Tràn nước thải, vật nuôi của dân chết hàng loạt

14/04/2017 10:02 GMT+7

Người dân xã Điện Tiến (TX.Điện Bàn, Quảng Nam) và xã giáp ranh Hòa Tiến (H.Hòa Vang, Đà Nẵng) liên tục phản ảnh tình trạng ô nhiễm nguồn nước trầm trọng khiến cá, gia cầm chết...

Theo người dân Hòa Tiến, cánh đồng của 2 thôn Nam Sơn và Lệ Sơn Nam vốn là nơi trồng lúa, sen và nuôi thả vịt của người dân, nhưng giờ đã bỏ hoang vì trồng lúa thì lúa mất trắng, còn nuôi vịt thì vịt chết.
Ông Đặng Quang Đằng (ngụ thôn Nam Sơn) cho biết từ cuối năm 2016, ông đã gửi đơn kêu cứu khắp các cơ quan chức năng vì đàn vịt ông nuôi tự dưng chết hàng loạt. Từ đàn vịt hơn 500 con đẻ trứng, chỉ sau vài tháng chỉ còn lại vài chục con, mất đi thu nhập tiền triệu từ bán trứng mỗi ngày.
Trước sự kêu cứu của ông Đằng, Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn H.Hòa Vang đã lấy mẫu vịt kiểm tra. Kết luận là vịt của ông Đằng âm tính với các vi rút cúm gia cầm và dịch tả, vịt chết không do dịch bệnh.
Nạn vịt chết chưa dứt, người dân ở đây lại tiếp tục chứng kiến cá rô phi dân nuôi chết hàng loạt. Ngoài thiệt hại vật chất, điều khiến người dân ở đây lo ngại nhất là nguồn nước bị ô nhiễm, về lâu dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của hàng ngàn người.
Người dân ở cả hai xã phản ánh tình trạng nước ô nhiễm dẫn đến cá, gia cầm chết xuất hiện từ khi Công ty TNHH T.Đ.T hoạt động. Đây cũng là nhà máy duy nhất nằm trong khu vực ở thôn 2, xã Điện Tiến, TX.Điện Bàn, và giáp ranh với xã Hòa Tiến, H.Hòa Vang. Theo người dân, do Phân xưởng mạ kẽm nhúng nóng của Công ty TNHH T.Đ.T xả nước thải những lúc trời mưa nên gây ra tình trạng trên.
Từ đơn thư bạn đọc: Tràn nước thải, vật nuôi chết hàng loạt 1
Cá chết nổi trên mặt ruộng ngày 12.4 tại cánh đồng thôn Lệ Sơn Nam Ảnh: Nguyễn Tú
Chiều 12.4, Phòng Cảnh sát môi trường Công an TP.Đà Nẵng phối hợp UBND H.Hòa Vang và xã Hòa Tiến lấy mẫu nước trên cánh đồng thôn Lệ Sơn Nam, xã Hòa Tiến để xác định nguyên nhân cá chết. Theo phản ánh của người dân, cá bắt đầu chết rải rác vài ngày qua và trong sáng 12.4 thì xác cá nổi dày trên mặt ruộng. Người dân rất bức xúc bởi đây là lần thứ 3 từ đầu năm xảy ra tình trạng này, trong khi nguồn nước cũng ô nhiễm nghiêm trọng khiến người làm đồng mắc nhiều bệnh ngoài da.
Trước sự việc này, Sở Tài nguyên - Môi trường TP.Đà Nẵng đã khảo sát, lấy mẫu nước tại kênh dẫn tự nhiên bên cạnh phân xưởng mạ kẽm nhúng nóng của Công ty TNHH T.Đ.T để xét nghiệm. Kết quả phân tích xác định mẫu nước nói trên có thông số sắt vượt 2,3 lần, kẽm vượt 2,9 lần so cột B2, QCVN 08-MT:2015/BTNMT. Mẫu nước lấy tại đồng ruộng thôn Nam Sơn và thôn Lệ Sơn Nam gần đó cũng có lượng sắt, kẽm vượt quy định.
Sau khi có kết quả xét nghiệm, Sở Tài nguyên - Môi trường đã có công văn gửi UBND TX.Điện Bàn “đề nghị kiểm tra công tác bảo vệ môi trường và yêu cầu Công ty TNHH T.Đ.T phải thực hiện việc xử lý nước thải sản xuất đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường, không để xảy ra tình trạng cá, vịt… bị chết trong thời gian qua”.
Ông Nguyễn Xuân Hà, Phó chủ tịch UBND TX.Điện Bàn, thông tin thị xã xác định hóa chất và chất thải mạ kẽm của Công ty TNHH T.Đ.T là cực độc, các ngành chức năng đã xử lý nhiều lần, yêu cầu công ty có biện pháp để nước nhúng kẽm không thải ra môi trường, ngấm xuống đất.
Ông Phan Minh Dũng, Phó chủ tịch UBND TX.Điện Bàn, cũng cho biết thêm ngày 4.4, thị xã họp liên ngành rất căng thẳng về nhà máy kẽm này, sau khi kiểm tra hiện trường buộc doanh nghiệp phải có biện pháp bảo vệ môi trường, thay đổi công nghệ xử lý nước thải.
“Nhà máy chỉ có 2 hố chứa, xử lý lại không kỹ, chúng tôi không đồng ý vì mỗi lần mưa không kiểm soát được nước thải tràn ra ngoài, yêu cầu nhà máy phải xử lý nước thải trong khuôn viên. Hiện công an tỉnh đang vào cuộc, lấy mẫu, còn địa phương tiếp tục kiểm tra, giám sát”, ông Dũng nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.