tuyên truyền viên của cuộc vận động.

Võ Huy Hoàng, học sinh Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ (Q.7, TP.HCM), cho biết em đã được thầy cô chỉ dạy, giới thiệu về các loại bản đồ. Ngoài giờ học, Hoàng thường xem bản đồ VN trong sách vì muốn tìm hiểu và nhớ thêm nhiều địa danh, cũng như ranh giới giữa các tỉnh thành và giữa VN với các nước láng giềng. Và từ khi tìm hiểu kỹ bản đồ VN, Hoàng đã biết nhiều hơn về biển đảo của Tổ quốc.

Hoàng cho rằng cuộc vận động "Tự hào một dải non sông" và phát động treo bản đồ VN ở nơi học tập rất có ý nghĩa với học sinh trên cả nước, sẽ giúp mọi người luôn khắc ghi rằng bản thân là người VN, phải luôn giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

"Xem bản đồ VN mỗi ngày giúp em và các bạn có thêm nhiều kiến thức về địa lý, lịch sử và cả niềm tự hào về đất nước của mình", Hoàng bày tỏ và cho biết sẽ xin ba mẹ mua một tấm bản đồ VN để treo vào góc học tập tại nhà.

BẢN ĐỒ LÀ HÌNH ẢNH THIÊNG LIÊNG TRONG TRÁI TIM MỖI NGƯỜI

Mình nhận thấy cuộc vận động "Tự hào một dải non sông" của T.Ư Đoàn rất thiết thực, có giá trị sâu sắc. Thông qua cuộc vận động sẽ giúp nâng cao kiến thức và ý thức về chủ quyền quốc gia trong thế hệ trẻ, đi sâu vào tiềm thức và đảm bảo các thế hệ tiếp theo sẽ luôn duy trì, phát huy tinh thần này.

Treo bản đồ Tổ quốc: Nhân lên niềm tự hào dân tộc- Ảnh 3.

Hoàng Thị Mai Anh

NVCC

Việc tuyên truyền cho người trẻ hiểu biết đúng và đủ về bản đồ có vai trò quan trọng giúp thế hệ tương lai của đất nước hiểu rõ về chủ quyền quốc gia, nâng cao tình yêu đất nước, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Bản đồ có đủ quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa trong trái tim mình là một hình ảnh thiêng liêng, thể hiện Tổ quốc toàn vẹn và tươi đẹp. Mình luôn hưởng ứng và tuyên truyền cho những người xung quanh, các bạn học sinh về tầm quan trọng của việc treo bản đồ để nâng cao ý thức về sự toàn vẹn chủ quyền quốc gia.

HOÀNG THỊ MAI ANH

Giáo viên tại "Lớp học địa lý" - trang học địa lý trực tuyến trên Facebook có gần 50.000 lượt theo dõi

Nguyễn Điền (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.