Thu phí tham quan phố cổ có khả thi?

Mạnh Cường
Mạnh Cường
05/04/2023 04:11 GMT+7

Kế hoạch buộc du khách phải mua vé khi vào tham quan phố cổ Hội An (thay vì chỉ mua vé tham quan các điểm di tích như trước đó) đang gây ra nhiều luồng dư luận khác nhau.

UBND TP.Hội An (Quảng Nam) vừa ban hành phương án về việc tăng cường công tác quản lý hoạt động hướng dẫn tham quan khu phố cổ Hội An. Theo đó, từ ngày 15.5, du khách phải mua vé tham quan tại các quầy vé trước khi vào khu phố cổ. Vé vẫn giữ nguyên mệnh giá hiện hành (120.000 đồng/vé dành cho khách quốc tế, 80.000 đồng/vé dành cho khách nội địa). Thời gian bán vé từ 7 giờ 30 đến 21 giờ 30 vào mùa hè và đến 21 giờ vào mùa đông.

Thu phí tham quan phố cổ có khả thi? - Ảnh 1.

Du khách tham quan phố cổ Hội An

Phương An

Để kiểm soát thu phí, sẽ có 2 lối đi riêng tại các đường chính vào khu phố cổ, dành cho người dân địa phương và cho du khách. Hội An cũng sẽ bổ sung, mở rộng không gian đề án "Phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ" cho tuyến đường Phan Chu Trinh. Phố đi bộ và xe không động cơ cũng sẽ thực hiện xuyên suốt từ 9 - 21 giờ 30 hằng ngày vào mùa hè và đến 21 giờ vào mùa đông (thay vì tạm dừng trong khung 11 - 15 giờ như hiện nay).

Chủ tịch thành phố Hội An: ‘Thu tiền vé là để đảm bảo công bằng cho tất cả du khách’

KHÔNG "NGĂN SÔNG CẤM CHỢ"?

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Lanh, Phó chủ tịch UBND TP.Hội An, cho biết từ năm 1995 đến nay, phương án phát hành vé tham quan chung cho cả "vùng lõi" khu phố cổ Hội An (khu vực 1) đã nhiều lần thay đổi, cải tiến phương thức. Phương án này được UNESCO châu Á - Thái Bình Dương đánh giá cao, cho đây là "mô hình mang nhiều ưu điểm" vì quản lý được nguồn vé, tránh tiêu cực xảy ra tại điểm di tích, kiểm soát số lượng khách tham quan. Với giá 120.000 đồng/vé dành cho khách quốc tế và 80.000 đồng/vé dành cho khách nội địa, mỗi du khách có một ô vé chung để tham quan cảnh quan không gian khu phố cổ, được tham quan và trải nghiệm lối sống của người Hội An với những sinh hoạt hằng ngày, những trò chơi dân gian, xem biểu diễn nghệ thuật cổ truyền trên mỗi góc phố suốt từ 7 - 22 giờ... Du khách cũng tự chọn cho mình điểm đến thuộc nhiều loại hình di tích trong 22 điểm tham quan tiêu biểu. Đối với khách nước ngoài, ô vé tự chọn từ 6 điểm, khách VN là 3 điểm.

Thu phí tham quan phố cổ có khả thi? - Ảnh 2.

Hội An dự kiến thu phí 120.000 đồng/vé dành cho khách quốc tế và 80.000 đồng/vé dành cho khách nội địa

Phương Nguyễn

Ngoài ra, TP.Hội An cũng có một số ưu đãi như khách tham quan đi theo đoàn do các đơn vị lữ hành, doanh nghiệp du lịch tổ chức thì có cơ chế miễn giảm. Một số ưu đãi "ngoại lệ" khác: Khách có chương trình tham quan và lưu trú tại Hội An vài ba ngày, tấm vé tham quan sẽ không chỉ bó hẹp trong 24 giờ mà có giá trị trong suốt thời gian lưu trú.

Theo ông Lanh, thực chất vé tham quan không phải dành cho toàn bộ phố cổ Hội An, mà chỉ giới hạn trong khu vực 1 của khu phố cổ, tức "vùng lõi" rộng 4 km2 với đậm đặc mật độ di tích kiến trúc nghệ thuật, công trình tín ngưỡng, dân dụng. "Quần thể di tích kiến trúc khu phố cổ Hội An được xem như một "bảo tàng sống" về kiến trúc, về lối sống đô thị. Do vậy, mọi vấn đề hành xử với phố cổ mấy chục năm qua đều được đặt trong tầm nhìn tổng thể và cân nhắc vô cùng kỹ lưỡng trên tất cả các lĩnh vực", ông Lanh khẳng định.

