Tờ báo thuở xưa: Những tờ báo... cần bổ khuyết

24/06/2023 07:49 GMT+7

Việc thống kê các đầu báo ở Việt Nam tính đến năm 1945 đã có nhiều công trình như Thư tịch báo chí Việt Nam (Tô Huy Rứa chủ biên), Từ điển thư tịch báo chí Việt Nam (Nguyễn Thành) thực hiện… Tuy nhiên, vẫn còn những đầu báo chưa được điểm tên hoặc đề cập thiếu thông tin.

Hai phiên bản Tháng Mười

Trung tâm tuần báo ra số đầu ngày 17.10.1934, im hơi từ số 6, ra ngày 23.5.1935. Tòa soạn nằm ở số 97 rue Conton, sau về 25 Place Neyret (phố Cửa Nam, Hà Nội hiện tại). Ban đầu báo tự quảng cáo là tuần báo ra ngày thứ tư. Đến số 5, báo giới thiệu là "tuần báo văn chương và trào phúng". Báo do Vũ Văn Hoan làm giám đốc, Nguyễn Mạnh Chất làm quản lý, đến số 6 thay bằng Nguyễn Đăng Minh. Là tờ báo hoạt động văn chương và trào phúng, Trung tâm tuần báo có nhiều tin, bài, biếm họa đả kích mạnh mẽ đồng nghiệp như báo Phong hóa, Đông phương, Loa...

Là người trực tiếp làm báo Tháng Mười, Hồ Hữu Tường nhớ Tháng Mười là tờ tạp chí, cơ quan ngôn luận, tuyên truyền của phái tả đối lập ở Đông Dương, do Đào Hưng Long và Tạ Thu Thâu đứng đầu, Hồ Hữu Tường phụ trách. Báo ra mỗi tháng 8 số. Để đảm bảo bí mật, bài vở sau khi in bản thảo phải đốt hết, báo sử dụng kỹ thuật in xương xoa, đóng bìa đẹp, thiết kế dạng sách bỏ túi cho tiện dụng. Tháng Mười kết thúc hoạt động tháng 9.1932 khi những người trong tổ chức bị bắt.

Tờ báo thuở xưa: Những tờ báo... cần bổ khuyết - Ảnh 1.

Trung tâm tuần báo số 6, ra ngày 23.5.1935

TƯ LIỆU CỦA ĐÌNH BA

Tuy nhiên, với tài liệu người viết tiếp cận được, thì có tạp chí Tháng Mười tục bản ra đời tháng 9.1938. Nguiễn Ngu Í trong bài viết trên Bách khoa thời đại số 25 (217), ra ngày 15.1.1966 cũng đề cập đến Tháng Mười ra đời năm 1938. Tháng Mười năm 1938 vẫn có sự hiện diện của Đào Hưng Long khi tên ông Long ở trang nhất với dòng chữ "Thơ, tiền gỡi [gửi] cho: ĐÀO HƯNG LONG 108 Rue Lacotte (nay là đường Phạm Hồng Thái) - SAIGON". Tên tuổi Hồ Hữu Tường cũng được nhắc liên tiếp trong số 1, số 2 cho thấy ông nằm trong nhóm Tháng Mười.

Đây là "tạp chí lý luận ra hằng tháng" và ngay trên manchette ghi rõ "Vô sản các xứ, tỗ [tổ] hiệp lại". Tạp chí được đóng cuốn gồm 32 trang ở số 1; số 2 ra tháng 10.1938 là 48 trang. Trong số 2 có thông báo ra số 3 sẽ là số kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga. Các bài viết chú trọng nhiều về mặt tuyên truyền, đấu tranh tư tưởng. Tuy Thư tịch báo chí Việt Nam không đề cập, nhưng từ điển của Nguyễn Thành đều có điểm qua hai phiên bản Tháng Mười.

