Thương hiệu phương Tây mắc vạ vì xung đột Hamas-Israel

Thương hiệu phương Tây mắc vạ vì xung đột Hamas-Israel

La Vi
La Vi
05/12/2023 09:25 GMT+7

Các thương hiệu phương Tây đang cảm nhận được tác động của chiến dịch tẩy chay ở Ai Cập và Jordan liên quan đến xung đột Hamas-Israel.

Cửa hàng McDonald's ở Giza (Ai Cập) có rất ít khách hàng trong những tuần gần đây. Vào đầu tháng 11, nhà hàng dường như vắng tanh.

Chuỗi thức ăn nhanh này đã bị người dân địa phương tẩy chay vì cuộc tấn công của Israel vào Gaza kể từ ngày 7.10.

Chiến dịch tẩy chay đã nhắm vào các thương hiệu phương Tây ở các nước Ả Rập vì có quan điểm ủng hộ Israel và các mối quan hệ tài chính.

Trên cửa sổ có một tấm biển viết rằng doanh nghiệp nhượng quyền này và nhân viên của họ ủng hộ người Palestine, nhưng điều đó cũng không thể làm thay đổi tình hình.

Cư dân Cairo Ahmed Ezzat cho biết : "Điều cơ bản đối với chúng tôi, với tư cách là những người ủng hộ những người anh em Palestine của chúng tôi, ít nhất là ngừng mua các sản phẩm giúp Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái đang giết hại những người anh em Palestine của chúng tôi ở Gaza".

Một số nước Ả Rập mở chiến dịch tẩy chay thương hiệu phương Tây - Ảnh 1.

Cửa hàng McDonald's ở Giza (Ai Cập) vắng tanh trong những ngày gần đây

REUTERS

McDonald's cho biết họ thất vọng trước thông tin sai lệch về quan điểm của mình đối với cuộc xung đột. Các cửa hàng nhượng quyền thương mại của McDonald's ở Ai Cập đã cam kết viện trợ 650.000 USD cho Gaza.

Một nhân viên tại văn phòng công ty McDonald's ở Ai Cập cho biết doanh số bán hàng tại cửa hàng nhượng quyền này đã giảm ít nhất 70% trong tháng 10 và tháng 11, so với cùng kỳ năm ngoái.

Starbucks cũng là mục tiêu trong chiến dịch tẩy chay, mặc dù thương hiệu này cho biết mình là một tổ chức phi chính trị.

Một nhà cung cấp người Ai Cập cho Starbucks và McDonald's cho biết ông nhận thấy nhu cầu của khách hàng đã chậm lại khoảng 50%.

Ngay cả các doanh nghiệp nhỏ hơn cũng đang cảm thấy khó khăn.

Chủ ki-ốt Issam Abu Shalaby cho biết khách hàng đang muốn mua nước giải khát của Ai Cập thay vì sản phẩm từ Israel hoặc Mỹ.

Anh nói: “Tôi thấy điều đó rất sai lầm. Uống hay không uống thứ gì đó có nghĩa lý gì chứ?"

Anh Shalaby nói nếu mọi người thực sự muốn ủng hộ người Palestine thì nên chiến đấu bên cạnh họ.

Nhưng Hassam Mahmoud - thành viên phong trào tẩy chay, thoái vốn và trừng phạt của Ai Cập - nói rằng chiến dịch này khiến mọi người cảm thấy như thể họ đang tạo ra tác động và thật sự gây thiệt hại cho các công ty.

Một siêu thị ở Cairo cho biết doanh số bán hàng của họ tăng lên nhờ thay thế các sản phẩm bị tẩy chay bằng sản phẩm địa phương.

Tại Jordan, cửa hàng tạp hóa này treo biển cảnh báo khách hàng đây là sản phẩm bị tẩy chay.

Một khách hàng cho biết nếu lấy nhầm sản phẩm bị tẩy chay, chị sẽ trả lại ngay lập tức.

Tuy nhiên, một số người vẫn hoài nghi về hiệu quả của chiến dịch.

Việc tiếp nhận cũng không đồng đều và không có tác động lớn ở một số quốc gia bao gồm Ả Rập Xê Út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Tunisia.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.