Tôm sú Cà Mau có hàng chục tiêu chuẩn quốc tế nhưng người nông dân vẫn khổ

06/04/2023 15:45 GMT+7

Vùng nuôi tôm sú ở Cà Mau có đến gần 10 chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế nhưng theo ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, lãnh đạo tỉnh vẫn chưa "thỏa mãn", chưa đạt được mục tiêu vì người nông dân vẫn khổ.

Sau khi nghe các diễn giả trình bày về hệ sinh thái thương hiệu tại Tọa đàm "Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt" do Báo Thanh Niên tổ chức sáng nay (6.4), ông Lê Văn Sử bày tỏ vô cùng băn khoăn, hoang mang bởi muốn có thương hiệu thì phải xây dựng thành công cả hệ thống hệ sinh thái nhiều thành phần. Tuy nhiên, đối chiếu về địa phương thì có những thành phần rất khó hình thành. 

Tôm sú Cà Mau có hàng chục tiêu chuẩn quốc tế nhưng người nông dân vẫn khổ - Ảnh 1.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử tại tọa đàm

ĐỘC LẬP

Đơn cử, địa phương xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất lớn rất gian nan; quản lý chất lượng đồng cấp cũng cố gắng nhưng khó; xây dựng chuỗi liên kết cũng không dễ dàng. Dù vậy, ông Sử cho rằng khó nhưng không phải không làm được, miễn là kiên trì và có biện pháp tháo gỡ các khó khăn.

Theo ông Lê Văn Sử, Cà Mau có nhiều sản phẩm được người tiêu dùng đánh giá cao. Tỉnh cũng đã xây dựng được 27 nhãn hiệu đã được bảo hộ. Trong đó, có chứng nhận chỉ dẫn địa lý với tôm sú. Cà Mau đã nhận gần 10 chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế với vùng nguyên liệu tôm sú nhưng lãnh đạo tỉnh vẫn chưa thoả mãn, chưa đạt mục tiêu vì người nông dân vẫn đang khổ. Mang tôm đi bán sang các thị trường nước ngoài vẫn khó.

"Tôm Việt Nam, đặc biệt tôm sú Cà Mau là sản phẩm rất đặc biệt, có lợi thế trở thành thương hiệu quốc gia. Lãnh đạo tỉnh rất mong muốn có được sự đồng hành của Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương cùng các doanh nghiệp, cơ quan thông tấn để cùng Cà Mau xây dựng nên thương hiệu tôm sú Việt Nam" - ông Sử nói.

Cụ thể, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đánh giá hiện nay, tại địa phương từ cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là nông dân, chưa có nhiều người hiểu cặn kẽ về thương hiệu nên sự tham gia không có hiệu quả. Cần truyền thông phối hợp với các chuyên gia tổ chức nhiều chương trình giúp địa phương thay đổi nhận thức về thương hiệu. 

Mặt khác, Chính phủ, các bộ ngành cũng có các chương trình xây dựng thương hiệu quốc gia với hơn 170 sản phẩm đạt tiêu chí. Tuy nhiên, "đạt" mới chỉ trên tiêu chí trong khi thương hiệu  thực chất là sự công nhận của người tiêu dùng. Chúng ta xây dựng nhiều tiêu chuẩn nhưng các nơi tiêu dùng vẫn không chấp nhận. Việt Nam cần xây dựng riêng tiêu chuẩn quốc gia cao hơn hẳn các khu vực trên quốc tế. Thay vì nhiều tiêu chuẩn thì gom lại thành 1 tiêu chuẩn, giúp sản phẩm trở thành thương hiệu mà cả người tiêu dùng cũng công nhận.

"Để xây dựng thương hiệu trong điều kiện hệ sinh thái chưa thể hình thành, tỉnh Cà Mau đề xuất các doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm, có tâm huyết cùng phối hợp với tỉnh để xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đã có tên tuổi trên thị trường. Đồng thời, kiến nghị các cấp lãnh đạo cho phép doanh nghiệp, địa phương triển khai thí điểm các dự an xây dựng thương hiệu theo dạng thí điểm chính sách, vượt khỏi khuôn khổ quy định pháp luật ở phạm vi dự án để có được nhiều hơm mô hình sáng tạo, hiệu quả" - ông Lê Văn Sử nêu ý kiến.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.