Trên núi có hoa dã quỳ - Truyện ngắn của Nguyễn Hồng

26/11/2023 08:30 GMT+7

Ông chủ quán vẫy tay gọi thằng bé đang đứng bán măng trước cổng.

- Mày dẫn cô qua núi gặp thầy lang. Đi nhanh đi, trời sắp sập xuống đây rồi.

Thằng bé đó là Lân. Lân chừng 13, 14 tuổi. Người mảnh và đen như chiếc dây thừng bện chặt. Chỉ đôi mắt là sáng, ánh nhìn nhanh nhẹn. Ông chủ quán nói với theo: "Đệ tử ruột của ông lang đấy. Học một biết mười".

Trên núi có hoa dã quỳ - Truyện ngắn của Nguyễn Hồng - Ảnh 1.

Minh họa: Tuấn Anh

Lân đi nhanh. Tôi bước thấp bước cao theo chân Lân. Tháng mười một trời thưa nắng, thi thoảng có mây mù. Thời tiết âm u đỏng đảnh. Có tiếng sấm vọng từ xa. Lân hối tôi đi nhanh chút vì trời báo mưa rồi. Nhưng tôi không thể đi nhanh hơn được nữa. Đường nhiều dốc, lại lạ, tôi vừa đi vừa dò sức, dò cả cảm xúc. Hoa dã quỳ vàng rực hai bên đường, tôi đã mấy lần muốn dừng lại. Vừa mệt, vừa đói, tôi cười lơ ngơ, cái kiểu cười hứa hẹn. "Cũng sắp tới nơi rồi, ổn rồi. Chúng mình sẽ gặp lại nhau nhé, đợi tao xong việc nhé". Thấy tôi bước chậm, lại thở dốc, Lân ra hiệu cho tôi dừng lại.

- Đó, đó cô. Nhà thầy ở bên kia núi.

Tôi theo hướng tay Lân chỉ. Ngôi nhà lợp mái tranh. Nhỏ như dấu chấm giữa bao la hoàng hôn. Và dốc. Rất nhiều dốc. Tôi nghĩ mình cần phải nghỉ thêm chút để xốc lại tinh thần trước khi đi tiếp. Lân đón ý tôi, sắm nắm sắp đặt.

- Con qua trước châm đèn, chắc thầy chưa về đâu. Nay thầy sang làng bên rửa nước.

Theo tôi hiểu rửa nước tức là phụ người dân làm sạch nguồn nước. Làng ngay sát chân núi thế kia, mỗi lần mưa thượng nguồn đổ về, nước đổi màu bùn hết thảy. Chắc là thầy lang của Lân đang làm việc đó. Vì đã thấm mệt nên tôi hãm bớt tò mò, định bụng để hỏi sau. Lân nói xong thì quay bước. Tôi ngồi lại vệ đường, nghịch đám cỏ dưới chân, phá bĩnh mấy con kiến đang hối hả tha mồi về tổ. Chim rừng bay chậm trên đầu. Chắc tổ của chúng cũng gần đây. Tôi ngó nghiêng tìm, không thấy tổ, chỉ thấy những chú chim bình thản hạ cánh, chẳng có dấu hiệu gì là sợ người.

Thầy lang của Lân là Phan. Phan hơn tôi khá nhiều tuổi. Tôi không nhớ chính xác được vì ngày tôi còn học trường làng thì Phan đã đi bộ đội. Lên đại học thì Phan và tôi cùng nhập học một ngày. Tôi thấy Phan làm thủ tục ở bàn tiếp đón sinh viên. Tôi chưa kịp chào thì Phan đã lại gần. "Ủa, bé Thảo. Cũng học trường này hả. Vui thật đấy, đi đâu cũng được gặp người làng". Đó cũng là lần đầu tiên tôi và Phan nói chuyện trực tiếp với nhau. Lúc ở làng, tôi chỉ biết nhà Phan cách nhà tôi một cái mương nước, mẹ Phan hay qua nhà tôi uống nước chè. Mẹ tôi hay nhờ mẹ Phan đi chợ hộ. Đại loại là hai nhà có chạy qua chạy lại vậy. Tôi không biết nhiều về Phan. Và Phan cũng thế. Chúng tôi chỉ là người cùng làng. Các bà mẹ nói chuyện đồng áng, chuyện cơm nước, chợ búa khi gặp nhau. Chúng tôi chưa bao giờ cùng lúc xuất hiện trong câu chuyện của họ.

