Toàn dân phòng chống tội phạm mạng

09/04/2019 04:55 GMT+7

Một loạt vụ giang hồ sống ảo như Khá “bảnh”, như “thánh chửi Dương Minh Tuyền” nổi lên dẫn dắt đám đông trên mạng khiến chúng ta giật mình hoảng hốt nhận ra sức mạnh của mạng khi rơi vào tay những thế lực xấu.

Nhưng cũng qua chính những vụ việc đó, chúng ta vẫn có thể nhận ra rằng, sức mạnh của mạng hoàn toàn có thể ở trong tay lực lượng đông đảo người dân có ý thức trách nhiệm cao với cộng đồng. Họ lên tiếng phản đối và đấu tranh thẳng thắn với những biểu hiện nổi loạn của giới anh chị giang hồ trên mạng và biểu hiện sa ngã của công chúng trước cái xấu. Họ điểm mặt chỉ tên những trường hợp giang hồ sống ảo cần phải được chính quyền kiểm soát hành vi gây rối loạn giá trị xã hội. Họ phát hiện những hành vi đáng bị lên án, đáng bị tố cáo của những thế lực xấu trên mạng.
Không phải tất cả công chúng trên mạng đều ngây thơ, vô cảm, vô trách nhiệm. Chỉ có điều, chính quyền cần chủ động xây dựng lực lượng và thiết lập mặt trận chính thức để những công chúng có ý thức trách nhiệm cộng đồng được cùng nhau đứng về một phía chiến tuyến trong cuộc chiến chống cái xấu, cái ác đang có biểu hiện tràn lan trên môi trường mạng.
Làm thế nào để xây dựng lực lượng và thiết lập mặt trận tích cực đó trên mạng hiện nay? Chắc chắn, đó là việc xây dựng lực lượng công dân tích cực trên mạng, trước hết là phải đưa việc giáo dục nhận thức và kỹ năng về tiếp nhận thông tin, về hành xử trên mạng thành một chiến lược giáo dục được thực hiện bài bản ngay từ nhà trường. Gấp rút lắm rồi, việc đưa các nội dung giáo dục truyền thông vào nhà trường thông qua nhiều hình thức khác nhau. Nhiều nước đã theo đuổi thực hiện chương trình “xóa mù” về truyền thông (media literacy) cho các công dân của mình, đặc biệt là công dân trẻ.
Thiết lập mặt trận đấu tranh tích cực với cái xấu, cái tiêu cực trên mạng là cần thiết việc phát động phong trào toàn dân phòng chống và tố giác tội phạm trên mạng, như chúng ta vẫn làm tương tự ở ngoài đời thực. Các địa phương phải có ngay một địa chỉ nóng về tố giác tội phạm trực tuyến. Phải huấn luyện người dân sử dụng cơ chế “báo cáo” (report) của mạng để phát hiện và ngăn chặn sớm những mầm mống tội phạm phát sinh trên môi trường mạng, cùng nhau xây dựng một cộng đồng mạng sạch, an toàn. Hoặc chí ít, cũng phải là một cộng đồng mạng không phải là miền đất hứa để những thế lực xấu tha hồ diễu võ giương oai, ngang nhiên livestream những thứ giá trị phi đạo đức, phi nhân văn làm đảo lộn giá trị xã hội.
Đến lúc phải giành lấy sức mạnh của mạng để trao về tay những người dân có trách nhiệm với cộng đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.