Tổn thất không chỉ về kiểm soát vũ khí khi Nga đình chỉ hiệp ước hạt nhân

Tổn thất không chỉ về kiểm soát vũ khí khi Nga đình chỉ hiệp ước hạt nhân

La Vi
La Vi
25/02/2023 08:27 GMT+7

Hiệp ước kiểm soát hạt nhân cuối cùng của Mỹ và Nga đã đứng trước bờ vực nguy hiểm trước khi Tổng thống Vladimir Putin hôm 21.2 tuyên bố sẽ đình chỉ tham gia.

Giờ đây, giới phân tích cho rằng hiệp ước New START có thể sẽ không còn cứu vãn được, làm tăng nguy cơ xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang toàn cầu mới.

Bà Heather Williams là Giám đốc Dự án về các vấn đề hạt nhân và là thành viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế.

"Theo tôi hiểu thì hiệp ước New START gần như đã chết", bà Williams nhận định.

Bà nói rằng việc đóng băng hiệp ước đã cắt đứt đường dây liên lạc quan trọng giữa hai nước vào thời điểm nguy hiểm khi Tổng thống Putin đang ngày càng hướng dư luận theo cách nhìn cuộc xung đột ở Ukraine như một cuộc đối đầu trực tiếp với phương Tây.

Chuyên gia này cho biết: "Đầu tiên và quan trọng nhất mà tôi nghĩ chúng ta thực sự cần phải nhận thức được là điều này có nghĩa là kết thúc đối thoại song phương giữa Mỹ và Nga. New START là một trong số ít các diễn đàn còn lại cho các cuộc thảo luận song phương đó, đặc biệt là các cuộc thảo luận có sự tham gia của các quan chức quốc phòng. Điều này hiện nay cực kỳ quan trọng ở Nga vì Bộ Quốc phòng có ảnh hưởng rất lớn. Vì vậy, việc New START chấm dứt sẽ khiến chúng ta không chỉ mất đi một thỏa thuận kiểm soát vũ khí, mà chúng ta còn đang mất đi một kênh liên lạc thực sự quan trọng và chúng ta đang đánh mất kênh liên lạc đó vào thời điểm chúng ta cần nó nhất, khi rủi ro hạt nhân đang gia tăng, khi Tổng thống Putin đang đưa ra tất cả những mối đe dọa hạt nhân này".

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 22.2 cho biết quyết định của Tổng thống Putin là một sai lầm lớn và cam kết bảo vệ từng tấc đất của NATO.

Hiệp ước giúp giới hạn số đầu đạn hạt nhân chiến lược mà Nga và Mỹ có thể triển khai, đồng thời cho phép mỗi bên tiến hành thanh tra hàng năm để đảm bảo đối phương không vi phạm.

"Phải thừa nhận rằng New START là một hiệp ước thực sự thành công. Kể từ năm 2010 đến tháng 1.2023, hai nước đã tiến hành 328 cuộc thanh tra . Đây là một thành tựu thực sự lớn. Và vì vậy, chúng ta đang mất đi sự minh bạch về kho vũ khí của Nga, và điều đó sẽ khiến chúng ta khó dự đoán được ông Putin có mở rộng kho vũ khí hay không và sẽ mở rộng như thế nào", bà Williams nhận định.

Tuy nhiên, rủi ro sẽ vượt ra ngoài Nga và phương Tây. Động thái của Tổng thống Putin cũng có thể làm tiêu tan mọi hy vọng kéo Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán để bắt đầu thảo luận về các chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Kinh.

Bà Williams nói: "Trong ngắn hạn, tuyên bố đình chỉ New START của ông Putin cho phép Trung Quốc rảnh tay. Trung Quốc không muốn tham gia kiểm soát vũ khí. Trung Quốc thực sự phản đối việc bộc lộ kho vũ khí hạt nhân hoặc học thuyết hạt nhân của mình. Và nếu việc kiểm soát vũ khí của Mỹ-Nga bị phá vỡ, điều đó không gây bất kỳ áp lực nào lên Trung Quốc để họ tham gia".

Ngày 22.2, Tổng thống Putin cho biết người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đến thăm Nga, làm dấy lên lo ngại ở phương Tây rằng Bắc Kinh có thể cung cấp vũ khí để hỗ trợ cho Moscow trong cuộc xung đột với Ukraine và dẫn đến khả năng leo thang xung đột.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.