Tôi vẫn không biết nhiều về Phan suốt bốn năm học đại học. Một phần vì học trái buổi, một phần vì học khác khoa, một phần vì Phan nhiều tuổi, lại còn là bộ đội đi học nên được nhiều người để ý… nhiều phần nhỏ nữa gộp lại. Thi thoảng chúng tôi có gặp nhau trong ngày hội đồng hương nhưng cũng chẳng có chuyện gì để nói. Tôi có bạn của tôi, Phan có bạn của Phan. Phan chưa bao giờ xuất hiện riêng tư trong ý nghĩ của tôi. Tôi nghĩ là Phan cũng thế.

Hôm nay tôi đi tìm thầy lang để bốc thuốc cho mẹ. Chỉ là tình cờ, rất tình cờ, khi tôi hỏi đường, ông chủ quán cơm đã tỏ lòng hiếu khách bằng cách kể thật tường tận về thầy lang đang nổi tiếng khắp vùng. Ông chỉ về phía tấm ảnh được phóng to, lồng trong khung kính, treo chính giữa phòng khách. Ông đứng hiền từ, có phần khép nép. Tôi nhận ngay ra Phan.

- Hồi đó mấy thầy trò vào rừng tìm cây thuốc. Có đoàn công tác ở Trung ương đi cùng. Họ tìm giống cho dự án phát triển vùng dược liệu mới. Họ nín thở dõi từng bước chân thầy. Đi. Và đi. Và lặng im. Cây rừng quấn quýt. Thuốc trong rừng thì nhiều, chỉ là nhân duyên ở đâu thuốc gieo duyên ở đấy. Lạ thay, người ta đến rồi người ta đi, biết bao nhiêu dự án hứa hẹn nhưng thuốc vẫn chỉ thuộc về rừng, không dễ gì đưa về xuôi mà sống được.

Mắt ông già rưng rưng khi nhắc đến thầy. Niềm tự hào lẫn với sự kính trọng, yêu thương hiện rõ. Tôi không nghĩ được gì. Kể cả đó là Phan. Mặc dù tôi có bất ngờ nhưng giống như vô cảm. Tôi không đi tìm Phan. Ngay bây giờ tôi chỉ muốn tìm thuốc. Bệnh mất ngủ của mẹ ngày càng nặng...

- Cô tìm đúng người rồi đấy. Rồi sẽ ổn thôi. Chỉ cần uống nước lọc đã qua tay thầy cũng ổn. Là người ta kháo vậy, tôi chưa thử, ơn trời. Nhưng tôi tin.

Tiếng sấm mỗi lúc một gần. Sự bồn chồn của tôi khiến ông già nguôi dần cơn phấn khích. Tôi chỉ mong lời ông già là đúng để mẹ tôi bớt những đêm trằn trọc.

- Cô chỉ có thể nghỉ lại vì xong việc sẽ rất muộn. Mấy cái lán là người dân trong làng dựng lên đấy. Có nhiều bữa lán kín người, xa lạ gặp nhau mãi mà thành quen.

Tôi chạm vào mái tranh. Mùi rơm thơm được nắng. Bộ bàn gỗ nhỏ. Ly cốc cũng nhỏ. Những chiếc chõng tre kê sát vách nứa. Cây đèn dầu với chao đèn ngoại cỡ sáng ấm áp. Thấy tôi tò mò, Lân nhanh nhẹn chỉ bảo.

- Vẫn có điện chứ cô. Nhưng thầy thích dùng đèn dầu. Sư cô trước khi lên chùa đã để lại. Thầy coi cây đèn như một người bạn.

