Trẻ sơ sinh được cấp căn cước như thế nào?

04/12/2023 11:57 GMT+7

Luật Căn cước quy định cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi. Vậy trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh, quy trình cấp diễn ra như thế nào, có khả thi?

Luật Căn cước công dân đang có hiệu lực quy định công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên phải làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân.

Tuy nhiên, kể từ 1.7.2024, khi luật Căn cước có hiệu lực và thay thế cho luật Căn cước công dân, thẻ căn cước công dân sẽ đổi tên thành thẻ căn cước, đối tượng được cấp thẻ cũng mở rộng, gồm cả người dưới 14 tuổi.

Trẻ sơ sinh được cấp căn cước như thế nào?

Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi: quy trình cấp thẻ căn cước đối với trẻ em dưới 14 tuổi diễn ra như thế nào, nhất là với trẻ sơ sinh thì liệu có khả thi?

Trẻ sơ sinh cấp căn cước như thế nào? - Ảnh 1.

Luật Căn cước quy định cấp thẻ căn cước cho cả trẻ em dưới 14 tuổi

TUYẾN PHAN


Không thu thập vân tay, mống mắt của trẻ dưới 6 tuổi

Luật Căn cước quy định rõ, việc cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi là theo nhu cầu chứ không bắt buộc. Quy trình cấp căn cước cho đối tượng này cũng được chia thành 2 nhóm.

Nhóm thứ nhất là từ đủ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi. Khi có nhu cầu, trẻ em trong độ tuổi này sẽ cùng người đại diện hợp pháp đến cơ quan quản lý căn cước để thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học (ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt).

Tiếp đó, người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thay cho trẻ.

Sau khi thu nhận thông tin, cán bộ có thẩm quyền về quản lý căn cước sẽ in phiếu để người cần cấp thẻ kiểm tra, cấp giấy hẹn trả thẻ căn cước theo quy định.

Trường hợp người cần cấp thẻ căn cước có yêu cầu trả thẻ căn cước tại địa điểm khác thì cơ quan quản lý căn cước trả thẻ căn cước tại địa điểm theo yêu cầu và người đó phải trả phí dịch vụ chuyển phát.

Từ 1.7.2024, người dân được cấp căn cước điện tử

Nhóm thứ hai là dưới 6 tuổi. Khi có nhu cầu, người đại diện hợp pháp của trẻ trong độ tuổi này có thể thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thông qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia.

Trường hợp trẻ chưa đăng ký khai sinh, người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thông qua các thủ tục liên thông với đăng ký khai sinh trên cổng dịch vụ công, ứng dụng định danh quốc gia hoặc trực tiếp tại cơ quan quản lý căn cước.

Đặc biệt, với trẻ em dưới 6 tuổi, cơ quan quản lý căn cước sẽ không thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học.

Trẻ sơ sinh cấp căn cước như thế nào? - Ảnh 2.

Công an thu nhận thông tin về dấu vân tay để cấp thẻ căn cước công dân cho người dân

PHÚC BÌNH

Vì sao cấp thẻ căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi?

Quá trình xây dựng luật Căn cước, cấp thẻ căn cước cho trẻ em dưới 14 tuổi là một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Một số quan điểm cho rằng quy định này sẽ làm phát sinh thủ tục hành chính và chi phí thực hiện; chưa kể trẻ em khi đăng ký khai sinh đã được cấp mã số định danh cá nhân, không cần có thêm thẻ căn cước…

Giải trình về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định việc cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi (theo nhu cầu) là cần thiết. Bởi lẽ, với thẻ căn cước, người dưới 14 tuổi có thể tích hợp nhiều loại giấy tờ vào thẻ, giúp tiết kiệm kinh phí cho Nhà nước trong việc cấp các loại giấy tờ này.

Mặt khác, thẻ căn cước nhỏ gọn, dễ bảo quản, tính bảo mật cao sẽ bảo đảm an toàn, đem lại nhiều thuận lợi, tiện ích cho người dân trong việc đi lại cũng như học tập, khám chữa bệnh và các giao dịch dân sự khác.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, quy định cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi đảm bảo đơn giản, không phát sinh nhiều thủ tục hành chính, vì cơ bản các thông tin đã có trong cơ sở dữ liệu của cơ quan quản lý căn cước.

Cũng theo tính toán của Bộ Công an, cơ quan chủ trì soạn thảo luật Căn cước, Việt Nam có khoảng 19 triệu công dân dưới 14 tuổi. Nếu tất cả trẻ được cấp thẻ căn cước thì sẽ tiết kiệm khoảng 2.000 tỉ đồng, thông qua việc không tốn chi phí cấp sổ tiêm chủng, sổ khám chữa bệnh, thẻ bảo hiểm y tế, thẻ học sinh…

Ở chiều ngược lại, để triển khai việc cấp thẻ căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi, cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải điều chỉnh các quy định liên quan; tốn chi phí thu thập, cập nhật thông tin của công dân vào cơ sở dữ liệu; tốn chi phí để sản xuất, in thẻ CCCD (khoảng 900 tỉ đồng)…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.