Đông Việt tùng thư được tổ chức bởi Hậu Giang Thanh niên, Đông Việt tùng thư tự giới thiệu là "Cơ quang [quan] Hậu Giang Thanh niên để ung đúc trí dục, duy trì phong hóa, thức tỉnh đồng bào, tương truyền học thuật cho toàn cả Quấc [quốc] dân Việt Nam". Tự nhận là sách, nhưng cũng như Thông loại khóa trình của Trương Vĩnh Ký, Đông Việt tùng thư có nội dung của một tạp chí. Chủ nhân kiêm chủ bút là Hồ Minh Chiếu, có biệt hiệu Linh Chi. Đặt trụ sở tại đất Bạc Liêu xa xôi, nhưng Đông Việt tùng thư được phát hành tại số 106 Rue des Marins (nay là đường Trần Hưng Đạo), Chợ Lớn. Để giới thiệu đến đông đảo độc giả, số thứ nhất được biếu không cho độc giả.

Tờ báo thuở xưa: Những tờ báo... cần bổ khuyết - Ảnh 2.

Số 1 tạp chí Tháng Mười ra tháng 9.1938

Học sinh trong ký ức Phạm Cao Củng

Phật hóa tân thanh niên được quản lý bởi Trương Tấn Phát, có trụ sở ở chùa Chúc Thọ, xóm Thuốc, xã Hạnh Thông, Gò Vấp của tỉnh Gia Định. Báo trình bày dạng tạp chí đóng quyển, dung lượng 50 trang, ra duy nhất một số, in tại nhà in Thạnh Thị Mậu, số lượng 5.000 bản. Báo ra đời mục đích là "gây cái nền chánh tin cho dân tộc nào ưa cái chủ nghĩa hòa bình và muốn cái hạnh phúc sanh tồn trên thế giới".

Trong Hồi ký Phạm Cao Củng, nhà văn trinh thám này cho hay Học sinh là tờ tuần báo nhi đồng, được xuất bản bởi nhà Mai Lĩnh khi đã phát triển xuống Hà Nội. Với tờ báo này, Phạm Cao Củng quyết làm khác lạ, thực hiện đặt khổ giấy theo chiều ngang chứ không dựng đứng như thông thường, tuy không đẹp mắt, nhưng lại… lạ mắt, gây chú ý cho độc giả. Báo có hai nhân vật đinh là thằng TIP và thằng TỐP do Phạm Cao Củng đặt ra. Trang bìa và mặt trước, mặt sau đều vẽ truyện tranh. Và một điều ít người biết, được Phạm Cao Củng tiết lộ trong hồi ký rằng nhà thơ Thâm Tâm chính là họa sĩ đầu tiên vẽ minh họa cho tờ Học sinh trước khi nổi danh ở mảng thơ ca. Sau này, Đặng Thế Phong cũng có thời gian vẽ cho Học sinh, nhưng mảng ông Phong được biết tới nhiều lại ở âm nhạc. Và Tạ Thúc Bình với nét vẽ chân phương, tỉ mỉ, là người được độc giả yêu thích khi minh họa cho báo.

Là người quản lý nội dung báo Học sinh, Phạm Cao Củng vẫn nhớ mục "Thư tín trả lời bạn đọc" do chính ông viết, ký tên Anh Cả. Còn Phạm Thị Trường sau là vợ Phạm Cao Củng, dùng bút hiệu Trường Nga, đảm trách mục liên lạc các bé gái. Báo có nhiều bài hợp với trẻ con như dạy làm diều giấy, dạy bơi từ chính kinh nghiệm thuở nhỏ của Phạm Cao Củng. Trên báo Học sinh, Nguiễn Ngu Í đã cộng tác và sau này thành danh trên văn đàn. Sau hai năm có mặt trong làng báo, Học sinh phải đình bản khi lượng phát hành ngày một giảm sút. Căn cứ vào dữ liệu thời gian trong hồi ký của Phạm Cao Củng, thì báo xuất hiện vào nửa sau thập niên 1930.

Một số tờ như báo Đông Tây xuất bản năm 1942 do Quỳnh Dao chủ bút kiêm trị sự, có tòa soạn ở số 129 phố Sinh Từ, Hà Nội; Nam Thanh Công giáo từ số 1 (4.1935) đến số 21 (12.1936 - 1.1937), Cao Miên hướng truyền thời gian 1929 - 1930… cũng chưa có tên trong từ điển báo chí Việt Nam. (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.