Di cảo chưa từng công bố của học giả Vương Hồng Sển:

Tiết lộ về Tô Mãn họa tùng đình

16/05/2023 07:21 GMT+7

Viết cả một cuốn sách về một món đồ cổ, kể ra cũng là hết sức thú vị, mà muốn thế, trước hết nhà nghiên cứu phải cực kỳ mê món ấy và phải là món quý. Đó là trường hợp được trình bày trong di cảo chưa từng công bố Tô Mãn họa tùng đình của học giả Vương Hồng Sển.

Sở dĩ mê và quý cổ vật đó, cụ Sển cho biết là nó đã trải qua những giai đoạn như "nắn khó, hầm (nung) khó và khó giữ gìn không tì không vết nên tôi cho là hy hữu, tô lại từng ở cung vua bên Tàu, qua tay vua Nam triều nhiều đời, lọt vào chốn cao sang họ Phạm…" để cuối cùng: "Tôi vả chăng là một tên nọi giữ của, cha mẹ là hàng dân dã, làm thợ đầu tắt mặt tối, ăn chắc mặc dày, thế mà tôi nay dám sắm món này, quả là vượt bực, cóc đòi mang guốc, trưởng giả học làm sang, nói càng thêm thẹn". Nói thì nói thế, chỉ riêng một món mà viết cả một cuốn sách về nó, thế mới biết cụ quý cỡ nào?

Tiết lộ về tô Mãn họa tùng đình - Ảnh 1.

Trang mở đầu di cảo Tô Mãn họa tùng đình

Trước hết, xin hỏi "Mãn họa tùng đình" có nghĩa là gì?

Học giả Vương Hồng Sển giải thích: "Vì chỉ vẽ toàn cây lá và phong cảnh, chỉ có "tùng" (cây lá) và "đình" (lâu đài, thủy tạ), không vẽ một con thú dữ (hùm beo) cũng không chấm một con chim, con bướm nào trên không trung, chứng tỏ đây là một cảnh "lâm viên", "lâm tuyền" một buổi thái bình trời quang mây tịnh…

Xin nhớ đây không phải là cảnh rừng sâu núi độc nhưng vẫn cổ thụ, chờ khách tao đàn đến ngâm thi vịnh cảnh. Cũng không thấy vẽ một chữ nào, đáy không hiệu đề, mặt tô vẫn không một câu thơ khiêu gợn hay một chữ điển tích, tỷ dụ "Bạch lộc động" hay "Nhứt sắc"… Và tôi tạm kết luận tô lớn này, là vật ngự chế dành thướng (thưởng) võ quan, đại tướng chớ không phải dành riêng cho văn nhơn đại thần nào khác, tể tướng, thái sư…".

Kích cỡ cụ thể ra làm sao? "Bề đứng: Cao đúng 2 tấc Tây (cao 0 mét 20); Kính tâm nơi đáy: 26 phân Tây (0 mét 26); Trực kính nơi miệng: 46 phân Tây (0 mét 46)".

Tiết lộ về tô Mãn họa tùng đình - Ảnh 2.

Một cổ vật của nhà sưu tập Vương Hồng Sển

QUỲNH TRÂN

Toàn bộ cảnh vẽ trong tô này, cụ Sển dành nhiều trang miêu tả tỉ mỉ với nhiều chi tiết sinh động, cuối cùng cụ tóm gọn: "Nhờ có chút năng khiếu về thú chơi đồ cổ và nhờ chút kinh nghiệm tuổi già, tôi đã khéo lựa và chọn đúng bước hướng dẫn đến nơi kỳ hội của 6 cảnh, nay xin tóm tắt lại:

Cảnh 1: Một lão trượng tay xách gậy, cùng đi với một thanh niên ôm đàn; Cảnh 2: Gặp trên đường một văn nhân đi bộ, có thơ đồng quẩy sách theo sau; Cảnh 3: Diễn lại một cảnh nhàn hạ, một khang trại và hai thủy tạ cách nhau một dòng nước bạc; Cảnh 4: Một khách cỡi lừa và một hề đồng gánh níp; Cảnh 5: Hai khách hành thuyền, sắp cập bến; Cảnh 6: Một già một trẻ sắp bước vào khang trại nguy nga, đồ sộ".

