Thu hút đầu tư xanh: Lọc công nghệ thay vì lọc ngành

06/12/2023 07:29 GMT+7

Thu hút đầu tư xanh là lọc ngành hay giảm phát thải hay giải pháp gì khác… trở thành vấn đề được mổ xẻ tại hội thảo do Báo Thanh Niên tổ chức hôm qua (5.12).

Không thể loại bỏ ngành có dấu hiệu ô nhiễm

Phát biểu dẫn đề, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh Niên, thông tin thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN) trong đó chủ yếu là DN nước ngoài phản ánh đến Báo Thanh Niên rằng gặp khó khăn khi làm thủ tục đầu tư vào VN. Nguyên nhân là do lãnh đạo một số địa phương có tâm lý nghe thấy ngành nào "có vẻ ô nhiễm" là không mặn mà, thậm chí gạt đi. Trong khi đó, nhiều nghiên cứu cho thấy hầu hết các ngành chủ lực của chúng ta như dệt may, nông nghiệp, vận chuyển, sản xuất và xây dựng... đều là những ngành công nghiệp gây ô nhiễm hàng đầu. Ngay cả các ngành mà chúng ta đang nỗ lực thu hút đầu tư và muốn trở thành cứ địa sản xuất của thế giới như công nghệ, công nghiệp bán dẫn... thì đầu vào của nó là xi mạ cũng gây ô nhiễm trầm trọng.

Thu hút đầu tư xanh: Lọc công nghệ thay vì lọc ngành - Ảnh 1.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh Niên phát biểu tại hội thảo

NHẬT THỊNH

Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn đặt vấn đề: "Vậy thì chúng ta ứng xử với các dự án trong các ngành này thế nào? Liệu chúng ta có tiếp tục thu hút đầu tư vào công nghiệp bán dẫn nữa hay không?". Từ đó, ông đặt câu hỏi, nếu chúng ta vẫn phải mặc quần áo hằng ngày, thay quần áo thường xuyên... thì việc từ chối dệt may, nhuộm vì ô nhiễm liệu có đúng không? Nếu con cái chúng ta vẫn dùng sách vở, ngành bao bì vẫn phải phục vụ đóng gói thực phẩm, lương thực, vật liệu... thì công nghiệp giấy có đáng bị tẩy chay?

'Xanh hóa không thể ngủ một đêm dậy là xanh ngay, cần lộ trình phù hợp!'

Ở chiều ngược lại, ngay cả các ngành chúng ta nghĩ là sạch nhất như trồng trọt, du lịch..., nếu không kiểm soát các vấn đề liên quan đến nó như vận tải, các loại thuốc hóa học, phân bón... cũng có thể gây ô nhiễm nặng nề. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt về thu hút đầu tư giữa các nước trong khu vực hiện nay, nếu không thống nhất quan điểm, không có một bộ tiêu chí cụ thể, không minh bạch trong thông tin thì rất có thể, sự cẩn trọng cũng như áp lực tăng trưởng xanh lại khiến chúng ta mất đi các dự án lớn vào các ngành quan trọng để phát triển đất nước.

"Nếu việc này xảy ra ở nhiều địa phương, liệu có hay không việc chúng ta phải lên một danh sách các ngành nghề không khuyến khích, thậm chí không cấp phép đầu tư vào VN để rõ ràng, minh bạch ngay từ đầu trong thu hút đầu tư nói chung", nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn băn khoăn.

Ông Đỗ Văn Sử, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), người vừa tham gia đoàn công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị thượng đỉnh hành động khí hậu thế giới (COP28), thừa nhận tăng trưởng xanh vẫn còn nhiều quan điểm trái chiều. Nên ứng xử như thế nào, phạm vi ở đâu, chiến lược phát triển như thế nào cho phù hợp là câu hỏi mà nhiều quốc gia đang đặt ra? Trong khi chúng ta vẫn phải ăn, mặc, tiêu dùng hằng ngày, vậy xanh hóa bằng cách nào để giảm khí thải nhưng không ảnh hưởng đến phát triển kinh tế?