"Làm bạn với đèn dầu". Tôi nhắc lại sự ngạc nhiên thêm một lần nữa. Nhân vật sư cô xoẹt qua đầu tôi rồi mắc lại ở bức hình. Bức hình trông quen quá, tôi đã thấy ở đâu đó. Hoặc trên báo, hoặc trên ti vi, hoặc trong ngôi chùa nào đó tôi đã đến. Bức chân dung đen trắng vẽ ni cô bình lặng trước cây đèn dầu. Ánh mắt sáng. Lửa đèn sáng. Chiếc khăn vấn đầu màu nâu chàm cùng màu với bộ đồ lam cũng bắt sáng.

- Ni cô đó. Thầy vẽ nhiều nhưng chỉ treo bức này.

Ngoài trời lác đác mưa. Có thêm một vài người nữa cũng đợi thầy, đợi thuốc như tôi. Họ ngồi im một chỗ, kiên nhẫn chờ đợi. Theo lời Lân giải thích, họ là người cũ, đã quen nếp ở đây rồi.

Không như tôi tưởng tượng, thầy lang không mặc áo nâu sồng. Thầy cười chào mọi người rồi đi nhanh vào nhà sau. Bộ đồ bảo hộ lấm lem bùn đất. Đúng là Phan rồi. Tôi có chút mất kiểm soát rồi tự cân bằng ngay tắp lự. Chỉ là chút ngập ngừng dấy lên khi gặp lại người quen trong hoàn cảnh đặc biệt này. Biết đâu lát nữa thôi, khi gọi đến tên tôi, Phan lại kêu lên như ngày đầu nhập học. Rồi lại cất nhanh câu chào vội vàng để còn làm việc. Tôi nguội cơn tò mò, ngồi im chờ đợi cùng mọi người.

- Ủa, Thảo.

Phan nhận ra tôi, ánh nhìn ấm và gần gũi. Phan ngồi giữa, xung quanh là những ô thuốc. Lân và một vài bạn khác nữa chạy qua chạy lại phụ thầy. Tôi giữ sự chừng mực, từ tốn đáp lại câu chào.

- Em lấy thuốc cho mẹ. Mẹ em bị mất ngủ thường xuyên.

- Là bác gái…

Phan lặng im một lúc. Tay gõ nhẹ vào mặt bàn. Tôi cũng chỉ biết lặng im. Sự nôn nóng, sốt ruột đặc quánh trên những khuôn mặt chờ đến lượt.

- Trường hợp em để xử lý sau cũng được, thầy ưu tiên những người ở gần để họ còn kịp về.

Tôi đành chọn cách ấy để Phan trở lại với công việc. Gặp lại người làng không thăm hỏi đôi ba câu thì không đặng. Nhưng việc thăm hỏi lúc này lại thành vô duyên hết sức. Đằng nào thì mai tôi mới có xe để về. Xe từ thị trấn về xuôi không phải lúc nào cũng sẵn. Tôi nhìn Phan từ xa. Bộ quân phục cũ, mái tóc đã nhiều sợi bạc, ánh mắt thẳm sâu. Phan bây giờ có khác Phan của ngày xưa không tôi nào biết. Vẫn là bộ quân phục Phan đã mặc từ thời còn sinh viên, vẫn giọng nói trầm trầm đục đục nhưng ánh mắt khác nhiều. Đầu tôi chằng chịt dấu hỏi. Duyên nghiệp nào khiến Phan chọn nơi này, công việc này. Những câu hỏi đáng lẽ phải xuất hiện ngay từ khi thấy hình Phan treo ở nhà ông chủ quán. Tôi nóng bừng hai má. Cảm giác tò mò dấy lên rồi lại chậc lưỡi xua đi ngay.

