Một số địa phương nghe thấy ngành nào 'có vẻ' ô nhiễm là gạt đi

Nguyên Nga
Nguyên Nga
05/12/2023 09:06 GMT+7

Đó là nội dung mà nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh Niên trong bài phát biểu dẫn đề tại Hội thảo do Báo Thanh Niên tổ chức sáng nay (5.12).

"Sở dĩ chúng tôi chọn lát cắt này bởi thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong đó chủ yếu là doanh nghiệp nước ngoài phản ánh đến Báo Thanh Niên, họ gặp khó khăn khi làm thủ tục đầu tư vào Việt Nam do lãnh đạo một số địa phương có tâm lý nghe thấy ngành nào 'có vẻ ô nhiễm' là không mặn mà, thậm chí gạt luôn đi", Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn - Tổng biên tập Báo Thanh Niên - chia sẻ trong phát biểu dẫn đề hội thảo.

Thu hút đầu tư xanh: Lọc ngành hay giảm phát thải? - Ảnh 1.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn - Tổng biên tập Báo Thanh Niên phát biểu dẫn đề hội thảo

NHẬT THỊNH

Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn nói, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn... là vấn đề được quan tâm nhiều nhất hiện nay. Rất nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm liên quan đến chủ đề này. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng vừa tham dự lễ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh hành động khí hậu thế giới tại Dubai cách đây 3 ngày. Đây là một trong những hội nghị quốc tế lớn nhất và quan trọng nhất trong năm 2023. Có hơn 70.000 đại biểu, bao gồm cả nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu Chính phủ và các nhà lãnh đạo thế giới, từ 197 quốc gia, EU và hàng ngàn tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, nhóm thanh niên cùng các bên liên quan khác.

Những con số trên cho thấy, tầm quan trọng và sự quan tâm của toàn cầu trong đó có Việt Nam đến mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính; tiếp tục thúc đẩy việc giảm mạnh phát thải khí nhà kính và đưa phát thải ròng về "0" vào giữa thế kỷ, thông qua xây dựng các tiêu chuẩn, biện pháp giảm phát thải mang tính khả thi.

Tuy vậy, trong bức tranh tổng thể đó, Báo Thanh Niên chọn một lát cắt, phát sinh từ thực tiễn trong quá trình áp dụng tăng trưởng xanh ở nhiều địa phương, ở nhiều khu công nghiệp trên cả nước và có thể ở nhiều cơ quan có thẩm quyền trong cấp phép đầu tư. Đó là lọc thẳng các ngành có thể gây ô nhiễm hay yêu cầu phải giảm phát thải có lộ trình? Dù đã có những suy nghĩ riêng của mình dựa trên các nghiên cứu về chủ trương, tiêu chí của Việt Nam; các quốc gia tương đồng với Việt Nam cũng như thế giới, tuy vậy, chúng tôi vẫn muốn được nghe phân tích kỹ lưỡng nội hàm của "tăng trưởng xanh" để kiên định hơn với quan điểm của mình trong công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, Nhà nước. Đồng thời, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình áp dụng chuyển đổi sang xu thế phát triển bền vững, để đạt được mục tiêu giảm phát thải ròng về 0% vào năm 2050 như cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP28.

Thu hút đầu tư xanh: Lọc ngành hay giảm phát thải? - Ảnh 2.

Hội thảo "Thu hút đầu tư xanh: Lọc ngành hay giảm phát thải" do Báo Thanh Niên tổ chức với sự tham gia của lãnh đạo bộ, ngành, chuyên gia kinh tế và lãnh đạo các địa phương

NHẬT THỊNH

Từ những phân tích trên, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn nhấn mạnh việc chọn lát cắt "lọc ngành hay giảm phát thải" do có nhiều doanh nghiệp trong đó chủ yếu là doanh nghiệp nước ngoài, thời gian qua đã gửi phản ánh đến Báo Thanh Niên với nhiều thắc mắc. Họ gặp khó khăn khi làm thủ tục đầu tư vào Việt Nam. Lý do các doanh nghiệp này đưa ra: Lãnh đạo một số địa phương có tâm lý nghe thấy ngành nào "có vẻ ô nhiễm" là không mặn mà, thậm chí gạt luôn. "Nếu việc này xảy ra ở nhiều địa phương, liệu có hay không việc chúng ta phải lên một danh sách các ngành nghề không khuyến khích, thậm chí không cấp phép đầu tư vào Việt Nam để rõ ràng, minh bạch ngay từ đầu trong thu hút đầu tư nói chung", nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn băn khoăn.

Trong khi đó, nhiều nghiên cứu cho thấy, hầu hết các ngành chủ lực của chúng ta như dệt may, nông nghiệp, vận chuyển, sản xuất và xây dựng... đều là những ngành công nghiệp gây ô nhiễm hàng đầu. Ngay cả các ngành mà chúng ta đang nỗ lực thu hút đầu tư và muốn trở thành cứ địa sản xuất của thế giới như công nghệ, công nghiệp bán dẫn... thì đầu vào của nó là xi mạ cũng gây ô nhiễm trầm trọng. Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn đặt vấn đề: "Vậy thì chúng ta ứng xử với các dự án trong các ngành này thế nào? Liệu chúng ta có tiếp tục thu hút đầu tư vào công nghiệp bán dẫn nữa hay không?". Từ đó, ông đặt câu hỏi, nếu chúng ta vẫn phải mặc quần áo hằng ngày, thay quần áo thường xuyên... thì việc từ chối dệt may, nhuộm vì ô nhiễm liệu có đúng không? Nếu con cái chúng ta vẫn dùng sách vở, ngành bao bì vẫn phải phục vụ đóng gói thực phẩm, lương thực, vật liệu... thì công nghiệp giấy có đáng bị tẩy chay?

Ở chiều ngược lại, ngay cả các ngành chúng ta nghĩ là sạch nhất như trồng trọt, du lịch... nếu không kiểm soát các vấn đề liên quan đến nó như vận tải, các loại thuốc hóa học, phân bón... cũng có thể gây ô nhiễm nặng nề. Vậy thì "hành trình giảm phát thải ròng về 0" phải được hiểu như thế nào cho đúng, nếu lọc ngành thì ngành nào bị lọc? Hay là phải ràng buộc các điều kiện để doanh nghiệp áp dụng công nghệ, máy móc, các mô hình sản xuất kinh tế tuần hoàn để giảm phát thải?

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt về thu hút đầu tư giữa các nước trong khu vực hiện nay, nếu không thống nhất quan điểm, không có một bộ tiêu chí cụ thể, không minh bạch trong thông tin thì rất có thể, sự cẩn trọng cũng như áp lực tăng trưởng xanh lại khiến chúng ta mất đi các dự án lớn vào các ngành quan trọng để phát triển đất nước.

Vì thế, tổ chức hội thảo này, Báo Thanh Niên rất mong được nghe quan điểm của các quý vị là lãnh đạo các cơ quan, các địa phương, các chuyên gia, các doanh nghiệp về vấn đề này để góp thêm một tiếng nói cho hành trình tăng trưởng xanh mà Đảng và Nhà nước đang nỗ lực thực hiện.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.