TP.HCM: Bệnh đau mắt đỏ gia tăng ngay đầu năm học mới

Duy Tính
Duy Tính
11/09/2023 17:05 GMT+7

Số bệnh nhân bị đau mắt đỏ đi khám tại các bệnh viện ở TP.HCM tăng 96,5% so với 10 ngày trước, đặc biệt tăng từ sau ngày khai giảng năm học mới (5.9).

Ngày 11.9, Sở Y tế TP.HCM họp bàn về tình hình bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc) trên địa bàn TP.HCM trong bối cảnh dịch bệnh này đang gia tăng.

Bệnh đau mắt đỏ gia tăng từ sau ngày 5.9

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, tính từ đầu năm 2023 đến ngày 5.9, tại các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM có 71.740 lượt khám chữa bệnh do viêm kết mạc (đau mắt đỏ), tăng 21,9%, so với cùng kỳ năm 2022 (58.853 ca).

Trong số này, có hơn 1.011 ca đau mắt đỏ có biến chứng, chiếm 1,41% (cùng kỳ năm 2022 là 892 ca biến chứng, chiếm 1,52%). Các biến chứng của bệnh đau mắt đỏ thường gặp gồm: viêm giác mạc, loét giác mạc, sẹo giác mạc, bội nhiễm, suy giảm thị lực… .

Số trẻ em dưới 16 tuổi bị mắc bệnh đau mắt đỏ trong 8 tháng đầu năm 2023 là 23.873 ca, chiếm 33,3% (cùng kỳ năm 2022 là 10.467 ca, chiếm 19,5%). Trong đó có 298 ca biến chứng, chiếm 1,65% (cùng kỳ năm 2022 có 260 ca biến chứng, chiếm 1,65%).

TP.HCM: Bệnh đau mắt đỏ gia tăng sau ngày khai giảng năm học mới - Ảnh 1.

Bệnh nhân đau mắt đỏ đi khám bệnh gia tăng sau tại TP.HCM

D.T

Riêng từ ngày 1.9 đến 10.9, số lượt khám chữa bệnh đau mắt đỏ tại các bệnh viện ở TP.HCM là 5.039 ca, tăng 96,5% so so với 10 ngày trước đó (từ 21.8 đến 31.8 là 2.565 ca). Trong số đó có 232 ca có biến chứng (4,6%), tăng 33% so với 10 ngày trước đó (174 ca).

Số trẻ dưới 16 tuổi bị đau mắt đỏ trong 10 ngày qua là 3.708 ca, chiếm 73,6%, tăng 2,8 lần so với 10 ngày trước đó. Trong đó 116 ca có biến chứng. 

Sở Y tế nhận định, số lượt người bị đau mắt đỏ tăng nhanh từ sau ngày 5.9, chủ yếu là trẻ em, nguyên nhân do trẻ bắt đầu đi học.

Đau mắt đỏ do vi rút adeno và entero có nguy hiểm, có cần nhỏ thuốc ngừa?

Trước tình hình bệnh đau mắt đỏ gia tăng, nhóm nghiên cứu các bệnh nhiễm trùng mới nổi Bệnh viện Bệnh nhiệt đới - Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) phối hợp Bệnh viện Mắt TP.HCM và Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) tiến hành khảo sát nhanh tìm tác nhân đối với những bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Mắt TP.HCM vì đau mắt đỏ vào ngày 7.9. Có 39 bệnh nhân đau mắt đỏ được lấy mẫu xét nghiệm, trong đó có 37 mẫu phát hiện nguyên nhân do vi rút enterovi rút adeno. Đây là 2 tác nhân chính gây ra bệnh đau mắt đỏ hiện nay ở TP.HCM. Trong đó, chiếm ưu thế là vi rút entero với 86% (32 mẫu), vi rút adeno chiếm 14% (5 mẫu).

Nhóm nghiên cứu tiếp tục phân tích giải mã gien nhằm định danh chính xác kiểu huyết thanh và kiểu gien của các vi rút entero và adeno gây bệnh.