Trong câu chào của Phan, tôi không còn là bé Thảo nữa. Tôi cười âm thầm với phát hiện của mình. Tôi chưa biết bắt đầu câu chuyện thế nào với Phan ngoài việc nhờ Phan tư vấn thuốc cho mẹ. Thuốc của Phan chỉ toàn cây cỏ hoa lá thôi nhưng hãm và uống không đúng chỉ dẫn là xôi hỏng bỏng không ngay.

Hoàng hôn buông từ từ trước mặt, tôi thấy lòng chùng xuống.

- Thảo đợi anh lâu không?

- Ngày nào cũng thế, anh chỉ tranh thủ bốc thuốc được vào giờ này. Bình thường thì đi làm, thi thoảng còn có thêm việc làng nữa. Bận thì có bận nhưng vui lắm Thảo.

- Lần về nhà gần nhất nghe mẹ anh bảo Thảo đã làm việc trên phố. Cũng ít về lại làng. Làng mình bây giờ toàn người già. Cũng buồn ha Thảo.

- Đến mười năm chưa Thảo nhỉ, từ ngày ra trường. Dễ mà hơn lắm, anh thấy Thảo nhiều trầm tư hơn. Còn anh, Thảo xem nè, tóc bạc đã nhiều trên đầu rồi.

Phan vừa nói vừa bẻ đốt ngón tay. Trời ơi, hình ảnh thầy lang điềm tĩnh, ân cần đầy uy lực ngồi trên phản gỗ bốc thuốc đâu rồi. Sự luống cuống của Phan đẩy tôi vào một cảm xúc khác lạ, không đơn thuần chỉ là sự gặp lại người làng. Tôi không có chuyện gì để kể với Phan nhưng chuyện của Phan thì nhiều. Phan hỏi tôi có muốn nghe không? Tôi im lặng gật đầu. Tôi nghĩ thế sẽ nhanh đến ngày mai hơn.

Mười tám tuổi anh vào bộ đội. Hồi đó Thảo còn bé xíu. Anh nhớ, lúc đoàn hành quân qua gốc đa, Thảo và các bạn đang chơi vòng chun. Bữa đó Thảo thua đậm. Thằng Cò ăn được hết. Thằng Cò là cháu ruột của anh. Nó đã rất hồ hởi khi kể, thực chất là nó khoe. "Cái Thảo bị thua khóc váng trời. Nhưng cháu kệ. Cháu nhường nó mãi rồi". Nó vui còn hơn bộ đội lập công ở thao trường.

Chuyện cũ quá rồi, chắc Thảo không còn nhớ nữa. Nhưng anh nhớ. Bộ đội ăn nỗi nhớ để sống. Anh cũng thế, gặm nhấm từng tí ký ức về Thảo. Nhớ nhà thì nhớ mẹ cha, nhớ gốc đa làng, nhớ bữa ấy trời nắng xanh. Anh bước qua cổng làng bằng một tâm thế mới. Thảo nhỏ như chiếc kẹo, quần ống thấp ống cao. Anh không biết cách nào để chào Thảo cả. Thảo còn không biết anh là ai, càng không biết chú bộ đội ở đó để làm gì. Thảo còn bận chơi vòng chun. Anh cứ tự hỏi, liệu sau 3 năm nữa, khi anh rời quân ngũ Thảo còn chơi vòng chun nữa không.

Anh chỉ nhớ Thảo được chừng ấy cho đến ngày vào đại học. Thảo khác nhiều quá. Anh đã run cuống lên. Anh không biết vì sao cả, anh không giải thích được. Anh đạp xe lên cầu, thả hết sạch số vòng chun suốt bao năm gom góp. Giống như là mặc cảm hoặc một trạng thái tâm lý nào đấy tương tự, anh đã cố tình tránh Thảo rất nhiều lần.

