Tôi có ý kiến: Xóa nợ thuế nhưng phải truy trách nhiệm

29/10/2015 07:58 GMT+7

Đó là một trong nhiều ý kiến của bạn đọc về bài viết Xóa nợ thuế, xóa luôn trách nhiệm trên Thanh Niên ngày 28.10.

Đó là một trong nhiều ý kiến của bạn đọc về bài viết Xóa nợ thuế, xóa luôn trách nhiệm trên Thanh Niên ngày 28.10.

GIẢM KHÓ CHO DN
Việc xóa nợ thuế cho DN, cả doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và các DN ngoài nhà nước sẽ có tác dụng rất lớn trong việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy các DN nộp khoản nợ thuế gốc, tăng thu ngân sách nhà nước. Biện pháp này cũng đồng thời giải quyết dứt điểm các khoản nợ tồn của DNNN, góp phần tái cơ cấu lại DNNN cũng như các DN khác.
Võ Minh Hùng (minhhungvo@yahoo.com)
TIÊU CHÍ PHẢI RÕ RÀNG
Để được xóa nợ thuế phải có những tiêu chí rõ ràng, cụ thể. Đây là cái phải xây dựng chặt chẽ. Tiêu chí thế nào là DN gặp khó khăn khách quan? Khó khăn khách quan và khó khăn do chủ quan gây ra liệu đã rạch ròi? Cơ quan thuế đã áp dụng hết các biện pháp đôn đốc thu nợ thuế chưa? Liệu có sự tiếp tay của cán bộ thuế để DN hưởng lợi từ việc xóa nợ thuế? Đấy là những vấn đề lớn cần được giải quyết trước khi áp dụng chính sách.
Nguyễn Trần Thanh Hoàng (thanhhoang1975@yahoo.com)
PHẠT THẾ THÌ PHẠT LÀM GÌ ?
Theo dự thảo, mức phạt chậm nộp thuế áp dụng sẽ là 0,03%/ngày (tương đương 10,95%/năm) là quá thấp. Đã gọi là phạt mà mức phạt còn thua mức phạt lãi quá hạn của các ngân hàng thì không đủ sức răn đe, DN có khi chấp nhận phạt để dùng số tiền đó cho mục đích khác. Điều này sẽ gây bất lợi, khó khăn cho việc thu thuế của cơ quan thuế.
Đào Thị Phương Vy (daophuongvy@yahoo.com)
PHÂN ĐỊNH RẠCH RÒI
Chây ì nộp thuế, trốn tránh nghĩa vụ với nhà nước là điều khó chấp nhận đối với các DN. Nay lại được xin xóa nợ thuế với lý do sắp xếp lại, cổ phần hóa... lại càng khó chấp nhận. Theo tôi, nếu DN thua lỗ, không cứu được thì cho phá sản. Việc thanh toán nợ, kể cả nợ thuế, cứ theo luật Phá sản mà tiến hành. Nếu DN nào làm ăn có lãi mà chây ì thì phạt mạnh tay hơn, không nên phạt kiểu giơ cao đánh khẽ.
Trần Kiến Minh (trankienminh@yahoo.com)
XÓA NỢ, KHÔNG XÓA TRÁCH NHIỆM
Làm ăn thua lỗ phải bị phạt, bị xử lý, nhất là các DNNN. Không phải tiền của nhà nước thì muốn làm gì thì làm. Tôi đồng ý với việc xóa nợ thuế cho các DNNN căn cứ vào các tiêu chí rõ ràng, tuy nhiên người đứng đầu DN đó phải bị xử lý, phải chịu trách nhiệm trước nhà nước, trước nhân dân về việc để xảy ra thua lỗ, không trả nổi tiền thuế.
Đặng Công Sỹ (congsy_dang@yahoo.com)
ĐỪNG ĐỂ BẤT CÔNG
Là DN tư nhân, chúng tôi không dám nợ một đồng tiền thuế nào. Chúng tôi phải tìm mọi cách để đóng thuế đúng và đủ. Trong khi đó, các DN nhà nước chây ì thuế lại không bị gì, rồi còn được xóa giảm nợ thuế. Liệu có quá bất công cho các DN như chúng tôi? Nếu việc này được thông qua sẽ tạo tiền lệ không tốt. Rồi tiền xóa nợ thuế lấy từ đâu để bù vào, tất nhiên từ tiền của nhân dân. Sử dụng tiền của nhà nước như thế đúng là rất nguy hiểm.
Cao Thanh (thanhxyz@yahoo.com)
Tôi đồng tình với ý kiến về việc xóa nợ thuế cho DN không nên đưa vào luật. Đấy chỉ là nội dung mang tính cá biệt, Quốc hội cần ban hành nghị quyết về xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp của DNNN và bổ sung vào nghị quyết về dự toán ngân sách năm 2016.
Trần Thanh Hùng (TP.Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh)
Về thời điểm xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế đối với các DN trước thời điểm 1.7.2013 như dự thảo đưa ra theo tôi là quá rộng. Cần cân nhắc, xem xét việc xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế trước năm 2007 là phù hợp.
Nguyễn Đức Hoan (Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
T.T - Duy Khang (thực hiện)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.