Hiểu biết về đường lây bệnh đau mắt đỏ

Trước thông tin "bệnh đau mắt đỏ do vi rút entero có khả năng lây lan qua đường nước nên nếu chất lượng nước uống không tốt thì có thể cả gia đình đều bị bệnh…", Sở Y tế TP.HCM khẳng định đây là thông tin hoàn toàn không đúng. Vì theo các chuyên gia của Bệnh viện Mắt và các tài liệu khoa học hiện nay trên thế giới, bệnh đau mắt đỏ thường do các tác nhân vi rút gây ra (adeno, entero, coxsackie…). Bệnh lây truyền do tiếp xúc trực tiếp với nước mắt và các chất tiết của mắt có mang vi rút gây bệnh từ người bệnh. Việc cho rằng lây lan qua đường nước uống là hoàn toàn không chính xác.

Về thông tin bệnh "viêm kết mạc do vi rút entero thường nhẹ hơn so với viêm kết mạc do adeno và thường ít có khả năng gây dịch lớn so với viêm kết mạc do adeno…", Sở Y tế cũng khẳng định đây là thông tin thiếu cơ sở khoa học. Bởi tác nhân vi rút entero gây ra viêm kết mạc mắt vẫn có thể gây ra bệnh cảnh nặng nhưng thường là cấp tính, khác với tác nhân vi rút adeno có thể gây ra viêm giác mạc mạn tính.

Tác nhân vi rút entero đã được ghi nhận gây ra những đợt dịch viêm kết mạc tại nhiều nước trên thế giới. Theo tài liệu của Tổ chức y tế Thế giới (WHO) công bố năm 1973, vi rút entero type 70 đã gây đại dịch tại các nước châu Phi, châu Á và Anh trong giai đoạn 1969 - 1971. Gần đây, vào năm 2014, nhóm vi rút này gây viêm kết mạc mắt xuất huyết tại Thái Lan với hơn 300.000 trường hợp nhiễm trong vòng 3 tháng.

Không thiếu thuốc trị bệnh

Về thuốc nhỏ mắt sử dụng trong bệnh đau mắt đỏ, Sở Y tế TP.HCM cho rằng, người mắc bệnh có thể dùng nước muối sinh lý (natri clorua 0,9%) hoặc nước cất để rửa mắt. Các loại thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh được bác sĩ chỉ định trong các trường hợp có dấu hiệu nghi bội nhiễm vi khuẩn (đau nhức, giảm thị lực, sợ ánh sáng…), phòng ngừa nhiễm trùng sau bóc giả mạc. Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh chứ không phải chỉ có một loại.

Theo Sở Y tế, các thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh hiện có nhiều loại khác nhau, đều có thể sử dụng cho bệnh đau mắt đỏ, như ofloxacin, levofloxacin, ciprofloxacin, neomycin, tobramycin…

Xem nhanh 12h ngày 10.9: Cách chữa đau mắt đỏ tại nhà | Người dân có được đăng clip CSGT?

Hiện nay, nguồn thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh trên thị trường là rất lớn và không thể xảy ra tình trạng khan hiếm thuốc. Theo khảo sát nhanh của Phòng Nghiệp vụ Dược (Sở Y tế TP.HCM), thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh levofloxacin hiện có hơn 270.000 lọ; ofloxacin còn 15.000 lọ (sẽ nhập về thêm trong thời gian tới là 900.000 lọ); tobramycin còn 20.000 lọ (sẽ nhập về thêm trong thời gian tới là 280.000 lọ)…

Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt có chứa corticod

Theo khuyến cáo của các bác sĩ chuyên khoa mắt, người mắc bệnh đau mắt đỏ tuyệt đối không tự ý sử dụng các thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid. Việc tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid không những không có tác dụng mà còn làm tổn thương nặng hơn, kéo dài thời gian bệnh và lây lan của bệnh, tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.