Thủ tướng: 'Chúng tôi sẵn sàng đón các doanh nghiệp Nhật, nồng hậu, hai bên cùng thắng'

Mai Hà
Mai Hà
15/12/2023 18:34 GMT+7

Chiều 15.12 giờ địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự tọa đàm với thống đốc và các doanh nghiệp hàng đầu tỉnh Gunma (Nhật Bản).

Chia sẻ với Thủ tướng, ông Hiromasa Tsuchiya, CEO Tập đoàn Cainz - một trong những doanh nghiệp chuyên về đồ nội thất lớn nhất Nhật Bản, cho biết doanh nghiệp có gần 300 cửa hàng tại Nhật, doanh thu 3,5 tỉ yen. 

Doanh nghiệp Nhật mời Thủ tướng thưởng thức bánh bạch tuộc takoyaki - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ các doanh nghiệp Nhật Bản tại tỉnh Gunma

NHẬT BẮC

Công ty đang nhắm vào đầu tư tại thị trường Trung Quốc và lập chi nhánh tại Thượng Hải (Trung Quốc), nơi nhập sản phẩm là Việt Nam (TP.HCM). Ông Hiromasa Tsuchiya cho biết, Cainz mong muốn được tăng cường đầu tư và nhắm vào thị trường Việt Nam.

Còn theo ông Morio Sase, Giám đốc Công ty Hotland Co.Ltd (doanh nghiệp có chuỗi hàng chuyên về bánh bạch tuộc Takoyaki, đã đầu tư tại nhiều cửa hàng tại Đông Nam Á song chưa có cơ sở tại Việt Nam - PV), hiện có 150 người Việt đang làm việc tại Hotland. Doanh nghiệp thường tổ chức các buổi tiệc giao lưu, người lao động thích được leo núi ngắm Phú Sĩ, ngắm hoa anh đào, thích uống bia, karaoke, rất vui vẻ.

Tại buổi tọa đàm còn có lãnh đạo Công ty Yamada Holdings - một trong những doanh nghiệp đồ điện lớn nhất tại Nhật, có công ty con tại Việt Nam; Ngân hàng Gunma có chi nhánh tại TP.HCM; Công ty Subaru - một trong những hãng xe lớn xuất khẩu vào thị trường Mỹ, có 10 công ty cung ứng vật tư tại Việt Nam; Công ty Taiyo Yuden Co. Ltd chuyên sản xuất tụ điện, chiếm thị phần thứ 3 trên thế giới.

Hoan nghênh các doanh nghiệp tỉnh Gunma trong nhiều lĩnh vực như sản xuất, dịch vụ ăn uống, giải trí, ô tô… đầu tư vào Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định các bộ, ngành, địa phương Việt Nam sẽ hỗ trợ tích cực.

Doanh nghiệp Nhật mời Thủ tướng thưởng thức bánh bạch tuộc takoyaki - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định sẵn sàng chào đón các doanh nghiệp Nhật Bản

NHẬT BẮC

Trước đề xuất của một doanh nghiệp chuyên về karaoke tại Gunma, Thủ tướng cho biết, nếu có sự đầu tư vào Việt Nam sẽ tăng cường giao lưu, phát triển và bổ sung cho nhau. Việt Nam từng phát triển "nóng" về lĩnh vực karaoke. Người Việt Nam sau những ngày lao động, học tập mệt mỏi thường tụ tập giao lưu xả stress.

Dịch vụ karaoke tại Việt Nam phần lớn du nhập từ các nước Đông Nam Á, chưa có sự hiện diện của doanh nghiệp Nhật trong lĩnh vực này.

Cho biết công nghiệp ô tô, điện gia dụng Nhật Bản nổi tiếng, Thủ tướng bày tỏ mong muốn các sản phẩm Nhật Bản được chuyển giao công nghệ, sử dụng lao động, nguyên liệu tại Việt Nam.

Theo người đứng đầu Chính phủ, quan hệ hai nước sau 50 năm đã nâng cấp lên đối tác chiến lược toàn diện, môi trường chính trị, ngoại giao rất tốt, ngày càng đoàn kết, gắn bó. 

