TP.HCM cần cơ chế mở khi truyền thông chính sách

02/11/2023 13:43 GMT+7

Các cơ quan báo chí đề xuất TP.HCM đẩy mạnh truyền thông chính sách thông qua cơ chế đặt hàng, nhất là các nghị quyết về phát triển thành phố đang được người dân quan tâm.

Sáng 2.11, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM phối hợp Sở TT-TT và Hội Nhà báo TP.HCM tổ chức tọa đàm phát huy vai trò báo chí, xuất bản thực hiện các nghị quyết về phát triển TP.HCM.

Phát biểu đề dẫn tọa đàm, Giám đốc Sở TT-TT Lâm Đình Thắng cho biết, từ năm 1982 đến nay, Bộ Chính trị ban hành 4 nghị quyết về phát triển TP.HCM. Ngoài ra, Bộ Chính trị còn ban hành nghị quyết về phát triển vùng Đông Nam bộ mà TP.HCM là điểm nhấn, đầu tàu.

Cụ thể hóa nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội ban hành 2 nghị quyết cho phép thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM: Nghị quyết 54/2017 và Nghị quyết 98/2023. Đảng bộ và chính quyền TP.HCM đang khẩn trương thực hiện 2 nghị quyết này.

Ông Lâm Đình Thắng nhấn mạnh, tọa đàm là diễn đàn thảo luận tìm giải pháp tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và người dân có đủ thông tin sinh động về nội dung nghị quyết.

Mở cơ chế đặt hàng cơ quan báo chí chủ lực truyền thông chính sách - Ảnh 1.

Toàn cảnh tọa đàm

SỸ ĐÔNG

Là người đầu tiên phát biểu, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo khuyến nghị trong quá trình tuyên truyền cần tránh nói chung chung, một chiều, sử dụng câu chữ, khái niệm chung chung hoặc nói quá lên về nghị quyết.

"Cũng có người cho rằng Nghị quyết 98 là cây đũa thần giải quyết những bất cập trong thực tế. Tuy nhiên, đây là nghị quyết thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù. Và trong bối cảnh chính sách pháp luật còn chung chung, xung đột thì việc thực hiện sẽ còn nhiều khó khăn", bà Phạm Phương Thảo nhận định.

Truyền thông chính sách cần đi trước một bước

Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh Niên, đánh giá từ thực tiễn truyền thông Nghị quyết 98/2023 cho thấy khi truyền thông đi trước một bước sẽ mang lại hiệu quả, nhận được sự đồng thuận cao.

Các chủ trương, chính sách lớn, đột phá, tạo động lực luôn nhận được sự quan tâm của dư luận. Điều này đặt ra yêu cầu thông tin phải có tính định hướng, xuyên suốt để tạo sự đồng thuận, không chỉ giữa cơ quan Trung ương với địa phương, các bộ ngành mà hơn hết là sự đồng thuận xã hội, kích hoạt tâm thế hành động.

Theo nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, TP.HCM là địa bàn hoạt động báo chí sôi động, có thực tiễn phong phú và sự cởi mở trong trao đổi, tiếp nhận thông tin. Do vậy, lãnh đạo thành phố cần quan tâm, tạo điều kiện để báo chí phát huy vai trò của mình đóng góp vào sự phát triển chung.

Mở cơ chế đặt hàng cơ quan báo chí chủ lực truyền thông chính sách - Ảnh 2.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh Niên, chia sẻ tại tọa đàm

NGUYÊN VŨ

Tổng biên tập Báo Thanh Niên nhận định, những chính sách mới luôn tạo ra sự tranh luận trái chiều nên việc chủ động cung cấp thông tin giữ vai trò quyết định đến thành công của truyền thông chính sách. Do vậy, định hướng thông tin phải rõ ràng và có chiều sâu, kế hoạch dài hơi, nội dung cụ thể, thời điểm phù hợp.

Bên cạnh đó, người được cung cấp phát ngôn báo chí phải am hiểu và tâm huyết với những chính sách mà sở ngành, địa phương mình quản lý. "Việc cung cấp thông tin cần chủ động, nhất quán và xuyên suốt, tránh tình trạng khi xin cơ chế thì niềm nở với báo chí, xin được rồi thì dửng dưng, thờ ơ, né tránh", nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn đề xuất.

Về cơ chế đặt hàng báo chí, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn dẫn chứng Chỉ thị 07/2023 của Thủ tướng đã cho cơ chế, và thực tế TP.HCM đã áp dụng nhiều năm trước. Tuy nhiên, thủ tục của cơ chế đặt hàng báo chí cần thông thoáng hơn, tập trung vào các cơ quan báo chí chủ lực để giúp báo chí có thêm nguồn lực, phát huy vai trò dẫn dắt trong truyền thông chính sách.

