Tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng 13 năm tù, Trịnh Xuân Thanh chung thân

Ngày 22.1, HĐXX TAND TP.Hà Nội tuyên án đối với 22 bị cáo trong vụ án cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn dầu khí VN (PVN) và Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí VN (PVC).

Theo đó, bị cáo Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐTV PVN, bị tuyên phạt 13 năm về tội cố ý làm trái. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc PVC, bị tuyên phạt 14 năm tù về tội cố ý làm trái; chung thân về tội tham ô tài sản; tổng hợp hình phạt là chung thân.
Bên cạnh đó, bị cáo Thăng và Thanh có vai trò ngang nhau, nên phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường số tiền 60 tỉ đồng, trong đó mỗi bị cáo là 30 tỉ đồng. Trịnh Xuân Thanh còn phải bồi thường 4 tỉ đồng về hành vi tham ô tài sản.

Cảnh báo về sự lạm dụng quyền lực
HĐXX nhận định hầu hết các bị cáo đều thừa nhận hành vi, một số không nhận tội danh như Viện KSND tối cao truy tố. Tuy nhiên, căn cứ lời khai của các bị cáo tại phiên tòa, căn cứ lời khai của nguyên đơn dân sự, lời khai của người có quyền, nghĩa vụ liên quan cùng các vật chứng đã thu giữ trong quá trình điều tra, đặc biệt là quá trình tranh luận tại phiên tòa, có đủ căn cứ kết luận các bị cáo phạm tội.
Đối với bị cáo Đinh La Thăng, HĐXX nhận định từ tháng 10.2010, HĐQT PVN ra nghị quyết phê duyệt phương án thành lập liên danh tổng thầu EPC dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, trong đó có nội dung PVC là thành viên đứng đầu liên doanh, nhà thầu nước ngoài tham gia theo hình thức đấu thầu quốc tế. Tuy nhiên, sau đó bị cáo Đinh La Thăng vẫn chỉ định PVC làm nhà thầu duy nhất làm tổng thầu EPC dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, vi phạm nghị quyết và điều lệ của PVN. Lời khai của bị cáo Đinh La Thăng thể hiện và bị cáo cũng thừa nhận vì sức ép tiến độ nên vi phạm quy trình trong việc chỉ định PVC làm tổng thầu không thông qua HĐTV. Trong khi dự án đầu tư hiệu chỉnh chưa được phê duyệt, chưa có thiết kế FEED, tổng dự toán, thiết kế bản vẽ thi công, hồ sơ yêu cầu, hồ sơ dự thầu và một loạt các thủ tục pháp lý khác có liên quan, bị cáo Thăng vẫn chỉ đạo cấp dưới ký kết hợp đồng EPC số 33 trái quy định.
Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Quốc Khánh, nguyên Phó tổng giám đốc PVN, khai tại thời điểm ký kết hợp đồng EPC số 33 chưa đủ điều kiện pháp lý để ký kết hợp đồng EPC nhưng bị cáo chỉ đạo nhanh chóng ký hợp đồng EPC là do bị cáo Đinh La Thăng, Phùng Đình Thực, nguyên Tổng giám đốc PVN, chỉ đạo yêu cầu rút ngắn tiến độ, ký hợp đồng EPC trước ngày 28.2.2011. Lời khai này phù hợp với lời khai của người làm chứng khác. Do vậy, có đủ cơ sở khẳng định, bị cáo Đinh La Thăng được báo cáo và biết rõ tới tháng 6.2011 mới đủ hồ sơ ký hợp đồng EPC dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, nhưng vẫn chỉ định cấp dưới ký hợp là vi phạm quy định.
HĐXX đưa ra nhiều căn cứ cho thấy bị cáo Đinh La Thăng đã chỉ đạo tạm ứng cho PVC, trong khi hợp đồng EPC số 33 thiếu nhiều nội dung quan trọng, không đủ cơ sở để tạm ứng. “Trước ngày 13.5.2011, đợt chuyển tiền lần đầu tiên cho ban quản lý dự án, bị cáo Đinh La Thăng gọi Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Phó tổng giám đốc PVN, Nguyễn Quốc Khánh đến phòng làm việc la mắng Sơn, Khánh về tiến độ dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 chậm và yêu cầu cấp vốn cho ban quản lý dự án đủ 6% để tạm ứng cho nhà thầu theo hợp đồng đã ký kết”, HĐXX cho hay.
