Đổi thẻ CCCD thành thẻ căn cước từ 1.7.2024

28/11/2023 06:17 GMT+7

Luật Căn cước vừa được Quốc hội thông qua, có hiệu lực kể từ 1.7.2024, chính thức đổi tên gọi thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước.

Sáng 27.11, với 87,25% đại biểu (ĐB) tán thành, Quốc hội (QH) thông qua luật Căn cước, thay thế luật Căn cước công dân (CCCD) năm 2014.

THẺ CĂN CƯỚC KHÁC GÌ thẻ căn cước công dân ?

Ngoài tên gọi, một số thông tin thể hiện trên mặt thẻ căn cước (TCC) cũng được đổi mới so với thẻ CCCD hiện nay. Trong đó, dòng chữ "căn cước công dân" đổi thành "căn cước", "quê quán" đổi thành "nơi đăng ký khai sinh", "nơi thường trú" đổi thành "nơi cư trú".

TCC sẽ không còn thể hiện dấu vân tay (ngón trỏ trái và ngón trỏ phải), chữ ký của người cấp thẻ đổi từ Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an thành "Nơi cấp: Bộ Công an".

Đặc biệt, luật Căn cước quy định cơ sở dữ liệu căn cước của công dân gồm nhiều trường thông tin; trong số này có nhân dạng, sinh trắc học (ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói), nghề nghiệp (trừ lực lượng quân đội, công an, cơ yếu)…

Với quy định mới, bên cạnh việc thu thập vân tay như lâu nay, luật Căn cước đã bổ sung việc thu thập mống mắt trong thông tin căn cước để làm cơ sở đối soát và xác thực thông tin của mỗi cá nhân; hỗ trợ trong những trường hợp không thu nhận được vân tay (người khuyết tật, vân tay bị biến dạng…).

Đổi thẻ CCCD thành thẻ căn cước từ 1.7.2024 - Ảnh 1.

Quốc hội thông qua luật Căn cước

GIA HÂN

Riêng thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói sẽ có 2 hình thức thu thập. Một là khi người dân tự nguyện cung cấp; hai là từ sự chia sẻ dữ liệu của các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Vẫn theo quy định tại luật Căn cước, mọi công dân Việt Nam đều được cấp TCC (thay vì chỉ áp dụng với người từ đủ 14 tuổi trở lên như luật CCCD 2014). Việc cấp TCC cho trẻ em dưới 14 tuổi thực hiện theo nhu cầu chứ không bắt buộc.

Về quy trình cấp, trẻ từ đủ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi sẽ đi cùng người đại diện hợp pháp đến cơ quan quản lý căn cước để thu nhận thông tin nhân dạng và sinh trắc học, để làm thủ tục cấp thẻ.

Riêng với trẻ dưới 6 tuổi, người đại diện hợp pháp có thể thực hiện thủ tục cấp TCC thông qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia. Trường hợp này, cơ quan quản lý căn cước sẽ không thu nhận thông tin nhân dạng và sinh trắc học.

Một nội dung mới nữa tại luật Căn cước, đó là người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch mà đang sinh sống liên tục từ 6 tháng trở lên tại đơn vị hành chính cấp xã sẽ được cấp giấy chứng nhận căn cước (CNCC). Giấy CNCC có giá trị chứng minh về căn cước để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.

Để làm thủ tục cấp giấy CNCC, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đến cơ quan quản lý căn cước của công an cấp huyện hoặc cơ quan quản lý căn cước của công an cấp tỉnh nơi mình đang sinh sống.

THẺ căn cước công dân ĐÃ CẤP CÓ CÒN HIỆU LỰC ?

Hiện có nhiều loại giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam cùng tồn tại: chứng minh nhân dân (CMND) 9 số, CMND 12 số, thẻ CCCD mã vạch, thẻ CCCD gắn chip. Luật Căn cước quy định thêm một mẫu giấy tờ tùy thân nữa mang tên TCC. Việc này khiến nhiều người băn khoăn rằng CMND hoặc thẻ CCCD đã cấp có còn hiệu lực, có phải đi làm lại ?

Theo quy định chuyển tiếp tại điều 46 luật Căn cước, tất cả thẻ CCCD đã được cấp trước ngày luật này có hiệu lực thi hành (1.7.2024) vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang TCC. Riêng với CMND còn thời hạn sử dụng, thời hạn sử dụng đến hết ngày 31.12.2024.

Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ CMND, CCCD được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về CMND, CCCD trong giấy tờ đã cấp.

Đáng chú ý, tới ngày 1.7.2024, luật Căn cước sẽ có hiệu lực, tức là thời điểm này mới bắt đầu cấp TCC. Vậy những trường hợp sử dụng CMND hoặc CCCD hết hạn trước thời điểm này thì phải làm thế nào ?