Sở ngành "né" báo chí

Nhà báo Mai Ngọc Phước, Tổng biên tập Báo Pháp luật TP.HCM, nhận định hiện giới báo chí chỉ tiếp cận được một số lãnh đạo thành phố, còn đa phần sở ngành, quận, huyện đều chậm cung cấp thông tin, không chỉ riêng về Nghị quyết 98 mà còn cả tình hình kinh tế - xã hội nói chung.

Trong truyền thông chính sách về các nghị quyết, nhà báo Mai Ngọc Phước đề nghị phải tạo điều kiện cho báo chí tiếp cận thông tin, cung cấp đầy đủ, sinh động giúp người dân hiểu hơn. Bên cạnh đó, lãnh đạo thành phố cần xuất hiện nhiều hơn trên các phương tiện truyền thông để người dân tin tưởng hơn, nhất là các sự việc quan trọng.

TP.HCM cần đặt hàng truyền thông chính sách với cơ chế mở - Ảnh 3.

Tổng biên tập Báo Pháp luật TP.HCM Mai Ngọc Phước cho rằng lãnh đạo thành phố cần xuất hiện trước truyền thông trong các vấn đề lớn

SỸ ĐÔNG

Trong khi đó, nhà báo Nguyễn Viễn Sự, Trưởng ban Chính trị - Xã hội Báo Tuổi Trẻ, dẫn câu chuyện tại Sở KH-ĐT TP.HCM để minh chứng cho tình trạng né tránh báo chí, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm cung cấp thông tin như yêu cầu của lãnh đạo thành phố.

Cụ thể, cách đây 3 tháng, Báo Tuổi Trẻ đăng thông tin về những vướng mắc tại một dự án BT (xây dựng - chuyển giao) lớn trên địa bàn. Tờ báo này gửi nội dung trao đổi với Giám đốc Sở KH-ĐT về trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ mà thành phố giao gỡ vướng cho dự án như thế nào, nhưng không nhận được phản hồi. Sau đó, báo tiếp tục chuyển câu hỏi qua Trung tâm Báo chí TP.HCM đề nghị Sở KH-ĐT trả lời, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời.

Trong phần kết luận tọa đàm, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê đồng tình với đề xuất của cơ quan báo chí trong việc tiếp cận thông tin đó là các sở ngành phải chủ động cung cấp thông tin, thực hiện đúng quy chế phát ngôn. Đây là cơ sở quan trọng để báo chí kịp thời phản ánh, thông tin các kết quả thực hiện nghị quyết về phát triển thành phố.

TP.HCM cần đặt hàng truyền thông chính sách với cơ chế mở - Ảnh 4.

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê kết luận tọa đàm

SỸ ĐÔNG

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM đánh giá cơ quan báo chí, xuất bản đã tham gia tích cực, đồng hành và đạt kết quả quan trọng từ việc xây dựng, ban hành cho đến việc triển khai thực hiện nghị quyết.

Các cơ quan báo chí là kênh thông tin quan trọng để tạo sự đồng thuận trong xã hội, khơi dậy ý chí quyết tâm của người dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị thực hiện nghị quyết đạt hiệu quả cao nhất.

Ngoài ra, các cơ quan báo chí cũng tham gia tích cực, kịp thời phản ánh hoạt động, kết quả cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, phòng chống tham nhũng, đồng thời là công cụ sắc bén đập tan mọi luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch.

Ông Phan Nguyễn Như Khuê cũng đồng tình với các đề xuất đổi mới hình thức tuyên truyền, làm sao truyền tải thông tin đơn giản, dễ hiểu, dễ nghe, dễ đi vào lòng dân, tránh các sai lệch và hiểu lầm của người dân và doanh nghiệp dẫn đến khủng hoảng truyền thông.

Đề xuất lập nhóm điều phối truyền thông chính sách

Trao đổi tại tọa đàm, Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng cho rằng cần cung cấp thông tin chủ động hơn thông qua các cuộc họp giao ban, thậm chí gửi về các tòa soạn về những công việc đang làm của thành phố, sở ngành.

Theo đánh giá của ông Dũng, thời gian đầu, khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 98, báo chí có số lượng tin bài nhiều nhưng 1 tháng gần đây thì tần suất giảm xuống.

Ông Trần Trọng Dũng đề xuất Hội Nhà báo TP.HCM thành lập nhóm điều phối gồm đại diện Ban Tuyên giáo, Sở TT-TT và các cơ quan báo chí chủ lực xây dựng kế hoạch truyền thông chung. Trên cơ sở đó, nhóm điều phối định hướng các vấn đề trọng tâm từng tháng, từng quý để duy trì nhịp độ truyền thông.

Ngoài ra, Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cũng đề xuất trong Hội đồng tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 của TP.HCM cần có thành viên chuyên trách về truyền thông chính sách để tư vấn giúp ban chỉ đạo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.