Travel blogger Đinh Hằng: 'Thu phí vào Hội An sẽ khiến khách du lịch quay lưng'

Có một thực tế, lượng khách vào phố cổ Hội An nhưng không mua vé khiến khu di sản này quá tải. Trong số đó, nhiều du khách chỉ "cưỡi ngựa xem hoa" rồi đùa giỡn, xả rác, gây mất trật tự. "Việc kiểm soát vé là giữ lại những dòng khách đàng hoàng cho một điểm đến thân thiện, để du lịch Hội An bài bản, công bằng và bình đẳng hơn với tất cả du khách", ông Lanh chia sẻ.

Theo thống kê, sau đại dịch Covid-19, từ tháng 3.2022 đến nay, du lịch Hội An phục hồi rất nhanh, có giai đoạn thậm chí "vỡ trận". Số liệu ghi nhận từ các bãi giữ xe năm 2022 cho thấy, tổng lượt khách vào phố cổ hơn 1 triệu lượt khách, nhưng chỉ có 300.000 khách mua vé.

Cho dù địa phương giải thích việc mua vé tham quan chỉ áp dụng ở khu vực 1, nhưng kế hoạch này vẫn tạo ra nhiều luồng thông tin trái chiều. Trên các trang mạng xã hội, có người ủng hộ vì cho đây là "công cụ" để kiểm soát bớt tình trạng quá tải hiện nay, nhưng có người không đồng tình vì cho rằng lợi bất cập hại, "tận thu".

Anh Nguyễn Huy Hoàn (32 tuổi, một du khách đến từ Hà Nội) cho hay việc buộc mua vé vào phố cổ là tạo sự công bằng cho tất cả du khách, nhưng sẽ không ai chịu vào phố cổ Hội An để sáng ăn một ổ bánh mì, chiều uống ly cà phê, tối đi dạo phố ngắm đèn lồng, nhà cổ mà mất 3 lần mua vé cả. "Nếu TP.Hội An buộc tất cả du khách phải mua vé vào phố cổ thì sẽ mất nhiều hơn được, kéo theo đó lượng du khách đến Hội An sẽ giảm dần", anh Hoàn nói.

CẤP "CĂN CƯỚC PHỐ CỔ" CHO NGƯỜI DÂN

Bà Nguyễn Thị Thu (58 tuổi, ở xã Cẩm Thanh, TP.Hội An) ủng hộ chủ trương phải mua vé, nhưng vẫn lo ngại có xáo trộn. "Vậy thì ai muốn vào thăm người thân bị ốm, đám tang… cũng phải mất tiền mua vé hay sao?", bà Thu đặt câu hỏi.

Ông Trần Văn Khoa, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Jack Tran Tours, đề xuất nên áp dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt, khi mọi người đến điểm soát vé thì chỉ cần máy quét tự động thì sẽ nhận dạng được đâu là người dân Hội An, đâu là du khách.

Trước băn khoăn của nhiều người, đại diện lãnh đạo TP.Hội An cho rằng sẽ có phương án 2 làn lưu thông tại điểm soát vé trước khi vào phố cổ. Trước đây, du khách và người dân địa phương đều đi chung nên rất khó kiểm soát vé, gây phiền hà cho khách và mất an toàn. Bây giờ sẽ tách ra thành 2 làn, một dành cho người dân, một dành riêng cho du khách. Người dân địa phương cứ ra vào thoải mái, không ai kiểm soát, cũng không phải mua vé; riêng làn của du khách thì phải soát vé. "Từ nay đến ngày 15.5, thành phố sẽ làm từng bước. Trước hết, tập hợp các nội dung để họp với các đơn vị lữ hành, lắng nghe ý kiến của họ. Sau đó, Hội An sẽ họp bàn với người dân để lấy ý kiến, để họ hiến kế, tư vấn thêm cho chính quyền vì người dân là chủ nhân của di sản", ông Lanh nói.

Nhưng làm sao phân biệt đâu là dân phố cổ, đâu là người "có lý do chính đáng", đâu là du khách? Theo lãnh đạo TP.Hội An, nếu là người phố cổ Hội An thì nhân viên kiểm soát vé sẽ biết. Với người ở địa phương khác đến mà chưa mua vé, nhân viên soát vé sẽ hỏi đi đâu, mục đích gì; nếu tham quan thì sẽ nhắc nhở họ mua vé để phục vụ tốt hơn. Riêng đối với người thăm đau, tác nghiệp, nghiên cứu… thì ra vào bình thường, không yêu cầu mua vé. "Để phân biệt người dân phố cổ và du khách, sắp tới địa phương sẽ tiến tới quét mã, cấp căn cước phố cổ (thẻ riêng) cho người dân", ông Lanh nói thêm.