Để giải quyết tình huống trên, khoản 3 điều 46 luật Căn cước quy định thẻ CCCD, CMND hết hạn sử dụng từ ngày 15.1.2024 đến trước ngày 30.6.2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30.6.2024.

9 năm qua, thẻ CCCD đã có nhiều lần thay đổi cả về hình thức lẫn nội dung, đến nay với tên gọi mới nhất là TCC. Năm 2014, QH ban hành luật CCCD, đến 1.1.2016 thì có hiệu lực thi hành. Bộ Công an triển khai cấp thẻ CCCD gắn mã vạch cho công dân, thay thế CMND 9 số và 12 số. Do hạn chế về cơ sở vật chất, kỹ thuật, thời điểm này chỉ có 16/63 tỉnh, thành đủ điều kiện để thực hiện thí điểm cấp CCCD mã vạch. Tại 47 địa phương còn lại, việc cấp CMND vẫn thực hiện theo quy định cũ.

Đến năm 2021, Bộ Công an triển khai cấp thẻ CCCD gắn chip thay cho CCCD mã vạch. CCCD gắn chip được đánh giá có độ bảo mật cao, dung lượng lưu trữ lớn so với CCCD mã vạch. CCCD gắn chip còn cho phép tích hợp nhiều ứng dụng đi kèm như chữ ký số, hạ tầng khóa bảo mật công khai, sinh trắc học, mật khẩu một lần…

Để hoàn thành mục tiêu cấp 50 triệu thẻ CCCD gắn chip trước tháng 7.2021, lực lượng công an trên toàn quốc đã làm việc ngày đêm, bao gồm cả cuối tuần. Người dân liên tục được khuyến khích đi làm thủ tục, nhiều đợt cấp CCCD lưu động được triển khai trên tận cấp xã, phường. Do số lượng thẻ cần cấp là rất lớn, một số phát sinh không mong muốn đã xảy ra, bao gồm việc chậm trả thẻ CCCD, thông tin trên thẻ bị sai, dữ liệu trên hệ thống chưa chính xác...

Tính đến nay, Bộ Công an đã cấp được 83 triệu thẻ CCCD gắn chip cho người dân trên toàn quốc. Từ 1.7.2024 tới, sẽ bắt đầu thực hiện cấp TCC thay cho thẻ CCCD.

"Siết" chung cư mini, không quy định thời hạn sở hữu chung cư

Với 85,63% ĐBQH tán thành, sáng 27.11, QH đã thông qua dự án luật Nhà ở sửa đổi, có hiệu lực thi hành từ 1.1.2025. Liên quan đến phát triển nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ của cá nhân (gọi là chung cư mini), báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ QH cho biết, dự thảo luật đã được chỉnh lý để vừa khắc phục tồn tại, hạn chế của loại hình nhà ở này vừa đáp ứng nguồn cung nhà ở cho người có thu nhập thấp. Theo đó, chung cư mini phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng; yêu cầu về PCCC; các điều kiện của UBND cấp tỉnh về đường giao thông để phương tiện chữa cháy thực hiện nhiệm vụ. Việc quản lý, vận hành chung cư mini theo Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư của Bộ Xây dựng. Cùng đó, dự thảo luật cũng quy định các căn hộ trong chung cư mini sẽ được cấp giấy chứng nhận (sổ hồng) theo quy định của luật Đất đai, được bán, cho thuê, cho thuê mua.

Luật Nhà ở sửa đổi vừa được thông qua cũng không quy định thời hạn sở hữu, mà chỉ quy định thời hạn sử dụng nhà chung cư trên cơ sở kế thừa luật Nhà ở hiện hành. "Khi nhà chung cư hết thời hạn sử dụng, có nguy cơ sập đổ phải phá dỡ, thì giá trị nhà ở không còn nhưng giá trị quyền sử dụng đất ở ổn định, lâu dài theo quy định của luật Đất đai vẫn còn và người dân vẫn được bồi thường, bảo đảm tính thống nhất với luật Đất đai", Ủy ban Thường vụ QH nêu trong báo cáo giải trình. Cạnh đó, luật vừa thông qua cũng quy định cho phép Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam được làm chủ đầu tư nhà ở xã hội để cho thuê.

Luật Nhà ở sửa đổi cũng quy định ưu đãi chủ đầu tư nhà ở xã hội được dành tỷ lệ tối đa 20% tổng diện tích đất ở trong phạm vi dự án cho kinh doanh dịch vụ, thương mại và cả nhà ở thương mại; song với phần đầu tư nhà ở thương mại, chủ đầu tư nộp tiền sử dụng đất.

Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.