Theo ông Sử, không thể loại trừ hết các ngành có dấu hiệu ô nhiễm mà chọn nâng cao công nghệ để giảm ô nhiễm và nâng hiệu quả khi chế biến, tinh lọc. Cần có quy trình của DN và nhà cung cấp dịch vụ cho DN. Siết ngay từ đầu vào từ nhà nước, nhà đầu tư, nhà cung cấp hạ tầng khu công nghiệp (KCN). Như thế, 3 "nhà" này cùng làm sẽ có quy trình rất chặt chẽ.

Nghe thấy sản xuất vật liệu cơ bản, hóa chất là xếp vào ô nhiễm ?

Chủ đầu tư KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3, bà Nguyễn Thị Thảo Nhi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ, nói thẳng: Khi đã xác định tăng trưởng xanh, phát triển bền vững thì tất cả các tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới đều hướng tới đáp ứng 17 tiêu chí mà LHQ đã đưa ra. Khi đó, chắc chắn DN sẽ đầu tư công nghệ máy móc hiện đại để kiểm soát khí thải. Chính vì vậy, các cơ quan quản lý phải định nghĩa lại phát triển xanh. Không thể chỉ nghe thấy DN sản xuất vật liệu cơ bản, hóa chất cơ bản là "auto" xếp vào ngành ô nhiễm. Bởi, có rất nhiều tập đoàn lớn trên thế giới sản xuất pin cho ô tô điện phải dùng nguyên liệu đầu vào từ quặng, nhưng họ đã bỏ ra số tiền rất lớn để đầu tư công nghệ cao với quy trình chặt chẽ.

Thu hút đầu tư xanh: Lọc công nghệ thay vì lọc ngành - Ảnh 2.

Ông Đỗ Văn Sử, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, nêu ý kiến

NHẬT THỊNH

Bà Thảo Nhi nhấn mạnh: Câu chuyện kiểm soát phát triển xanh phải là sự phối hợp của 3 đơn vị: Nhà quản lý, các nhà đầu tư phát triển hạ tầng KCN và nhà đầu tư sản xuất trong KCN. Từ lợi thế địa phương, cơ quan quản lý xác định phát triển ngành nghề gì, kêu gọi ngành nghề gì từ đó đặt ra mục tiêu giảm phát thải. Nhà đầu tư phát triển KCN là cánh tay nối dài của nhà nước, đưa những quy chế để yêu cầu các nhà đầu tư vào sản xuất cùng thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh. Ví dụ, dù được thành lập từ cách đây 10 năm, nhưng KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 đã đầu tư rất lớn, đáp ứng hết tất cả tiêu chí khu đô thị sinh thái, KCN xanh, kinh tế tuần hoàn...

Đồng quan điểm, ông Lê Anh, Giám đốc Phát triển bền vững Công ty Nhựa tái chế Duy Tân (Duy Tan Recycling), cho rằng tái chế là ngành được khuyến khích và từ cộng đồng tới chủ trương của nhà nước rất hoan nghênh, rất được khuyến khích. Tuy nhiên khi thực tế xuống các địa phương thì có tình trạng họ "không chào đón, thậm chí không cho vào và bảo là chưa có chủ trương, chưa có chính sách". Trong khi bản thân công ty đã được Bộ KH-CN cấp chứng nhận DN tái chế công nghệ cao. Nhà máy đảm bảo tiêu chí 3 không là không chất thải, không rác thải và không khí thải. Bên cạnh đó, việc tiếp cận khách hàng, thị trường cũng gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, ông hy vọng có sự đồng hành, hỗ trợ tốt hơn từ phía các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và đặc biệt là sự truyền thông của các cơ quan báo chí.

Chia sẻ thêm, ông Kasahara Masayuki, Trưởng đại diện Văn phòng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại TP.HCM, cho hay đơn vị này đang đang hỗ trợ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thực hiện dự án KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3. Để chuyển đổi thành công sang tăng trưởng xanh thì vấn đề quan trọng là phải gắn liền với lợi ích kinh tế. Phải đảm bảo lợi ích kinh tế trên nguyên tắc sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên, giảm tác động đến môi trường. Việc thực hiện cần phải dựa trên tình trạng thực tế hiện hữu và cải thiện nó theo hướng thân thiện với môi trường.

