Tờ báo thuở xưa: Báo Việt ở xứ người

25/06/2023 07:32 GMT+7

Báo Việt ra trên đất Việt là lẽ thường. Để phục vụ nhu cầu tin tức cho đồng bào xa quê hay hoạt động tuyên truyền, có những tờ báo Việt được xuất bản ở ngoại quốc nữa.

"Công binh" trên đất Pháp

Trong tác phẩm Bút chiến đấu, Đông Tùng cho biết Việt Nam hồn xuất bản tại Pháp. Theo lời Đông Pháp thời báo số 400, ra ngày 24.2.1926, báo Việt Nam hồn ra mỗi tháng một kỳ gồm chữ quốc ngữ, chữ Pháp và chữ Hán với tôn chỉ: "Binh vực những học sanh cùng người lao động ở bên ta hay ở bên Pháp mà bị cường quyền áp chế. Thâu phục lấy những quyền tự do về đường chánh trị và tự do được lập hiệp công hội; tự do du lịch, tự do ngôn luận; tự do giáo dục; tự do lập hội. Trao đổi tư tưởng hi vọng cùng sự từng trải lịch duyệt cho nhau hay để giúp sự khai hóa tinh thần". Báo phát hành về Việt Nam do Đông Pháp thời báo làm đại lý.

Tờ báo thuở xưa: Báo Việt ở xứ người  - Ảnh 1.

Cao Miên hướng truyền số 45, ra ngày 18.3.1930

Cũng tại Pháp còn có tờ La Tribune Indochinoise. Trong hồi ký 41 năm làm báo, Hồ Hữu Tường cho biết Dương Văn Giáo sau khi sang Pháp làm thông ngôn dạo Thế chiến 1, đã học và đỗ tiến sĩ luật khoa, làm trạng sư ở tòa Thượng thẩm Paris: "Và năm 1926, cùng với Bùi Quang Chiêu sáng lập tờ La Tribune Indochinoise, cơ quan của đảng Lập hiến tại Pháp".

Về sau có Công binh tạp chí ra số đầu năm 1942 tại Pháp. Thông tin trên các số báo Công binh thì đây là báo của lao động Đông Dương. Quản lý báo là Trần Ngọc Vân. Có lúc báo không ra đều kỳ nên trên Công binh số 34, ra tháng 5.1945 có đoạn viết "trong thời kỳ mấy tháng C.B.T.C. không ra mắt anh em". Công binh không chỉ là món ăn tinh thần thuần Việt về tin tức, văn chương, chính trị… cho đồng bào ở Pháp, mà còn là cầu nối để tìm thân nhân. Trên Công binh có lúc bắt gặp mẩu tin tìm bạn bè, người thân, đồng nghiệp. Công binh số 33, ra tháng 4.1945 mục "Hỏi tin" trong đó Lương Thanh Tâm hỏi tìm bạn, Trần Văn Liêu tìm cháu là Phan Sỷ Trâm.

Ở tận Pháp quốc, Công binh thỉnh thoảng vẫn có những bài của các tác giả nổi tiếng ở quê nhà được độc giả sưu tầm gửi đến. Công binh số 23, ra ngày 20.3.1944 đăng bài thơ Một đêm sâu của Chế Lan Viên. Báo cung cấp cho độc giả những truyện ngắn, thơ, kiến thức khoa học thường thức cũng có mặt mà Nguyên nhân ánh sáng Mặt trăng trên số 23, ra ngày 20.3.1944 là một ví dụ.

Các tin tức thời sự về Đông Dương, Pháp quốc, nhất là tin liên quan đến anh em lao động được ưu tiên. Công binh số 34, ra tháng 5.1945 tin tức Đông Dương là tin về tình trạng lạm phát giá nhà, giá gạo, giá dầu, giá rau; còn có bài Tình hình kinh tế Đông Dương 1940 - 1944. Ngoài ra còn có tin đó đây, tin Paris. Những bài liên quan đến y học, thể thao, danh nhân Việt xưa cũng xuất hiện trên báo.

Tờ báo thuở xưa: Báo Việt ở xứ người  - Ảnh 2.

Công binh số 23, ra ngày 20.3.1944 đăng bài thơ Một đêm sâu của Chế Lan Viên trên trang nhất

TƯ LIỆU CỦA ĐÌNH BA

Quanh rẻo đất Á châu

Cao Miên hướng truyền là tuần báo do A. Alliès chủ trương, báo quán ở số 182 đường Ang Duong, Phnom Penh, Nguyễn Văn Phúc đứng vai tổng lý, chủ bút là Trần Kim Chi. Báo giới thiệu là "Cơ quan bảo thủ [được hiểu là giữ gìn] quyền lợi cho nông, công, thương, thực nghiệp". Báo bàn kinh tế nước nhà cũng như Cao Miên (tức Campuchia): Chợ Nam Vang có đủ vệ sinh hay không? (số 12, 30.7.1929), Dân ta nghèo nước ta yếu bởi vì đâu? (số 27, 12.11.1929).

Tin tức thế giới có mục "Thế giới thời đàm" bàn những vấn đề chính trị, quân sự hay ngôn luận: "Ý kiến Uông Tinh Vệ đối với vấn đề tự do ngôn luận ở Trung Hoa" (số 45, 18.3.1930), "Đức: Những việc đặt "quả bom" nay đã dò ra manh mối" (số 36, 14.1.1930). Tiểu thuyết feuilleton trên Cao Miên hướng truyền là gia vị văn học với Tình là dây oan của V.P., Thay hồn đổi xác do Phan Phối Dĩnh dịch, Lưởng [lưỡng] tình nan của Vân Phi. Mục "Văn uyển" có từ khi báo mới ra đời để đăng thơ. Nhiều vấn đề văn hóa, xã hội và chính trị nước nhà được bàn luận. Đơn cử như vấn đề văn hóa qua bài Cảm tưởng và bàn về điệu hát "cải lương" (số 49, 15.4.1930); số 13, ra ngày 6.8.1929 bàn chuyện chính trị Vụ Việt Nam Quốc Dân Đảng Hanoi, và hội kín Saigon đối cùng tư tưởng thiên hạ ngày nay; Lại nói rỏ [rõ] về mấy việc đại biến mới xảy ra tại Bắc kỳ (số 41, 18.2.1930)…

Phần quảng cáo ở trang cuối, một phần những trang sau giới thiệu những mặt hàng, nhãn hiệu ở Cao Miên, Việt Nam. Đó là tiệm Hiệp Lợi của Nguyễn Văn Vàng bán đồ xe hơi, tiệm chụp hình Lộc Quang ở Nam Vang (tức Phnom Penh) được quảng cáo trong số 7, ra ngày 25.6.1929; là tiệm vàng Chí Thành của ông Nguyễn Văn Quế ở Sài Gòn, là tiệm thuốc Thiên Hòa Đường ở Chợ Lớn trên số 36, ra ngày 14.1.1930… Báo ra số đầu ngày 14.5.1929, kết thúc ở số 51, ra ngày 29.4.1930. Trong số cuối, báo thông tin lý do dừng để sắp xếp lại tờ báo.

Theo sách Bút chiến đấu, tại Trung Quốc có tờ Thanh niên, rồi tập san Ngọn đuốc của Việt Nam Cách mạng thanh niên, tờ Quân nhân của sinh viên Việt ở Trường Võ bị Hoàng Phố. Đất Xiêm cũng có báo của người Việt như Đồng thanh, Thân ái, Đại chúng, Tiếng chuông… 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.