TP.HCM sẽ mời KOLs tham gia truyền thông chính sách

06/12/2023 21:11 GMT+7

Sắp tới, Sở TT-TT TP.HCM sẽ thành lập câu lạc bộ, đội, nhóm và mời KOLs cùng tham gia truyền thông chính sách cho TP.HCM.

Thông tin này được Phó giám đốc Sở TT-TT TP.HCM Nguyễn Ngọc Hồi chia sẻ tại tọa đàm Phát triển nền tảng triệu view của cơ quan truyền thông do Báo Người Lao Động tổ chức ngày 6.12.

Theo ông Hồi, thời gian qua, TP.HCM đã chú trọng truyền thông chính sách. Sở TT-TT sẽ tiếp tục cùng các cơ quan báo chí phối hợp xây dựng kế hoạch truyền thông chính sách cho thành phố trên các nền tảng mạng xã hội.

Lãnh đạo Sở TT-TT TP.HCM cho biết, thành phố cũng đã tận dụng KOLs trong quảng bá, truyền thông chính sách của thành phố. Thời gian tới, Sở sẽ tiến tới thành lập câu lạc bộ, đội, nhóm KOLs tham gia truyền thông chính sách, góp phần đưa việc sản xuất nội dung vào quy chuẩn, hiệu quả.

Trong chiến lược truyền thông chung của TP.HCM có kế hoạch truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội. Ví dụ, mời các KOL tham gia truyền thông, quảng bá về giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến.

TP.HCM sẽ mời KOLs tham gia truyền thông chính sách - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó giám đốc Sở TT-TT TP.HCM trao đổi tại tọa đàm

BTC

Phó giám đốc Sở TT-TT khẳng định, thành phố sẽ hỗ trợ các cơ quan báo chí trong việc chuyển đổi số, xây dựng thương hiệu trên nền tảng mạng xã hội. "Nếu cơ quan báo chí đẩy nhiều thông tin tích cực lên các nền tảng mạng xã hội thì cũng sẽ nhận lại nhiều điều tích cực từ những nền tảng này", ông Hồi nói.

Ông Dương Vũ Thông, Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo TP.HCM, thông tin cả nước có khoảng 800 cơ quan báo chí với khối lượng thông tin rất phong phú nên việc hình thành mạng lưới cạnh tranh với mạng xã hội là cần thiết.

Báo chí chính thống khác mạng xã hội ở chỗ là cần xác định viết cho ai, viết để làm gì, làm sao chuyển tải thông điệp để xã hội đẹp, sáng hơn. "Đây là cái khó nhưng thực chất là cần bản lĩnh của người làm báo, tờ báo khi chấp nhận những thông tin đó xuất hiện trên mặt báo", ông Thông nói.

Nhà báo Đức Trung, Phó tổng thư ký Tòa soạn Báo Thanh Niên, chia sẻ bên cạnh báo in và báo điện tử, Báo Thanh Niên cũng tập trung vào các nền tảng mạng xã hội như YouTube (5,5 triệu lượt theo dõi), TikTok (3,5 triệu) , Fanpage Facebook, Zalo…

TP.HCM sẽ mời KOLs tham gia truyền thông chính sách - Ảnh 2.

Nhà báo Đức Trung, Phó tổng thư ký Tòa soạn Báo Thanh Niên

BTC

Để cạnh tranh trên nền tảng đa nội dung, Báo Thanh Niên phát triển trung tâm nội dung số, phát triển mạng xã hội, đòi hỏi đầu tư khá nhiều. Trung tâm có tiền thân là tổ truyền hình, thành lập năm 2016. Với sự phát triển của mạng xã hội thì trung tâm là một nền tảng chính của báo và được đầu tư nhiều.

Nhà báo Đức Trung nhìn nhận, đối với cơ quan báo chí, việc bảo đảm nội dung trên nền tảng mạng xã hội, nghĩ cách để bạn đọc quan tâm, tiếp cận những nội dung thu hút giới trẻ và luôn làm mới mình là bài toán khó.

Trong khi đó, các cơ quan báo chí còn đối diện với thách thức khi các nhà phát triển nền tảng thay đổi thuật toán. Với thách thức như vậy, một cơ quan báo chí không làm một mình được, đòi hỏi sự chung sức của cơ quan quản lý nhà nước.

Ông Bùi Thanh Bình, Giám đốc Công ty CP BMZ (quản lý mạng xã hội cho một số nhà sáng tạo số), cho rằng người dùng hiện thích xem, nghe hơn là đọc. Ông đề xuất cơ quan báo chí đa nền tảng bắt tay với các nhà phát triển nội dung để cùng phát triển, giúp người dùng tiếp cận những thông tin hấp dẫn, chính xác một cách nhanh chóng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.