Tổng thống Trump đã khiến thế giới thay đổi ra sao?

04/11/2020 23:08 GMT+7

Không chỉ lãnh đạo nước Mỹ, Tổng thống Donald Trump có lẽ còn là người quyền lực nhất thế giới . Những gì mà ông Trump làm đã tác động cuộc sống của rất nhiều người - và cả cuộc sống của chính ông. Vậy chính xác thì ông Trump đã thay đổi thế giới như thế nào?

Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần tuyên bố Mỹ là "quốc gia vĩ đại nhất thế giới". Nhưng kết quả khảo sát gần đây do Trung tâm Nghiên cứu Pew tiến hành lại cho thấy ông Trump làm không thay đổi quá nhiều cách các nước khác nhìn nhận Mỹ.
Ở nhiều nước châu Âu, tỷ lệ công chúng có cái nhìn tích cực về Mỹ đang ở mức thấp nhất trong gần 20 năm trở lại đây. Tỷ lệ ý kiến thiện chí về Mỹ là 41%, trong khi ở Pháp là 31% (thấp nhất kể từ năm 2003) và ở Đức chỉ có 26%.
Một nhân tố quan trọng tác động đến nhận thức của thế giới về Mỹ chính là cách nước này ứng phó với đại dịch Covid-19. Theo số liệu từ tháng 7 và tháng 8, chỉ 15% số người được hỏi nói rằng Mỹ xử lý tốt dịch Covid-19.

Bước lùi về biến đổi khí hậu

Nói về đổi khí hậu, rất khó để xác định quan điểm của Tổng thống Trump về vấn đề này. Ông thay đổi cách gọi biến đổi khí hậu, từ “một trò lừa đắt giá"đến "chủ đề nghiêm túc vô cùng quan trọng đối với tôi".
Chỉ trong 6 tháng kể từ khi nhậm chức, ông đã khiến giới khoa học bức xúc khi tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận khí hậu Paris - thỏa thuận giữa gần 200 quốc gia cam kết giữ nhiệt độ toàn cầu tăng dưới mức 2 độ C.
Mỹ là quốc gia phát thải khí nhà kính lớn thứ hai sau Trung Quốc. Các nhà nghiên cứu đã cảnh báo rằng tình trạng nóng lên toàn cầu rất khó để kiểm soát nếu ông Trump tái đắc cử.
Ông Trump từ chối thỏa thuận khí hậu Paris bởi cho rằng “những hạn chế quy định quá mức của nó sẽ khiến các nhà sản xuất Mỹ ngưng hoạt động". Cùng với quan điểm này, ông đã bỏ một loạt các quy định về ô nhiễm môi trường nhằm cắt giảm chi phí sản xuất than, dầu và khí đốt.
Tuy nhiên, một số mỏ than của Mỹ vẫn phải đóng cửa do vấp phải sự cạnh tranh đến từ khí đốt tự nhiên có chi phí rẻ hơn, cũng như các nỗ lực ủng hộ năng lượng tái sinh trên khắp nước Mỹ.
Số liệu của chính phủ Mỹ cho thấy lần đầu tiên sau hơn 130 năm, năng lượng từ các nguồn tái sinh được tạo ra nhiều hơn từ than đá vào năm 2019.
Việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris sẽ có chính thức có hiệu lực vào ngày 4.11 tới đây, ngay sau ngày bầu cử Mỹ 3.11. Ứng cử viên Joe Biden trong chiến dịch tranh cử cam kết nếu đắc cử tổng thống, ông sẽ lật ngược lại quyết định trên.
Một số nhà quan sát nhận định việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận Paris có thể sẽ gây ra hiệu ứng domino. Song, những lo ngại này cho đến nay không thành hiện thực.