Tại Nhật Bản, từ năm 2021, chính phủ đã đưa ra chương trình và kế hoạch hành động, cùng với đó cơ chế khuyến khích người dân, cộng đồng DN tham gia. Nhà nước cần đưa ra ưu đãi về thuế và tài chính để tăng khả năng nghiên cứu và thương mại hóa. Bên cạnh đó, cần khuyến khích các DN đề ra các mục tiêu tăng trưởng xanh của riêng mình, công bố rộng rãi thông tin đó một cách minh bạch và chia sẻ dữ liệu đó với cộng đồng.

Không thể ngủ một đêm dậy là xanh ngay được

Tại hội thảo, TS Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhấn mạnh tăng trưởng xanh không phải là sự lựa chọn mà là vấn đề sống còn. Nhưng quá trình xanh hóa không thể ngay tắp lự, ngủ một đêm dậy hôm sau là xanh ngay. Quan trọng nhất là sự lựa chọn lộ trình thực hiện phù hợp. Nếu lộ trình sai thì mục tiêu tốt đẹp cũng không đạt được. Lộ trình phát triển xanh phải nằm trong chiến lược phát triển bền vững, cân đối hài hòa với việc sử dụng tài nguyên và giảm phát thải, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế.

"Chúng ta phải tránh được bẫy lọc ngành, thay vào đó là chú trọng công nghệ vì hệ thống kinh tế là một chuỗi giá trị mà chúng ta đang khuyến khích phát triển hệ sinh thái, công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời phải tránh cái bẫy xanh hóa ngay lập tức. Có lộ trình phù hợp để phát triển kinh tế xanh là bài toán của VN. Hiện vẫn có một số tỉnh thành lại không cho phép DN mở rộng dự án sản xuất dù họ đảm bảo các tiêu chuẩn như các nước phát triển. Hay thậm chí một số chỉ tiêu của bộ ngành đưa ra còn cao hơn cả các nước phát triển. Nhưng chúng ta vẫn phải đảm bảo năng lực cạnh tranh, chặt quá thì nhà đầu tư chạy sang nước khác", ông Lộc nhấn mạnh và đề nghị VN cần xây dựng chiến lược quốc gia phù hợp cho từng ngành, từng lĩnh vực và có sự phối hợp liên ngành.

Thu hút đầu tư xanh: Lọc công nghệ thay vì lọc ngành - Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Thảo Nhi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ, phát biểu

NHẬT THỊNH

Còn theo TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế VN, nước ta đang chuyển dịch mạnh mẽ, thay đổi cấu trúc phát triển, thay đổi cơ cấu ngành từ phát thải cao chuyển sang phát thải thấp, từ công nghệ cũ chuyển sang công nghệ cao, thậm chí không có phát thải. Đây là cơ hội có một không hai để VN bắt nhịp ngay với những công nghệ hàng đầu toàn cầu.

TS Trần Đình Thiên lưu ý lọc ngành đầu tư phải hiểu theo nghĩa rộng, không phải bỏ ngay lập tức mà phải có lộ trình, tính toán thu hẹp như thế nào. Chính sách cấu trúc ngành phải tạo ra được hệ thống, có lộ trình để giảm dần những cú sốc cho DN, nền kinh tế, cũng như đảm bảo việc làm của người lao động. Về mặt thể chế, tiêu chuẩn, tiêu chí là quan trọng hàng đầu. Phải có hệ thống quy chuẩn, tiêu chí thì tăng trưởng xanh mới vận hành được.

"Đây là thời đại "đi trước ăn to", chúng ta phải khuyến khích làm sao để người ta chấp nhận một chút rủi ro mà sẵn sàng hành động. Rủi ro về mặt hành chính tác động vào thị trường rất cao. Nếu kéo dài như vậy, nền kinh tế thị trường rất khó phát triển. Chuyển đổi xanh không còn là lựa chọn mà là con đường phải đi. Đã xác định như vậy thì tư duy về chính sách phải theo kịp, không thể băn khoăn mãi. Con đường đã chọn xong mà chính sách cứ băn khoăn thì không thể thành công", TS Trần Đình Thiên nói.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 của TP.HCM, cho rằng chúng ta chỉ có một con đường là kinh tế xanh, nhưng vấn đề trọng tâm hiện nay là giảm phát thải. Hội thảo đặt vấn đề lọc ngành hay giảm phát thải rất thực tế bởi do thiếu cơ chế chính sách cho mục tiêu hướng đến kinh tế xanh nên thấy ngành nào cũng loại ra hết là không được.