Thảo trở thành nhân vật trung tâm trong nỗi nhớ của anh. Là câu chuyện do anh tưởng tượng. Anh nhớ đã thành quen. Nỗi nhớ cắc cớ và vô nghĩa lý, rất nhiều lần anh chối bỏ. Bữa đó anh để Thảo lại phố. Anh đi. Con đường vàng hoa dã quỳ dẫn anh lên núi. Trong tích tắc, anh quên mất nỗi nhớ của mình. Ông lang bảo con rắn độc ấy đã hút hết hồn vía của anh. Nhưng anh nghĩ không phải. Chính đám dã quỳ vàng đã chiếm lĩnh tâm trí anh, chúng cheo leo rực rỡ trong từng cơn mê sảng. Giữa thung xanh ngút ngàn hoa vàng, anh bồng bềnh với gió với mây. Anh thấy mình nhẹ như bông lau vừa thoát cuống, bay theo từng thảm hoa vàng. Lúc tỉnh dậy anh thấy mình nặng như đá tảng. Xung quanh người là người. "Ôi cán bộ chưa chết, chưa chết già ơi". Ông già ngừng tay, bó lá thuốc nằm im lìm trên thớt. Già làng chắp tay ngửa cổ lên trời lẩm bẩm câu gì anh không hiểu. Sau này anh mới biết đó là lời tạ ơn bề trên. "Ơn giàng. Con rắn chết rồi, già tưởng cán bộ cũng chết theo con rắn. Lần sau phải cẩn thận hơn. Đi hái thuốc không nên đi một mình". "Hái thuốc? Tôi không đi hái thuốc". Anh thảng thốt kêu lên nhưng già làng không nghe nữa. Già đã bỏ anh một quãng xa với chiếc gùi mây trên lưng. Già đi về phía có nhiều hoa vàng.

Anh ở lại với làng, tri ngộ ơn cứu mạng. Dã quỳ không còn vàng trong giấc mơ của anh nữa, dã quỳ vàng ngay trước mặt, hoang dại thách thức. Anh quên phố mất rồi.

Phan dừng câu chuyện, cười hiền. "Anh nhiều chuyện quá phải không". Tôi tròn mắt ngơ ngác. Không dưng thế, tôi thành nhân vật trong câu chuyện của Phan. Tình huống này bất ngờ quá, tôi chưa lường hết được. Tôi lần hồi quá khứ. Mình đã ở đâu, làm gì trong từng cơn nhớ của Phan.

Tuổi mười tám, tôi mang theo sự bằng lặng, quê kiểng làm quen với phố. Phố đón tôi bằng chấp chới ánh sáng, âm thanh và xa lạ tiếng người. Bạn bè tôi, những đứa trẻ quê lần đầu ra phố cũng háo hức như tôi. Khẩu hiệu chằng chịt trong đầu. Học thôi chưa đủ, còn phải sống, hòa nhập và ở lại. Phố hồn nhiên sôi động hứa hẹn một môi trường làm việc tốt. Có người trai tên Lãm đã nhẹ nhàng kéo tay tôi đứng sang một bên khi đợi thang máy, hướng dẫn tôi từng loại đồ uống có trong menu, cách tiếp cận một chỗ ngồi từ dáng vẻ đến thần thái... Lãm chỉnh sửa tôi từng ngày. Lãm bảo, bằng cách nào đó, phố đã từng bước "tẩy phèn" cho Lãm như thế. Lãm cũng đã từng rất lóng ngóng nhưng chỉ một mình. Tôi sinh sau đẻ muộn thì nên chịu khó nghe Lãm chỉ bảo. Tôi vâng dạ nghe lời. Tôi đã yêu người đàn ông nghiêm khắc dịu dàng như thế. Ngay cả khi Lãm rời đi, sự dịu dàng nghiêm khắc ấy vẫn ở lại, ương ngạnh nhìn tôi từ chối những hẹn hò.

Tôi biết buộc dây giày nhiều kiểu, biết phối áo này với váy nọ, biết phân biệt các loại đồ ăn, thức uống… tôi biết nhiều hơn những lời Lãm chỉ bảo. Tôi chỉ không biết được hoài bão của Lãm mênh mông nhường nào. Lãm đã rủ tôi yêu phố rồi đột ngột rủ tôi bỏ phố. Tôi không thể theo Lãm được. Lãm đi và biền biệt ở trời Tây đến giờ.