Đóng cửa biên giới với một số quốc gia

Chỉ một tuần ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã bắt đầu triển khai kế hoạch ngăn cản nhập cư, đóng cửa biên giới Mỹ với du khách đến từ bảy quốc gia có đa số dân theo Hồi giáo. Hiện tại Mỹ vẫn siết chặt lệnh hạn chế đi lại đối với 13 quốc gia khác.
Nhìn vào số liệu biểu đồ có thể thấy số người Mỹ có sinh quán ở nước ngoài năm 2019 cao hơn 3% so với năm 2016, năm cuối cùng mà Tổng thống Obama tại vị. Tuy nhiên, nguồn gốc của dân người nhập cư đã có sự thay đổi.
Cụ thể, tỷ lệ người dân Mỹ sinh ra ở Mexico giảm đều đặn trong nhiệm kỳ của ông Trump. Trong khi đó, số người từ những nơi khác của Mỹ Latinh và Caribe chuyển đến Mỹ lại tăng rõ rệt.
Chính quyền Mỹ cũng siết chặt số lượng thị thực cho phép người nước ngoài định cư lâu dài ở Mỹ, đặc biệt là với người thân của người đã định cư tại Mỹ trong khoảng thời gian dài.
Trong chính sách nhập cư của Tổng thống Trump còn có một điểm đáng lưu ý khác là bức tường biên giới Mỹ- Mexico.
Tính đến ngày 19.10, Cục Hải quan Mỹ và Bảo vệ Biên giới Mỹ cho biết nước này đã tiến hành xây dựng hơn 597 km của bức tường nhằm thay thế cho những hàng rào ngăn nhập cư trước đó.
Tuy nhiên, công trình này dường như không thể ngăn cản những người nhập cư tới với Mỹ.
Số lượng người nhập cư bị giam giữ tại biên giới Mỹ-Mexico năm 2019 đạt mức cao kỷ lục trong 12 năm trở lại đây. Trong đó, hơn một nửa là các gia đình đến từ Guatemala, Honduras và El Salvador, những khu vực tràn lan bạo lực và nghèo đói khiến họ phải xin tị nạn và bắt đầu cuộc sống ở đất nước mới.
Ngoài ra, ông Trump cũng cắt giảm số lượng người tị nạn xin tái định cư ở Mỹ. Trong năm 2016, Mỹ đã tiếp nhận gần 85.000 người tị nạn và con số này giảm xuống dưới 54.000 người vào năm sau đó.
Đến năm 2021, con số tối đa chỉ còn 15.000 người, ít nhất kể từ khi chương trình tị nạn được triển khai vào năm 1980.

Thuật ngữ “tin giả” lên ngôi

Kể từ sau khi tổng thống Trump sử dụng thuật ngữ “tin giả” một cách thường xuyên, thuật ngữ này đã trở nên phổ biến toàn cầu. Trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 10.2017, ông Trump từng nói rằng: "Một trong những thuật ngữ tuyệt vời nhất nảy ra trong đầu tôi có thể nói là là từ “giả””.
Theo thống kê từ Factba.se, ông Trump đã sử dụng cụm từ này khoảng 2.000 lần kể từ lần đầu tiên tweet nó hồi tháng 12.2016
Khi gõ tìm kiếm thuật ngữ “tin giả” trên Google, lập tức nhận về hơn 1,1 tỉ kết quả trên toàn thế giới.
Quan sát biểu đồ theo thời gian, mức độ quan tâm của người Mỹ tăng đột biến trong tuần đầu tiên ông Trump công bố cái gọi là “Giải thưởng Tin giả” trong đó là danh sách hàng loạt các tin bài mà ông cho là sai sự thật.
Trong cuộc đua vào Nhà Trắng hồi năm 2016, người ta dừng "tin giả" để chỉ các tin tức thất thiệt. Lấy ví dụ như việc đưa tin Giáo hoàng Francis ủng hộ ông Trump làm tổng thống.
Khi “tin giả” trở nên phổ biến, ý nghĩa của từ này được sử dụng một cách biến hóa. Ông Trump thường xuyên sử dụng nó để chỉ trích những tin bài mà ông bất đồng.
Tháng 2.2017, ông còn tiến xa hơn khi xây dựng hẳn thương hiệu “kẻ thù của người Mỹ” để chỉ một số hãng tin tức.
“Tin giả” cũng gây tranh cãi khi các nhóm xã hội dân sự chỉ trích việc các chính trị gia sử dụng thuật ngữ này chống lại những tin tức đáng tin cậy.