Ông nhấn mạnh: muốn DN làm gì thì nhà nước phải ban hành chính sách, hệ thống pháp luật. DN thấy chính sách đó có lợi thì họ làm, còn nếu chính sách rủi ro, không có lợi thì không ai làm. VN đi rất sớm về chủ trương kinh tế xanh, rất nhiều chương trình hành động nhưng lại thiếu chính sách. Tất cả những đề án về kinh tế xanh phải được luật hóa để tạo khuôn khổ, định hướng. Trên tinh thần như vậy, TP.HCM nhận thức rất rõ về kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn nên đang triển khai các vấn đề lớn như tập trung kinh tế xanh gắn với phát triển đô thị xanh; giảm phát thải trong lĩnh vực giao thông... Cái này phải có lộ trình chứ không thể làm nhanh được.

Dệt may, xi mạ… vẫn có chỗ ở Đồng Nai

Đồng Nai đang quy hoạch KCN theo ngành nghề và điều kiện tự nhiên cho thật sự phù hợp và bền vững. Chúng tôi vẫn có chỗ cho những ngành nghề nhạy cảm như dệt may, xi mạ…, nhưng cũng đi kèm theo những điều kiện với các dự án là phải phù hợp định hướng của tỉnh, phải có công nghệ tiên tiến, hàm lượng chất xám cao.

Dương Thị Xuân Nương (Phó trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai)

TP.HCM chỉ lọc công nghệ

Hiện nay quy hoạch đất KCX - KCN trên địa bàn TP còn ít, khoảng 6.000 ha, tỷ lệ lấp đầy là 82%, phần còn lại vướng về thủ tục pháp lý. Cũng vì quỹ đất còn lại khá hạn hẹp, nên chúng tôi muốn các dự án vào TP là những dự án có hàm lượng giá trị gia tăng cao, tỷ suất đầu tư cao. Vừa qua, lãnh đạo TP.HCM thống nhất ban hành đề án chuyển đổi các KCX - KCN từ đây đến 2030 và tầm nhìn đến 2041. Định hướng của thành phố giữ lại hết các KCX - KCN trên địa bàn tiếp tục đầu tư, không chuyển bất kỳ mét vuông đất công nghiệp nào thành đất khác. Thu hút công nghiệp ở tầm công nghệ cao, lĩnh vực công nghệ cao để tăng hàm lượng đầu tư. TP không lọc ngành mà là lọc công nghệ, giảm phát thải, tăng hiệu quả đầu tư thì mới phù hợp với xu thế đầu tư.

Ông Hứa Quốc Hưng (Trưởng ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM)

Áp dụng công nghệ giúp nhà máy giấy giảm 24.500 tấn CO2

Tại nhà máy KOA sản xuất giấy làm thùng carton, khi tái chế để biến giấy cũ thành thùng carton phải sử dụng nhiều nước, năng lượng và nhiên liệu. Đây là một trong những ngành được đánh giá dễ gây ô nhiễm môi trường, phát thải nhiều khí CO2. Chính vì vậy, công ty phải đưa ra nhiều giải pháp để giảm ô nhiễm, giảm phát thải. Đó là hạn chế hết mức tiêu thụ năng lượng, sử dụng công nghệ, dây chuyền hiện đại từ Nhật Bản. Nhà máy KOA cũng sử dụng khí gas làm nhiên liệu thay vì than. Việc này giúp giảm phát thải khí nhà kính rất lớn. Bên cạnh đó, lượng rác thải ra hằng năm của nhà máy khoảng 38.000 tấn, được tận dụng làm nguyên liệu để tận thu nhiệt. Nhiệt phát ra dùng để làm năng lượng cho quá trình sản xuất qua đó giảm phát thải khí nhà kính. Với giải pháp này hằng năm giúp giảm 24.500 tấn CO2 (tương đương) phát thải ra môi trường. Hiện lượng phát thải của nhà máy chỉ còn khoảng 100 tấn CO2.

Từ năm 2024 nhà máy sẽ sử dụng tấm pin năng lượng mặt trời để thay thế nguồn điện năng hiện tại. Đến năm 2030 không dùng khí gas mà dùng khí hydro.

Ông Shimada Takahiro (Tổng giám đốc Công ty Kraft of Asia Paperboard & Packaging)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.