Di cảo chưa từng công bố của học giả Vương Hồng Sển: Từ nói lái tới... cãi

12/05/2023 07:32 GMT+7

Một trong những điều hấp dẫn, lôi cuốn khi đọc văn của cụ Vương Hồng Sển, ngoài kiến thức về chuyên môn, ta phải "chịu" văn phong rặt ròng tiếng nói của người miền Nam, được viết theo lối "cà kê dê ngỗng", "chuyện nọ xọ chuyện kia" và có lúc tùy hứng chêm vào vài câu "nói lái".

Có lẽ vì vậy mà nghệ thuật viết của cụ tạo nên phong cách không "đụng hàng" và càng đọc càng bị cuốn hút.

Mở đầu di cảo chưa xuất bản là Tạp lục 89/90, học giả Vương Hồng Sển bông lơn: "Thơ thơ thẩn thẩn, thẩn thơ, thơ thẩn", cụ tự trào: "Xính xáo, xịch xoạc chín mươi tuổi. Ngày thường ổng thích ăn "mắm đuôi" tức con mắm, ổng dành phần đuôi, nhiều thịt, duy từ ngày mắm đuôi cũng cao giá mua không nổi, con dâu dọn một dĩa, có nắp đậy, ông dở ra, chỉ thấy "muối hột đâm nhỏ", ông nổi quạu, hỏi: "Mắm đuôi mà không còn nữa, hẻ?", con dâu trả lời: "Mắm đuôi ăn hoài, ngán quá, nay con dọn món muối đâm, Ba là người thích nói lái, như vậy, trở bữa, không ăn mắm đuôi thì tạm "muối đâm" và xin ba tạm dùng, lấy thảo".

Di cảo chưa từng công bố của học giả Vương Hồng Sển: Từ nói lái tới... cãi - Ảnh 1.

Bút tích bài thơ nói lái của cụ Vương Hồng Sển

Tư liệu tác giả

Đọc xong, ắt ta phải tủm tỉm cười.

Về nghệ thuật nói lái, trên Báo Thanh Niên số ra ngày 14.10.2017, trong bài Thú nói lái của người Việt, nhà báo Lê Công Sơn từng dẫn nhận định của nhà nghiên cứu Nam Chi Bùi Thanh Kiên: "Từ sơ khai, nói lái đã phối hợp nhuần nhuyễn hai yếu tố: kỹ thuật lái và cái tục. Yếu tố "tục" trong nói lái của cả ông Cống Quỳnh lẫn bà Hồ Xuân Hương đã gieo rắc một ảnh hưởng rất lớn và đến nay đã biến thành nét đặc trưng cố hữu của nói lái". "Hiện tượng nói lái phát tích từ Bắc Trung bộ đã theo bước chân nam tiến về phương Nam". Điều này, ta còn có thể nhìn qua thơ tự trào của cụ Sển, tôi chọn lấy bài thơ mà cụ "tự ví mình như gậy cù nèo, sống vô ích, chật đất":

Lòi phèo nhớ trực chổng khu reo,

Xếch xác chín mươi cóc sợ nghèo.

Nước chẳng có chưn, sao "nước đứng"?

Dưa không có cẳng, vẫn "dưa leo".

Trai ham du ngỏng đi cà nhắc,

Gái thích đu tiên, mới lộn lèo.

Chờ tiệc cửu tuần thi xướng họa,

Câu thanh vần tục đếm liền đeo.

Cụ viết tiếp: "Tưởng mình "lái dủm" một chợ, văn hữu Trung Nam họa vận, duy Tế Nhị sửa lưng cho hai bài đáng bực làm thầy". Nay, tôi chọn một:

Tùng phèo mưa gió đếm đừng neo,

Còn sức còn đi đứng chẳng nghèo.

Nghe chuyện dâm thần tai mắt thính,

Nhìn tranh Tố Nữ nhãn không nheo.

Hơn thua trối kệ Âu đùa Á

Xô xát làm chi chó giỡn mèo.

Mừng tuổi cửu tuần xâu chuỗi hạt,

Trăm năm tròn tối đếm ngày đeo.