Tại thời điểm được chỉ định ký hợp đồng và tạm ứng trái phép, PVC là doanh nghiệp đang thâm hụt về tài chính, không đủ kinh nghiệm làm tổng thầu dự án lớn. Điều này đã được các bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận (nguyên Tổng giám đốc PVC), Nguyễn Mạnh Tiến (nguyên Phó tổng giám đốc PVC), Phạm Tiến Đạt (nguyên kế toán trưởng PVC) thừa nhận trước tòa. Thời điểm đó, PVC cũng được PVN chỉ định thầu nhiều dự án như Ethanol Phú Thọ, Ethanol Dung Quất, Xơ sợi Đình Vũ mà cho tới nay đã được Chính phủ xác định thất thoát, thua lỗ hàng nghìn tỉ đồng.
Theo HĐXX, việc bị cáo Đinh La Thăng quyết định chỉ định thầu và chỉ đạo tạm ứng quyết liệt, vội vã cho một doanh nghiệp không đủ năng lực và kinh nghiệm chuyên môn như PVC là trái quy định pháp luật, không đúng quy định chỉ đạo của Chính phủ. Các tài liệu và lời khai bị cáo khẳng định, bị cáo Thăng biết rõ PVC đang rất khó khăn nhưng vẫn yêu cầu và chỉ định thầu cho PVC thực hiện dự án Nhiệt điện Thái Bình 2. Hành vi của bị cáo đã vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế.
“HĐXX ghi nhận quá trình cống hiến của bị cáo Đinh La Thăng như tình tiết giảm nhẹ, nhưng pháp luật cần được tôn trọng, công minh, bình đẳng, không loại trừ bất kỳ ai. Một bản án có tình, có lý tính đến cả công và tội nhưng nghiêm khắc cũng là sự cảnh báo cần thiết”, chủ tọa phiên tòa khẳng định.
Trịnh Xuân Thanh chiếm hưởng 4 tỉ đồng
Đối với bị cáo Trịnh Xuân Thanh, HĐXX khẳng định dù biết PVC chưa đủ điều kiện, không đủ năng lực để làm tổng thầu; hồ sơ chưa đầy đủ, nhưng bị cáo vẫn chỉ đạo ký hợp đồng EPC số 33. Tại phiên tòa, luật sư của bị cáo Thanh cho rằng bị cáo không có vai trò quyết định trong tạm ứng tiền và ký hợp đồng EPC số 33 sai mục đích. Tuy nhiên, HĐXX đã trích lời khai và khẳng định bị cáo Thanh thừa nhận chỉ đạo ký kết hợp đồng EPC số 33, dù hồ sơ chuẩn bị không đầy đủ. Theo lời khai của kế toán trưởng của PVC, tình hình tài chính của PVC rất khó khăn, Trịnh Xuân Thanh biết được nhưng vẫn phớt lờ.
Đối với hành vi tham ô tài sản của Trịnh Xuân Thanh, HĐXX nhận xét từ lời khai tại tòa của các bị cáo trong vụ án, người làm chứng, có đủ cơ sở để xác định Trịnh Xuân Thanh cùng Vũ Đức Thuận, Nguyễn Anh Minh (nguyên Phó tổng giám đốc PVC) đã thống nhất đề ra chủ trương và chỉ đạo Lương Văn Hòa (Trưởng ban Điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch) lập khống hồ sơ, chứng từ thi công 4 hạng mục của dự án Vũng Áng - Quảng Trạch để chiếm đoạt hơn 13 tỉ đồng, trong đó Trịnh Xuân Thanh chiếm hưởng 4 tỉ đồng, Vũ Đức Thuận chiếm hưởng 800 triệu đồng, Nguyễn Anh Minh chiếm hưởng 3,6 tỉ đồng...
Thiệt hại lớn tài sản Nhà nước, cán bộ thoái hóa biến chất
Đánh giá tính chất nguy hiểm của vụ án, HĐXX nhận định đối với hành vi cố ý làm trái, các bị cáo hầu hết là những người có chức vụ trong Tập đoàn PVN, tập đoàn kinh tế hàng đầu của đất nước, được nhà nước giao quản lý dầu khí, nguồn tài nguyên quý giá của quốc gia và được nhà nước giao thực hiện nhiều dự án trọng điểm quốc gia, trong đó có dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Tuy nhiên, quá trình thực hiện dự án, lợi dụng vị thế, tính đặc thù cũng như các ưu đãi khác của nhà nước đối với PVN, vì các động cơ khác nhau, các bị cáo đứng đầu là Đinh La Thăng đã có hàng loạt hành vi sai phạm, làm trái quy định nhà nước về chỉ định nhà thầu, ký kết hợp đồng, tạm ứng vốn về sử dụng vốn tạm ứng gây thiệt hại cho PVN số tiền lớn và nhiều hệ lụy khác.
