Tờ báo thuở xưa: Chiếc bút chì xanh kiểm duyệt

23/06/2023 06:37 GMT+7

Không ngạc nhiên nếu đọc báo giai đoạn 1945 trở về trước, ta thấy có những dòng, đoạn để trống với dòng chữ in to "Kiểm duyệt" hoặc "Kiểm duyệt bỏ".

Khuôn mặt rỗ

Kỹ thuật sắp chữ, dàn trang hồi đó không như bây giờ, nên khi những đoạn, dòng, câu chữ nào Nha Kiểm duyệt xét thấy "có vấn đề" sẽ gạch bỏ thẳng tay và lúc đó báo không giãn dòng, trám bài như kỹ thuật nhanh gọn, tân tiến hiện nay, đành phải ghi như trên và đem in. Lúc đó, bài vở trở nên lem nhem, thiếu trước hụt sau trông như khuôn mặt rỗ. Bởi vậy, kiểm duyệt trở thành nỗi ám ảnh của người làm báo. "Bút chì xanh của kiểm duyệt nó dò từng chữ, từng dòng, rất ít khi nó bỏ sót, nên có những vấn đề không nói thẳng được. Ngay những đoạn trong bài đã bị xóa đi rồi mà người viết vẫn bị truy tố như thường", lời Vũ Ngọc Phan trong hồi ký Những năm tháng ấy.

Tờ báo thuở xưa: Chiếc bút chì xanh kiểm duyệt  - Ảnh 1.

Bài Kính tặng bà Kiểm duyệt trên số 1 Trung Bắc Tân văn Chủ nhật, ra ngày 3.3.1940

THƯ VIỆN QUỐC GIA VIỆT NAM

Hồi ký Đời của tôi với văn nghệ của nhà văn Hồ Biểu Chánh, Chủ bút Đại Việt tập chí, Giám đốc Nam Kỳ tuần báo, đã nói về chế độ kiểm duyệt báo chí thời Pháp thuộc dưới cảm nhận của ông với tư cách người trong cuộc: "Với chế độ kiểm duyệt gắt gao, kiểm duyệt sốt (censure à chaud) rồi kiểm duyệt nguội (censure à froid) của nhà cầm quyền, họ buộc chẳng những là không được nói nghịch với trí ý của họ, mà còn phải hô hào nhồi sọ cho công chúng thỏa mãn các chánh lệnh hà khắc hoặc ích kỷ của họ nữa, thế thì viết báo càng hại cho đồng bào, chớ có ích lợi chi đâu, nếu mình không tính nương theo nghề này mà nuôi thân mỗi bữa".

Phải đến ngày 31.12.1934, Ty Kiểm duyệt Nam báo mới bị bãi bỏ, theo lời Phan Trần Chúc trong Ngọ báo số 2584, ra ngày 23.4.1936. Tuy nhiên vài năm sau, cơ quan này được tái lập. Trong bài Kính tặng bà Kiểm duyệt, ngay số 1 của Trung Bắc Tân văn Chủ nhật ra ngày 3.3.1940 đã có phản ứng. Theo đó, kể từ khi Âu chiến xảy ra năm 1939 thì báo giới nước Nam lại hân hạnh gặp "bà kiểm duyệt". Bài viết hài hước đề cập: "Làng báo chúng ta hàng ngày lại được tiếp xúc với "bà già lụ khụ rất đáo để" ấy với đôi mắt sau cặp kính trắng rất tinh và cái kéo rất sắc luôn luôn cầm trên tay".