Tại sao người xưa lại chế tạo ra cái tô có kích cỡ to đến như vậy? Để làm gì và có ý nghĩa gì? Với câu hỏi này, cụ Sển dẫn chứng nhiều tài liệu về sử, địa, khảo cổ, rồi kết luận: "Ngày xưa các vua chúa Đông như Tây đều thích cụ thể hóa quyền lực của mình bằng những tứ khí vật dụng hay ngoạn hảo, càng to chừng nào càng quý chừng nấy…".

Có điều không riêng gì người sưu tập cổ ngoạn, ngay cả những người "ngoại đạo" như chúng ta cũng đều thắc mắc khi biết tô này "đáy không hiệu đề", vậy làm sao biết chế tạo từ năm nào, triều đại nào?

Bằng kinh nghiệm lão luyện, uyên bác của nhà một nhà nghiên cứu, sau khi phân tích nước men, tranh vẽ vóc dáng, trang phục, đầu tóc của nhân vật… cụ đã nêu ra chi tiết mà ít người am tường, kể cả những ai "chơi" đồ cổ: "Tôi định cái tô này làm vào đầu đời Thanh và do thợ thiện nghệ của nhà Đại Minh còn sót lại, cũng như nói một tỷ dụ cho dễ hiểu, ngày nay ta có thể thấy một món trang sơn mài do thợ cũ sót lại và chế tác năm gần đây, để niên hiệu mới thì ngỡ ngàng, để niên hiệu cũ thì cũng không ai cho và cũng không được nên thà không để niên hiệu nào cả và bỏ trống không đề năm chế tạo là "lưỡng toàn kỳ mỹ", giai đoạn chế tạo đời Mạt Minh, Sơ Thanh, sách gọi "période de transition" (giai đoạn nối tiếp) tức hiệu bỏ trống, không đề niên hiệu năm chế tạo là vì vậy".

Hiện vật này, khi sở hữu, được thỏa thích mân mê, sờ mó, nâng niu, cụ nhận xét, đại khái cái tô còn y nguyên, được nắn tròn trịa, không vênh, không móp méo, vẽ vời bút họa xuất thần, màu lam còn tươi rói… Vì thế, một lần nữa cụ khẳng định: "Tô này ắt chế tạo lò Giang Tây "Cảnh đức trấn" Trung Hoa và ắt là vật "cống phẩm" trao đổi nhau đời trước hoặc Minh triều hoặc Thanh triều…". Nói cách khác, cái tô "Mãn họa tùng đình" là sản phẩm ngoại giao giữa hai nước với nhau, chứ không sản xuất đại trà, bày bán rộng rãi.

Thế nhưng tại sao nó lại có mặt tại nước Nam? Cụ Sển suy luận biết đâu "Có thể do sứ đoàn Nam mua nhưng làm sao đem về với chánh sách gắt gao kiểm tra của Tàu nơi ranh giới (một mũi kim, một hột mẻ cũng không đem qua lọt), vì vậy tôi lại định ắt do một hoàng đế Trung Quốc đời Gia Khánh (1796-1820) cho lại theo cống phẩm, tặng lại cho vua nước Nam hoặc triều Gia Long hoặc tặng trả lễ vua Minh Mạng".

Sau khi sang nước Nam, cái tô quý đóng vai trò "Đây là một cổ vật "ngự dụng" trong nội các, hoặc vật quý từ trong ấy ban ra, cấp ra dành cho các nhà tướng công thần và đúng tô giồng Sơn Quy này là của riêng bên ngoại vua Tự Đức, thích lý Phạm thị)", cụ thể "lọt vào tay Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng ở Gò Công". Cụ Sển hoàn toàn có lý khi cho rằng tô này "Thường để chưng bày hơn là đem vào việc công ích, người nào chơi đồ cổ, sang cũng như hèn, vua chúa như phàm phi đều đồng ý như vậy, và chơi cổ ngoạn chung quy là ta làm mọi săn sóc tưng tiu cho nó hơn là có giúp ích ta chút nào, một khi vì rủi ro vật bị mất cắp hay bị sứt bể, lại đem khổ đau rầu buồn là khác".

Kết thúc di cảo Tô Mãn họa tùng đình, học giả Vương Hồng Sển "rút ruột rút gan" nói về kinh nghiệm của mình là dù khôn ngoan, lịch lãm, từng trải, lão luyện trong nghề cỡ nào đi nữa thì "Phải có ít nữa bốn điều: gặp may, có biệt tài, linh nhỡn, gặp thời cơ thuận tiện". Trường hợp sở hữu cổ vật này, với cụ, đúng là thế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.