Gunma là vùng đất địa linh nhân kiệt, địa hình đặc biệt xung quanh là núi, gần thủ đô Tokyo (Nhật Bản). Trong quá trình phát triển, tỉnh đã thu được nhiều kết quả quan trọng về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, “vào nhà máy không thấy công nhân, tức tính tự động hóa rất cao”.

Thủ tướng bày tỏ ấn tượng các doanh nghiệp của tỉnh Gunma chọn cách đi, phát triển độc đáo và có thể bổ sung cho Việt Nam, kể cả hoạt động, dịch vụ trong lĩnh vực giải trí. “Chúng tôi sẵn sàng đón các bạn, tin cậy, nồng hậu, hai bên cùng thắng lợi, trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, Thủ tướng nêu.

Doanh nghiệp Nhật mời Thủ tướng thưởng thức bánh bạch tuộc takoyaki - Ảnh 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ tại buổi giao lưu với các doanh nghiệp chiều 15.12

NHẬT BẮC

Về phía Việt Nam, trong 11 tháng năm nay, Việt Nam đã thu hút được gần 30 tỉ USD vốn FDI, tăng 15% so với năm 2022; giải ngân được 20 tỉ USD, tập trung nhiều vào chế biến, chế tạo, chuyển đổi xanh.

Kêu gọi doanh nghiệp Nhật đầu tư đường sắt cao tốc

Chia sẻ cách Việt Nam hỗ trợ doanh nghiệp, Thủ tướng nói Việt Nam đang tiến hành 3 đột phá chiến lược. Theo đó, đột phá về thể chế để hướng tới thị trường, cạnh tranh, giảm can thiệp hành chính. Với đột phá về hạ tầng, hiện chi phí logistics chiếm khoảng 17% GDP, giá cao nên cần tập trung vào hạ tầng giao thông để giảm chi phí, giúp giảm đầu vào và giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh sản phẩm. Và cuối cùng là đột phá về nhân lực chất lượng cao.

Theo Thủ tướng, khi làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài, phần lớn đều quan tâm tới hạ tầng, nhân lực của Việt Nam. “Đây là 2 điểm hạn chế mà chúng tôi cần nỗ lực tập trung để các doanh nghiệp đến đầu tư thuận lợi hơn”, Thủ tướng nêu.

Về lĩnh vực ngân hàng, hiện nay, nhiều ngân hàng lớn của Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam, có ngân hàng đầu tư hơn 1 tỉ USD. Việt Nam cũng đề nghị khi vào đầu tư phải tham gia cơ cấu các ngân hàng yếu kém. Thủ tướng cho biết từng tạm dừng một chuyến công tác để làm việc với một ngân hàng Nhật Bản và thương vụ này đã thành công.

Doanh nghiệp Nhật mời Thủ tướng thưởng thức bánh bạch tuộc takoyaki - Ảnh 4.

Thống đốc tỉnh Gunma Ichita Yamamoto giới thiệu các nét đặc sắc trong giao lưu giữa Gunma và Việt Nam

NHẬT BẮC

“Các doanh nghiệp Nhật Bản có đặc điểm nghiên cứu rất kỹ, nhưng khi vào triển khai rất nhanh. Chúng tôi mong muốn các bạn vào đầu tư, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp cũng như thắt chặt quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước. Tôi may mắn gặp nhiều đời Thủ tướng Nhật Bản, mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác hai nước đi vào cụ thể”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Đơn cử như trong lĩnh vực đường sắt cao tốc, Nhật Bản có kinh nghiệm, địa hình Việt Nam tương đồng như địa hình Nhật Bản, Việt Nam mong muốn có nghiên cứu hợp tác. Thủ tướng cũng đề nghị Thống đốc tỉnh Gunma sẽ dẫn thêm nhiều đoàn doanh nghiệp nữa đến Việt Nam, năm 2023 dẫn 30 doanh nghiệp rồi thì năm tới 45 - 50 doanh nghiệp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.