Tôi một mình từ bấy đến giờ.

Sương rơi mềm trong đêm. Tôi hấp tấp cho thêm củi vào bếp, những đốm lửa kêu lép bép theo gió bay lên.

- Sao anh không kể tiếp.

Tôi tránh ánh nhìn của Phan, không dám đối diện, đành cời than cho lửa bùng lên.

- Kể nữa thì cũng loanh quanh chừng đó thôi.

Phan đã thôi bẻ đốt ngón tay, loay hoay thổi lửa.

- Anh đã thuộc về làng. Đi làm, đi chơi, đi hái thuốc, rồi ăn uống ngủ nghỉ… lúc nào làng cũng cạnh bên. Cuộc sống của anh, như Thảo thấy đó, đơn giản vậy thôi.

- Thế còn sư cô?

Phan ngập ngừng một lúc trước câu hỏi đột ngột có phần hoảng hốt của tôi. Tôi chưa lý giải được phản xạ của mình. Hình ảnh sư cô ở lại trong tim, trong đầu tôi.

- À… người ta xuất gia rồi.

Sự lúng túng hiện rõ trên mặt Phan. Tôi thấy mình "xàm xí" hết sức. Những co thắt ở ngực khiến nhịp tim tôi rối loạn.

- Em xin lỗi.

Tôi lí nhí thành thực. Khuôn mặt Phan giãn nở, nụ cười hiền quen thuộc.

- Thảo có muốn nghe chuyện của anh nữa không.

Gió từ thung xa thổi vào se sắt. Tôi chưa biết phải trả lời Phan thế nào cả. Câu chuyện Phan muốn kể tiếp cho tôi liệu có là câu chuyện Lân đã kể dọc đường đi. Rằng thầy lang vì phải lòng người con gái xứ núi mà một lòng ở lại học nghề bốc thuốc. Người con gái ấy cũng vì Phan mà chậm thêm một vài nhịp trên con đường hành thiền. Người ta đồn về người con gái đẹp người đẹp nết của già làng bằng những giai thoại ly kỳ mà Phan là nốt lặng cuối cùng trước khi cô xuất gia. Tất cả chỉ là đồn đoán nhưng người con gái của già làng đã một lòng theo Phật là có thật. Duyên đủ thì người đi nào ai ngăn nổi. Phan ở lại với nghề bốc thuốc biết đâu cũng là nghiệp duyên đã định. Đám dã quỳ vàng rực trong ý nghĩ. Tôi không biết chúng có ngủ không, hay đang thức để hóng hớt câu chuyện.

- Dã quỳ có ngủ đêm không anh?

- Chắc là có. Phan cười ý tứ. Phải ngủ để mai còn có sức kể tiếp câu chuyện. Dã quỳ là loài hoa lắm chuyện nhất thế gian này.

Không phải để kể mà để viết tiếp câu chuyện của mình Phan ạ. Cả tôi và dã quỳ đều lắm chuyện như nhau. Biết đâu ngày mai, Phan sẽ lại ngồi nghe tôi kể chuyện. Rồi Phan cũng sẽ lặng im ngơ ngác như tôi thôi. Ai rồi cũng thấy mình xa lạ trong câu chuyện được dệt bằng tâm tưởng. Trong câu chuyện của tôi có thể có Phan hoặc không, hiện tại tôi chưa nghĩ được gì cả nhưng chắc chắn sẽ có bát ngát dã quỳ.

Tôi tưởng tượng về tôi, về Phan của sau này. Lễ đường sẽ ngập tràn hoa dã quỳ. Cả bó dã quỳ vàng rực trên tay Phan nữa. Liệu chúng có chịu nằm yên trong tay tôi hay không. Hay khi đã hoàn thành sứ mệnh, chúng lại tung tăng theo mênh mông đại ngàn để bắt đầu một câu chuyện khác, rực rỡ vàng hoa và nắng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.