Tình hình chiến tranh ảnh hưởng đến an ninh, chính trị Đông Dương, do đó mà vấn đề kiểm duyệt trở nên chặt chẽ, khắt khe hơn trước. Chẳng thế mà báo cho hay "bà kiểm duyệt lần này lại chọn trú sở tại sở Mật thám rất thâm nghiêm và bà sinh ra dưới dấu hiệu chiến tranh nên lại có vẻ đáng sợ hơn trước". Sự trở lại của chế độ kiểm duyệt năm 1939 được thực hiện bởi hai sắc lệnh liên tiếp là Sắc lệnh ngày 24.8.1939, ban hành ngày 2.9.1939 ấn định quy chế kiểm soát báo chí và các ấn loát phẩm khác; và Sắc lệnh ngày 27.8.1939, ban hành ngày 29.8.1939 ấn định thể lệ kiểm soát trước khi phổ biến các ấn phẩm, họa phẩm, các chương trình phát thanh và phim chiếu bóng, Báo chí tập san số 2, bộ I, Hạ 1968 thông tin.

Tờ báo thuở xưa: Chiếc bút chì xanh kiểm duyệt  - Ảnh 2.

Nhiều đoạn kiểm duyệt bỏ trên trang nhất báo Thần chung số 337, ra ngày 15.3.1930

TƯ LIỆU CỦA ĐÌNH BA

Kiểm duyệt đè

Dù phải chịu kiểm duyệt đè, nhưng cũng có báo dùng chiêu lách luật qua mặt kiểm duyệt. Việc này được Tô Hoài nhớ lại trong Chuyện cũ Hà Nội. Khi báo Tin mới trong tuần đầu tháng 5.1945 đăng loạt bài điều tra về tình hình nạn đói các tỉnh miền Bắc, nhiều số liệu, sự việc tang thương đã bị phòng kiểm duyệt báo chí của Nhật bắt đục bỏ. Tuy nhiên, "tổ chức công nhân cứu quốc ở nhà in báo Tin mới đã lén dập in lại những chỗ bị kiểm duyệt, rồi đồng chí Thiệp, thợ chữ, nhà ở phố Quán Thánh, đem giao tôi chuyển đi cho báo Cứu Quốc (bí mật) của Tổng bộ Việt Minh".

Sức mạnh của kiểm duyệt không chỉ ở việc cắt nội dung của báo chí, mà còn hiện hữu rõ ràng nếu thấy tờ báo vượt lưới. Pháp Việt nhất gia là tờ báo chịu hậu quả trực diện từ kiểm duyệt khi phải kết thúc sứ mệnh thông tin của mình vì vấn đề liên quan. Tờ báo quốc văn có trụ sở tại Sài Gòn này có những bài bị Ty Kiểm duyệt gạch bỏ, nhưng báo thi gan, cho đăng tất cả những bài bị kiểm duyệt bắt bỏ ấy. Kết quả là báo bị tạm đóng cửa. Nhưng không chỉ bị trừng phạt ở mức đó, Thực nghiệp dân báo số 1982, ra ngày 22.6.1927 cho biết khi nhà chức trách họp, Toàn quyền Đông Dương đã ký nghị định đình bản hẳn Pháp Việt nhất gia với nội dung "Bản nghị định ra ngày 30 Julliet 1926, cho phép xuất bản tại Saigon một tờ báo quốc ngữ gọi là Pháp Việt nhất gia nay bãi đi. Tờ báo ấy không được xuất bản kể từ ngày 15 Juin 1927".

Sự kiểm duyệt, cấm đoán còn gắt gao hơn với những tờ báo có khuynh hướng yêu nước, chống đối chính quyền thuộc địa. Khi điểm tên những tờ báo cánh tả ở Việt Nam đầu năm 1939, trong "Thư gửi một đồng chí ở Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản" ngày 20.4.1939, Nguyễn Ái Quốc đã đề cập đến những tờ đang hoạt động ở Bắc Kỳ và Nam Kỳ như Dân chúng, Lao động (Le Travail), Dân tiến (Progrès), Dân muốn (Voeux du Peuple), Đời nay, Notre Voix… và lưu ý rằng "những tờ báo này bị cấm nghiêm ngặt ở Trung Kỳ và luôn luôn bị các nhà chức trách Bắc Kỳ và Nam Kỳ không để cho yên".

 (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.