“Cuộc chiến vô tận” của Mỹ và thỏa thuận Trung Đông

Trong Thông điệp liên bang hồi tháng 2.2019, Tổng thống Trump cam kết rút quân đội Mỹ khỏi Syria, và tuyên bố: "Các quốc gia vĩ đại không tiếp tục những cuộc chiến vô tận”.
Tuy nhiên, số liệu thống kê lại cho thấy khía cạnh đa chiều hơn thế.
Nhiều tháng sau tuyên bố, ông Trump quyết định tiếp tục giữ khoảng 500 binh sĩ Mỹ ở Syria để bảo vệ các giếng dầu.
Mặc dù ông Trump đã thu hẹp sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Afghanistan, Iraq và Syria, nhưng lực lượng quân đội Mỹ vẫn có mặt ở khắp mọi nơi.
Ông Trump cũng có cách khác để tác động đến Trung Đông mà không cần quân đội. Năm 2018, Tổng thống Trump đã lật ngược sự phản đối của các tổng thống tiền nhiệm bằng cách chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem vào năm 2018 và công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Tháng trước, ông đã ca ngợi việc Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Bahrain ký kết thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Israel như “bình minh của một Trung Đông mới”.
Đây có lẽ là thành tựu ngoại giao quan trọng nhất mà chính quyền Trump đạt được. UAE và Trung Đông là các quốc gia Ả Rập thứ ba và thứ tư ở Trung Đông công nhận Israel kể từ khi nước này tuyên bố độc lập hồi năm 1948.

Nghệ thuật thỏa thuận

Ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức, ông Trump đã thông báo rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thỏa thuận thương mại giữa 12 quốc gia được Tổng thống Obama phê duyệt trước đây mà ông Trump gọi là “khủng khiếp”.
Trung Quốc có lẽ hưởng lợi nhiều nhất bởi Bắc Kinh cho rằng TPP là một trong những nỗ lực nhằm hạn chế ảnh hưởng của nước này ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Còn ở Mỹ, người phản đối TPP cổ vũ việc ông Trump rút khỏi thỏa thuận bởi họ cho rằng nó ảnh hưởng đến số lượng việc làm của nước này.
Bên cạnh đó, Ông Trump còn gọi Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) là “thỏa thuận thương mại tồi tệ nhất từng được thực hiện" và tiến hành đàm phán lại với Canada và Mexico. Sau đàm phán, các điều khoản lao động và quy tắc về nguồn cung ứng bộ phận xe hơi được tăng cường. Nhưng đối chiếu với thỏa thuận ban đầu thì NAFTA không thay đổi gì nhiều.
Theo tờ BBC, mục đích thực sự của ông Trump khi ấn định lại những thỏa thuận này chính là để điều chỉnh cách Mỹ thu lợi từ thương mại với thế giới.
Việc này đã dẫn đến cuộc chiến thương mại gay gắt với Trung Quốc, trong đó hai nền kinh tế lớn nhất thế giới áp hàng trăm tỉ USD thuế lên hàng hóa của nhau.
Chịu ảnh hưởng nặng nhất chính là nông nghiệp sản xuất đậu nành, công nghiệp công nghệ và ô tô của Mỹ. Phía Trung Quốc ít nhiều chịu tác động khi các doanh nghiệp dần chuyển dây chuyền sản xuất sang các nước như Việt Nam, Campuchia nhằm cắt giảm chi phí.
Trong năm 2019, thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với Trung Quốc thấp hơn nhẹ so với mức của năm 2016. Các công ty Mỹ cũng nhập khẩu ít hơn so với trước đây.
Song xét theo số liệu biểu đồ vẫn có thể thấy Mỹ nhập khẩu lượng hàng hóa nhiều hơn xuất đi các nước khác kể cả khi đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến các xu hướng trong năm 2020.

