Thương mại điện tử là 'trận địa mới' để bắt hàng giả, hàng lậu

15/11/2023 21:05 GMT+7

Hàng giả, hàng lậu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không còn bày bán công khai như trước đây mà chuyển qua các sàn thương mại điện tử, kinh doanh online trên mạng xã hội. Lực lượng quản lý thị trường xác định đây là "trận địa mới" để tập trung lực lượng đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm.

Phát biểu tại Hội thảo nâng cao năng lực phòng, chống và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử do Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) tổ chức ngày 15.11, tại Hà Nội, thượng tá Phạm Công Hải, Phó trưởng phòng 4 (Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - A05, Bộ Công an), cho biết trên không gian mạng hiện nay xuất hiện nhiều đối tượng bán hàng giả, thậm chí có cả những mặt hàng bị cấm buôn bán, kinh doanh.

Thương mại điện tử là 'trận địa mới' để bắt hàng giả, hàng lậu - Ảnh 1.

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, khẳng định chống hàng giả, hàng lậu trong thương mại điện tử sẽ là nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng quản lý thị trường những năm tới

HOÀNG HÒA

Trong đó, tình trạng buôn bán dược phẩm, thực phẩm chức năng tràn lan, không kiểm soát được. Các đối tượng quảng cáo thực phẩm chức năng, dược phẩm không rõ nguồn gốc có chức năng chữa được nhiều bệnh, kể cả ung thư. Tinh vi hơn, những đối tượng này lấy hình ảnh của các bệnh viện, bác sĩ uy tín, thậm chí thuê cả diễn viên, bác sĩ để quảng cáo.

Cũng theo thượng tá Phạm Công Hải, tình trạng quảng cáo, mua bán bóng cười, nước vui, cần sa, ma túy qua không gian mạng đã xuất hiện, có dấu hiệu gia tăng. 

"Qua rà soát trên mạng, A05 bước đầu phát hiện một số đối tượng thành lập nhóm kín chuyên trao đổi mua bán ma túy với phương thức, thủ đoạn là tạo các tài khoản ảo trên mạng xã hội Facebook, Telegram, Zalo để quảng cáo, rao bán các chất ma túy", thượng tá Hải nói.

Tổng cục Quản lý thị trường ghi nhận, trong 10 tháng năm nay, vấn nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội tiếp tục gia tăng, diễn biến rất phức tạp.

Các loại hàng giả, hàng lậu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không còn bày bán công khai như trước đây; sau khi đưa qua biên giới đều được phân phối, rao bán qua sàn thương mại điện tử, mạng xã hội và vận chuyển đến người tiêu dùng thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh.

Thời gian gần đây, nhiều chủ thể nhãn hiệu lớn ở các nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ý… liên tục phản ánh, làm việc trực tiếp với Tổng cục Quản lý thị trường đề xuất phương án hợp tác để phòng, chống, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trên các nền tảng thương mại điện tử.

"Chúng tôi đã có chuẩn bị về nội dung, lực lượng và coi thương mại điện tử là một trận địa mới để chủ động đấu tranh, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm. Chống hàng giả, hàng lậu trong thương mại điện tử sẽ là nhiệm vụ chủ chốt của lực lượng quản lý thị trường trong 3 - 5 năm tới. Nếu không làm tốt việc kiểm soát thì môi trường online sẽ không lành mạnh; đây sẽ là nơi tích trữ, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng lậu", ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.