KHI CỤ VƯƠNG HỒNG SỂN… CÃI

Không chỉ "nói lái", thỉnh thoảng ta lại thấy cụ Sển "cãi" những điều mà lâu nay ít ai để ý đến. Trong di cảo Tạp lục 89/90, cụ có bàn về hai câu thơ trong Lục Vân Tiên của cụ Đồ Chiểu. Hiện nay, các bản in đều ghi rành rành:

Hỡi ai lẳng lặng mà nghe

Dữ răn việc trước, lành dè thân sau

Tuy nhiên theo cụ, câu này phải là "Giữ răn việc trước, lánh dè thân sau" với lập luận: "Chớ quên kể về nhạc điệu "lành dè thân sau" bốn chữ bình ai có đọc, hát bể cuống họng, và chúng tôi trong này quen nghe "giữ răn" và "lánh dè" và nhớ lại nếu ai biết điệu đờn cò, cầm cây rung, thọc dài tới trước, được chữ "lánh" và kéo trịch lại được chữ "dè", nó khỏe ru bà rù, mà bất ngờ lại được một khúc nhạc vừa êm tai, vừa khỏe giọng và không gò bó".

Ý kiến này chắc chắn sẽ có người cãi lại, vì xét theo phép đối xứng thì "dữ" đối với "lành", "trước" đối với "sau" mới hợp lý. Văn hay chữ tốt, học thức uyên thâm, kiến thức sâu rộng như cụ Đồ ắt thừa biết điều này, chứ làm gì có chuyện dùng từ "giữ" và "lánh"? Ban đầu tôi cũng nghĩ là thế, nhưng muốn nói gì thì cũng phải căn cứ vào văn bản của tác phẩm này đã được in sớm nhất.

Với suy nghĩ này, tôi tìm lại quyển Les poèmes de l'annam - Lục Vân Tiên ca diễn do Abel des Michels in tại Pháp năm 1883, là bản in đầu tiên ngay lúc cụ Đồ còn sống, trang 27 ghi câu thơ này đúng như cụ Sển vừa phân tích: "Giữ răn việc trước, lánh dè thân sau". Rồi những bản in ở miền Nam nửa đầu thế kỷ 20 cũng in như vậy.

Với nhân vật trong Lục Vân Tiên, năm 1919 tại Sài Gòn có in bản thơ Bùi Kiệm dặm của tác giả Nguyễn Văn Tròn. Theo cụ Sển, thể loại này nếu viết đúng chính tả phải là "giặm". Ở đây, cụ ghi lại lời kể của ông "Nguyễn Văn Thêu, sanh ở cầu Rạch Bần, nay đường Cô Bắc" vào năm 1926, là người hát giặm kiếm cơm độ nhật. Người này cho biết khi ca Bùi Kiệm dặm: "Riêng tôi thấy trong bản có nhiều câu trặc họng, khó ngâm cho êm tai êm giọng, nên tôi có giặm, có chêm vào nhiều chữ do tôi chế biến thêm, bồi bổ thêm cho hợp với giọng phù trầm của câu hát, tôi bất chấp luật lệ văn chương, tôi chỉ biết hát ca theo tấm lòng bình dân của tôi… Tỷ dụ câu đầu: "Thốt thôi anh Bùi Kiệm bước vào nhà", đúng ra nguyên văn chỉ có 6 chữ "Thốt thôi Bùi Kiệm vào nhà" và chêm thêm tiếng "anh" và tiếng "bước" thì đã là "giặm" rồi".

Từ giải thích này, cụ Sển kết luận: "Giặm, tôi hiểu là "thêm mắm thêm muối" cho món ăn được thêm đậm đà, mặn mòi, vừa khẩu, hợp miệng". Cách giải thích này, về "nghiên cứu học thuật" liệu có đúng? Khi đọc Hát giặm Nghệ Tĩnh (2 tập, NXB Khoa học Xã hội, 1963), ta thấy đồng tác giả là GS Nguyễn Đổng Chi, nhà nghiên cứu Ninh Viết cũng khẳng định "hát giặm", chứ không phải "hát dặm" và lý giải tương tự cách hiểu trên:

"Tiếng "giặm" có nghĩa là đem vào một vật gì thêm vào, điền vào, đệm vào, chắp vào một cái gì còn khuyết, vào một nơi nào đó còn có thể chứa được… Thường trong khi đặt một bài hát, người ta bắt buộc phải xen vào "câu láy" (hay "câu điệp"), vì thế mà gọi là "hát giặm".

Cách hiểu thứ hai lại xuất phát từ chỗ "hát giặm" thường phải chắp vần. Thường trong lối hát đối đáp, chữ vần của câu đầu bài phải chắp cùng vần với câu cuối của bài hỏi. Ví dụ: Hỏi: "Tui hỏi mự mấy lời/Xin mự tường cho tỏ". Đáp: "Lời cậu vừa nói đó/Xui dạ thiếp âu sầu". Việc chắp vần hay hát chắp vào vần ấy tức là giặm, cũng gọi là "bắt xắp". Bởi vậy, "hát giặm" cũng có nơi gọi là "hát xắp" (hay hát luồn) như một số người gần đây quen gọi" (tr.14-15).

(còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.