Ông Nguyễn Sơn Thủy, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, cho rằng mức phí hiện chưa tương xứng với giá trị của một di sản. Ở nhiều nơi khác, mức phí tham quan còn cao hơn và đa phần khách quốc tế ủng hộ, sẵn lòng đóng góp cho di sản. Về kế hoạch bắt buộc mua vé khi vào tham quan phố cổ Hội An, ông Thủy cho rằng vấn đề là cách TP.Hội An sẽ ứng xử, tổ chức thu phí thế nào để đảm bảo công bằng; nhất là công khai, minh bạch cho du khách thấy số tiền mình đóng góp đã quay lại với công tác bảo tồn di tích ra sao.

Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam, cho hay hiện nay Sở vẫn chưa nhận được phương án về việc tăng cường công tác quản lý hoạt động hướng dẫn tham quan khu phố cổ Hội An. Tuy nhiên, liên quan đến thu phí, lệ phí, vé tham quan… và quản lý, bảo tồn, trùng tu, phát huy các giá trị đô thị cổ Hội An thì tỉnh Quảng Nam đã phân cấp cho TP.Hội An. "Việc bán vé phải thực hiện theo đúng các quy định hiện hành của pháp luật", ông Hồng nói.

Thu phí ở Khu du lịch quốc gia Núi Sam cũng bị phản ứng

Khu du lịch (KDL) quốc gia Núi Sam (TP.Châu Đốc, An Giang) có diện tích gần 1.487 ha, là khu du lịch tâm linh nổi tiếng với Miếu Bà Chúa xứ Núi Sam, lăng Thoại Ngọc Hầu… Mỗi năm, nơi đây đón khoảng 4 triệu lượt khách du lịch, là nguồn thu lớn cho địa phương và động lực trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh An Giang.

Từ năm 2006 đến nay, du khách đến KDL quốc gia Núi Sam và Miếu Bà Chúa xứ Núi Sam để hành hương, cúng lễ phải mua vé tham quan với giá 20.000 đồng/người/vé.

Hiện nay, việc tổ chức thu phí, vị trí đặt trạm thu phí do Ban Quản lý KDL quốc gia Núi Sam triển khai. Thế nhưng, 3 trạm thu phí của đơn vị này đều được bố trí tại 3 tuyến chính đường vào Miếu Bà Chúa xứ, bất chấp từ trước đến nay xung quanh Núi Sam có hàng trăm hộ dân, doanh nghiệp và hàng ngàn gia đình sinh sống, làm ăn. Khi người dân phản ứng cho rằng chỉ đi ngang qua KDL quốc gia Núi Sam để vào nhà người thân hoặc vào thăm người thân quanh Núi Sam thì nhân viên Ban quản lý KDL Quốc gia Núi Sam thường tỏ vẻ khó chịu.

Anh Nguyễn Thanh Tài (39 tuổi, tài xế xe 16 chỗ), chở khách du lịch từ H.Cai Lậy (Tiền Giang) đến vía Bà Chúa xứ Núi Sam, cho biết: "Đến Châu Đốc chủ yếu là thắp hương cho Bà để cầu nguyện, nhưng muốn vô miếu Bà phải tốn 20.000 đồng/người. Tôi thấy bỏ thu phí sẽ hay hơn". Anh Nguyễn Trung Nhân (ngụ Q.8, TP.HCM) nêu quan điểm: "Cách dựng rào chắn chặn xe thu phí vừa phản cảm, vừa bất tiện, vì lái xe phải xuống xe mua vé, vừa trả tiền xong thì cũng nhân viên khác đứng ngay quầy vé xé luôn vé mới mua để kiểm soát!".

Tiến sĩ Ngô Quang Láng, nguyên Phó giám đốc Sở VH-TT-DL An Giang, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh An Giang, cho rằng Miếu Bà Chúa xứ Núi Sam là điểm hành hương tâm linh nổi tiếng với nghi thức thờ mẫu dân gian, mà đã là tín ngưỡng dân gian thì cần tạo điều kiện tốt nhất cho nhân dân đến đây. Việc thu phí tham quan tất cả những người đi ngang qua là kiểu "gạn chài bắt cá" cần xem xét lại.

Ngày 20.12.2022, Ban thường vụ Tỉnh ủy An Giang đã có thông báo kết luận về phương án thu phí tham quan tại KDL quốc gia Núi Sam. Theo đó, Tỉnh ủy giao UBND tỉnh An Giang phối hợp TP.Châu Đốc bố trí trạm thu phí bảo đảm khoa học, hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng hoạt động đi lại của người dân. UBND tỉnh An Giang đã có văn bản đề nghị Sở VH-TT-DL chủ trì với các sở, ngành về việc xây dựng Đề án quản lý và sử dụng nguồn thu phí tham quan KDL quốc gia Núi Sam để tham mưu tỉnh trình HĐND tỉnh An Giang.

 Trần Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.