Đối với hành vi tham ô tài sản, các bị cáo mà đứng đầu là bị cáo Trịnh Xuân Thanh, người đại diện PVN tại PVC, đã câu kết với nhau và doanh nghiệp bên ngoài lập khống hồ sơ để chiếm đoạt số tiền rất lớn của PVC. Hậu quả của vụ án là hết sức nghiêm trọng, gây thiệt hại hơn 119 tỉ đồng và chiếm đoạt hơn 13 tỉ đồng tham ô. Ngoài thiệt hại về kinh tế, hành vi của các bị cáo đã làm chậm tiến độ của dự án và đội vốn đầu tư hàng nghìn tỉ đồng.
HĐXX cũng đã bác bỏ quan điểm bào chữa của các luật sư cho rằng giám định thiệt hại trong hành vi cố ý làm trái không đúng, không khách quan, không đầy đủ dẫn đến quy kết hành vi phạm tội của các bị cáo không chính xác. Theo HĐXX, hội đồng giám định đã tuân thủ đúng quy trình về trật tự thời gian, nội dung yêu cầu giám định, từ đó xác định thiệt hại là 119 tỉ đồng. Ngoài ra, việc xác định thiệt hại của hành vi tạm ứng trái phép và chỉ định thầu trái phép phải được tính toán tổng hợp trên nhiều khía cạnh như: hàng loạt chuyên gia về xây dựng, tài chính của PVN được đào tạo bài bản vướng vòng lao lý. Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 đã chậm 18 tháng so với tiến độ được Thủ tướng phê duyệt, làm đội vốn hàng chục nghìn tỉ đồng. Máy móc thiết bị đắp chiếu đã hết thời hạn bảo hành trong khi nhà máy chưa vận hành. Những tổn thất chưa thống kê trong giai đoạn điều tra và sẽ tiếp tục thống kê trong các vụ án sau.
“Nếu tất cả các bộ, ngành, địa phương cũng sử dụng tiền tạm ứng như vậy thì sẽ gây hỗn loạn cho nền kinh tế”, chủ tọa phiên tòa nhấn mạnh.
Kiến nghị điều tra các dự án nhà máy Ethanol Phú Thọ và Xơ sợi Đình V
Trong phần tuyên án, HĐXX đã nêu 3 kiến nghị liên quan đến vụ án. Theo đó, PVC báo cáo thu hồi tiền tạm ứng Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 đến ngày 10.1.2018 đã được 1.240 tỉ đồng từ các nguồn sử dụng tăng vốn điều lệ để bù đắp tạm ứng cho dự án Nhiệt điện Thái Bình 2. Như vậy, PVC đã sử dụng nguồn tiền khác để bù đắp tiền chi trái phép. Do đó, đề nghị cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ khoản tiền 1.115 tỉ tiền tạm ứng thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 để xử lý theo quy định của pháp luật.
Mặc dù PVC không đủ năng lực tài chính và kinh nghiệm chuyên môn để thực hiện các dự án, nhưng vẫn được chỉ định làm tổng thầu dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, PVC còn được chỉ định thầu xây dựng một số dự án lớn khác như dự án Nhà máy Ethanol Phú Thọ, dự án Nhà máy xơ sợi Đình Vũ cho đến nay đã được Thủ tướng xác định thất thoát thua lỗ hàng nghìn tỉ đồng. Do vậy, kiến nghị cơ quan điều tra làm rõ việc thất thoát này để xử lý theo quy định của pháp luật.
Đối với việc phê duyệt dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 và các dấu hiệu vi phạm khác tại PVN và PVC, kiến nghị cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Ngày mai, Trịnh Xuân Thanh hầu tòa vụ tham ô hàng chục tỉ đồng
Theo dự kiến, ngày mai 24.1, TAND TP.Hà Nội sẽ mở phiên xét xử bị cáo Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm về tội “tham ô tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần bất động sản điện lực dầu khí (PVP Land) và Công ty cổ phần Minh Ngân. Trong vụ án này, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm bị cáo buộc thông đồng với các đối tượng liên quan ký và thanh toán hợp đồng chuyển nhượng cổ phần của PVP Land tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương với giá tương đương 34 triệu đồng/m2 đất. Việc thanh toán hợp đồng này đã tạo ra chênh lệch giá để các bị can chiếm đoạt cổ phần trị giá hơn 87 tỉ đồng của PVP Land (trong đó có tài sản nhà nước). Từ việc chuyển nhượng cổ phần giá rẻ, Trịnh Xuân Thanh được lại quả khoản tiền 14 tỉ đồng thông qua bị cáo Đinh Mạnh Thắng (em trai ông Đinh La Thăng). Từ năm 2010, khi Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố vụ án liên quan đến Công ty cổ phần Minh Ngân, Đinh Mạnh Thắng và Trịnh Xuân Thanh đã trả lại số tiền trên.
Mặc dù các bị cáo đã trả lại tiền tham ô, nhưng cơ quan tố tụng xác định việc trả lại tiền diễn ra sau khi vụ án đã khởi tố, nên hành vi phạm tội đã hoàn thành.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.