Căng thẳng với Trung Quốc

Căng thẳng Mỹ-Trung Quốc bắt đầu vào ngày 2.12.2016, ngày mà Tổng thống Trump đã có cuộc điện đàm gần 10 phút với lãnh đạo Đài Loan Thái Văn Anh. Ông Trump viết dòng tweet thông báo: “Lãnh đạo Đài Loan hôm nay đã gọi điện chúc mừng tôi đắc cử tổng thống. Cảm ơn bà”.
Việc ông Trump đối thoại trực tiếp với lãnh đạo Đài Loan được cho là vi phạm tiền lệ đã đặt ra hồi năm 1979, khi Mỹ cắt đứt quan hệ với Đài Loan và thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh.
Hành động của ông Trump đã khơi mào cuộc cạnh tranh trên nhiều khía cạnh giữa hai đối thủ địa chính trị lớn, đẩy mối quan hệ của hai nước xuống mức thấp nhất trong nhiều năm.
Trong suốt nhiệm kì của mình, ông Trump ban hành một loạt các chính sách đối với Trung Quốc như áp thuế hàng hóa của Trung Quốc, cấm tải xuống các ứng dụng phổ biến TikTok và WeChat, đưa tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei vào danh sách đen “mối đe dọa đối với an ninh quốc gia”, đáng chú ý nhất là tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là bất hợp pháp.
Tổng thống Trump từng nhiều lần gọi virus corona chủng mới gây bệnh Covid-19 là "virus Trung Quốc”. Cách gọi của ông Trump vấp phải phản ứng dữ dội, ngay cả từ các chính trị gia Mỹ.
Tình hình căng thẳng Mỹ-Trung Quốc liệu có được xoa dịu trong trường hợp ứng cử viên Joe Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tới đây vẫn còn là một câu hỏi bỏ ngỏ.

Mỹ-Iran âm ỉ ngòi nổ chiến tranh

Thế giới quan ngại về cuộc chiến tranh quy mô lớn tiềm tàng ở khu vực Trung Đông sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh tấn công giết chết tướng Qassem Soleimani, vị tướng quyền lực nhất Iran.
Iran sau đó đáp trả cứng rắn bằng cách bắn hơn chục tên lửa đạn đạo vào hai căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq khiến hơn 100 lính Mỹ bị thương.
Vài giờ sau khi Iran tấn công tên lửa, quân đội nước này đã bắn nhầm một máy bay phản lực chở khách của Ukraine, khiến toàn bộ 176 người trên máy bay thiệt mạng.
Căng thẳng Mỹ-Iran khởi đầu từ sự kiện năm 1979. Quốc vương khi đó của Iran do Mỹ hậu thuẫn bị lật đổ, Iran đã bắt giữ hàng chục nhà ngoại giao Mỹ tại Tehran trong suốt thời gian 444 ngày. Hai nước cắt đứt quan hệ ngoại giao và Washington đã áp trừng phạt lên Iran sau đó.
Quan hệ 2 nước nhiều lần căng thẳng trong suốt 4 thập niên sau sự kiện trên. Đến khi Tổng thổng Donald Trump nắm quyền, quan hệ Mỹ - Iran xấu đi thấy rõ. Tổng thống Trump coi thỏa thuận hạt nhân 2015 với Iran của chính quyền Obama là "tệ hại". Tháng 5.2018, ông Trump chính thức rút khỏi thỏa thuận và tiến hành chính sách trừng phạt kinh tế, nhằm gây “áp lực tối đa” lên Iran.
Trong suốt thời kỳ ông Trump nắm quyền cho tới gần đây, áp lực mà Mỹ đặt lên Iran hầu như chỉ là kinh tế.
Mỹ đã gia cường hàng loạt biện pháp trừng phạt lên hơn 1.000 người, tập đoàn và các công ty liên quan tới Iran nhằm làm tê liệt nền kinh tế quốc gia Trung Đông này.
Các biện pháp trừng phạt gần như bóp nghẹt Iran về kinh tế, thổi bùng biểu tình khắp đất nước để phản đối chính phủ Iran tăng giá nhiên liệu. Lãnh đạo Iran bị cáo buộc đàn áp các cuộc biểu tình, khiến nhiều người chết và bị bắt.
Ban đầu, Iran đã đáp trả dè dặt trước các động thái gây hấn của Mỹ. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt kinh tế liên tiếp khiến Iran bị dồn vào thế buộc phải kháng cự lại bằng hành động quân sự.
Mỹ và Iran liên tục xung đột quân sự đã dẫn đến đỉnh điểm là ngày 3.1.2020, Tổng thống Trump ra lệnh tiến hành vụ không kích nhắm vào Soleimani khi phát hiện ông này đáp máy bay xuống sân bay quốc tế Baghdad.
Cho đến nay, cả Mỹ và Iran đều đổ dồn chú ý vào xử lý cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 đã tác động nặng nề đến hai nước này. Các kênh ngoại giao giữa Mỹ-Iran sau khủng hoảng còn rất ít trong khi những điểm nóng có thể thổi bùng lên xung đột lại rất nhiều.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.