TP.HCM rộng cửa đón người tài giỏi: Xây dựng đội ngũ xoay quanh chuyên gia

26/11/2023 10:38 GMT+7

Hiện Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM có nhu cầu tìm kiếm 3 chuyên gia về công nghệ sinh học môi trường, y dược và công nghệ sinh học về động vật.

TS Nguyễn Hải An, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM, cho biết trung tâm cần chuyên gia để định hướng nghiên cứu, chỉ đường đi phù hợp với xu hướng công nghệ thế giới, những điều xã hội đang cần và phù hợp với khả năng của mình chứ không phải mời về cầm tay chỉ việc.

TP.HCM rộng cửa đón người tài giỏi: Xây dựng đội ngũ xoay quanh chuyên gia - Ảnh 1.

TS Hoàng Thế Bân (bên phải), Giám đốc Trung tâm đào tạo và chuyển giao công nghệ Việt - Nhật, thuộc Trung tâm đào tạo Khu Công nghệ cao TP.HCM trao đổi với sinh viên

Sỹ Đông

Có chuyên gia rồi, nguồn nhân lực tại chỗ để đồng hành, hỗ trợ chuyên gia thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu cực kỳ quan trọng. TS An cho biết Trung tâm Công nghệ sinh học được đầu tư bài bản, nhân lực cũng khá mạnh với gần 200 người, bao gồm khoảng 20 tiến sĩ, gần 100 thạc sĩ thuộc các lĩnh vực công nghệ sinh học như nông nghiệp, môi trường, y tế, vi sinh, sinh học phân tử… "Khi tìm được chuyên gia, chúng tôi sẽ lập các team (nhóm) xoay quanh định hướng nghiên cứu của chuyên gia", TS An nói thêm.

TS Hoàng Thế Bân, Giám đốc Trung tâm đào tạo và chuyển giao công nghệ Việt - Nhật, thuộc Trung tâm đào tạo Khu Công nghệ cao TP.HCM, là một trong số ít chuyên gia về nước làm việc theo chính sách thu hút người tài. Ông cũng cho rằng khi mời chuyên gia về thì phải có đội ngũ kỹ sư triển khai. Ở nước ngoài, cơ quan chủ quản thường giao cho chuyên gia làm tổng công trình sư toàn quyền tìm kiếm nhân sự đáp ứng yêu cầu của mình. Nhưng cách làm này không phù hợp với VN vì họ không hiểu cơ chế vận hành, kế toán, tài chính giống như người trong nước. Do vậy, TS Bân cho rằng cần có chuyên gia trong nước hỗ trợ và đồng hành với chuyên gia nước ngoài, trách nhiệm ngang nhau cùng xây dựng đội ngũ xung quanh.

Ngoài ra, TS Bân cũng cho rằng TP.HCM cần tạo một hub (trung tâm) hội tụ những người giỏi giữa những chuyên gia từ nước ngoài và chuyên gia trong nước giao lưu. Từ những cuộc gặp gỡ đó sẽ mở ra nhiều ý tưởng, dự án về khoa học công nghệ.

Ở góc độ những đơn vị làm nghiên cứu khoa học, Trung tâm Công nghệ sinh học rất cần những quy định thông thoáng trong chuyển giao công nghệ để có thêm nguồn lực tài chính, từng bước tự chủ. Làm nghiên cứu khoa học đã khó, nhiều rủi ro nhưng khi đạt được kết quả lại không thể chuyển giao vì vướng mắc trong khâu định giá.

"Nhiều quy trình công nghệ trong thủy sản về xử lý bệnh, tạo vắc xin, trung tâm muốn bán, doanh nghiệp rất cần nhưng không thể chuyển giao. Doanh nghiệp không biết dựa vào đâu để đưa ra giá, còn trung tâm không có căn cứ pháp lý của nhà nước để định giá", Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM nói, và cho biết hiện rất khó tìm đơn vị có thẩm quyền, đủ năng lực định giá công nghệ đó.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.