Tranh cãi về tấm lợp amiăng gây ung thư

19/07/2018 08:36 GMT+7

Có những ý kiến khác nhau về nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của tấm lợp amiăng

Ngày 18.7, tại hội thảo về giải pháp quản lý và sử dụng amiăng trắng an toàn trong sản xuất vật liệu xây dựng, do Hội Vật liệu xây dựng tổ chức tại Hà Nội, các đại biểu có những ý kiến khác nhau về nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của tấm lợp amiăng.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp (Bộ Y tế), nêu quan điểm, lâu nay có nhiều ý kiến tranh cãi về amiăng trắng nhưng chúng ta cần cùng thống nhất là amiăng trắng độc hại. Vì có độc hại nên cần giải pháp quản lý và có lộ trình phù hợp cấm amiăng trắng. Công nghệ sản xuất của VN không thể tiên tiến như ở nước ngoài nên cần đưa ra giải pháp quản lý về cách sử dụng, tránh sử dụng sai cách.
Người nói gây ung thư, người nói không
Theo thông tin trên website của Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), amiăng xâm nhập vào cơ thể và gây hại chủ yếu qua đường hô hấp, khi người lao động và người sử dụng hít phải bụi hô hấp có chứa bụi amiăng phát tán trong môi trường. Các công việc phát sinh bụi chủ yếu trong quy trình sản xuất (xé bao, nghiền, trộn, khoan, nổ mìn…) hay trong sử dụng tại cộng đồng khi người dân khoan, cắt, phá dỡ đập các tấm lợp, vật liệu có chứa amiăng, sử dụng các vật liệu amiăng để làm đường, đổ làm móng nhà… Tác hại của amiăng đến sức khỏe người lao động và cộng đồng được biết đến là gây bệnh bụi phổi - amiăng, ung thư phổi, ung thư trung biểu mô ác tính, ung thư thực quản... Người tiếp xúc với amiăng thường phát bệnh sau khi tiếp xúc rất lâu, từ 20 - 30 năm, nên thường đến khi nghỉ hưu mới mắc bệnh. Rất khó để kiểm soát mức độ an toàn đối với sức khỏe con người tại các cơ sở sản xuất và sử dụng amiăng. Các nghiên cứu trên thế giới đều cho thấy: Amiăng có khả năng gây bệnh rất cao dù với mức độ tiếp xúc thấp. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đều khuyến nghị các nước loại bỏ sử dụng tất cả các loại amiăng để phòng chống các bệnh liên quan đến amiăng...
Sản xuất tấm lợp amiăng tại nhà máy ở Đông Anh, Hà Nội Ảnh: Lê Quân
Trong khi đó, là người trực tiếp nghiên cứu khảo sát và đồng hành cùng người lao động, TS-BS Lê Thị Hằng, Giám đốc Bệnh viện Xây dựng (Bộ Xây dựng), bày tỏ qua kết quả khám sức khỏe định kỳ và quan trắc môi trường cho toàn ngành xây dựng, bao gồm các doanh nghiệp (DN) sản xuất tấm lợp trong các năm qua chưa phát hiện ra các trường hợp ung thư phổi hay ung thư trung biểu mô do amiăng trắng. Với người lao động, tỷ lệ mắc bệnh bụi phổi trong ngành sản xuất tấm lợp là 0,1 - 0,3% công nhân mắc bụi phổi silic, thấp hơn rất nhiều so với ngành nghề khác như sản xuất gạch, ngói, xi măng (tỷ lệ này khoảng 7,5%), bệnh bụi phổi do amiăng chưa có.
Với người dùng vật liệu amiăng, Bệnh viện Xây dựng đã nghiên cứu tại xã Tân Trịnh, Hà Giang 2014 - 2016, nơi có khoảng 70% người dân sử dụng nhiều tấm lợp amiăng xi măng, cũng không phát hiện sợi bụi amiăng phát tán trong không khí. Tỷ lệ tử vong thô, tỷ lệ mắc ung thư không có gì khác biệt với các vùng miền khác, thậm chí tỷ lệ tử vong thô tại đây còn thấp hơn nhiều vùng trên cả nước.
Qua theo dõi sức khỏe mới nhất năm 2017, triển khai khám bệnh nghề nghiệp cho trên 1.259 người lao động của 12 đơn vị theo quy trình chuẩn của Bộ Y tế, kết quả khám được hội chẩn bởi chuyên gia đều không phát hiện ung thư do amiăng trắng gây ra.
Cần đánh giá tổng thể
Ông Tống Văn Nga, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng (VLXD) VN, cho biết hội nhận được nhiều đơn kêu cứu của DN tấm lợp về dự thảo dừng sử dụng amiăng trắng vào năm 2023. Theo ông Nga, tấm lợp amiăng đã có mặt tại VN từ gần 60 năm qua, nhưng hơn 10 năm trở lại đây, từ khi tấm lợp bằng tôn mạ kẽm phát triển mạnh đã xuất hiện nhiều cuộc tranh luận về cấm sử dụng tấm lợp amiăng để bảo vệ sức khỏe con người. Nhiều người chưa từng có kinh nghiệm với loại vật liệu này cũng lên tiếng. Do đó, để cấm amiăng trắng trong sản xuất vật liệu xây dựng cần làm rõ về góc độ khoa học: amiăng có phải là chất độc hại đến mức phải dừng sử dụng khẩn cấp vào 2020 hay 2023.
PGS-TS Lương Đức Long, nguyên Viện trưởng Viện VLXD (Bộ Xây dựng) - người hơn 37 năm nghiên cứu về VLXD trong đó có một số nghiên cứu về amiăng, cho hay sử dụng sợi amiăng trong tấm lợp không độc hại, kể cả sau khi sử dụng xong cũng không độc hại. Vì về cấu trúc sợi amiăng kết dính rất chặt với xi măng nằm trong tấm lợp, hạt bụi phát tán khỏi tấm fibro xi măng cũng không có sợi amiăng độc lập.
Theo ông Long, những năm trước, khi nhà nước có dự thảo cấm amiăng, nhiều DN nước ngoài vào chào bán các sản phẩm thay thế. Tuy nhiên, không có DN nào của VN có thể mua được do giá thành quá cao. Qua nghiên cứu các loại sợi, hiện chưa có loại sợi nào thay thế được sợi amiăng về độ bền, chi phí hợp lý. “Thực tế amiăng còn sử dụng trong sản xuất má phanh ô tô, bảo ôn (trong nhà máy nhiệt điện). Vậy nếu cấm amiăng trong sản xuất tấm lợp thì có cấm amiăng trong các ngành nghề khác không”, ông Long nêu vấn đề và cho rằng cần minh bạch trong khái niệm độc để cấm amiăng. “Vấn đề là kiểm soát sử dụng nguyên liệu amiăng trong sản xuất, sử dụng để an toàn cho người lao động và người dùng. Hiện tại, VN chưa có bằng chứng rõ ràng về độc hay bệnh tật ung thư phổi, ung thư trung biểu mô do amiăng trắng trong quá trình khám bệnh nghề nghiệp, trong các ca bệnh ung thư tại các đơn vị điều trị. Do đó, cần cân nhắc và minh bạch khi đưa ra quyết định cấm”, ông Long nói.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, đại diện Ủy ban Khoa học Công nghệ - Môi trường QH, cũng cho biết ủy ban này nhận được nhiều kiến nghị của DN. Sau một thời gian nghiên cứu, ủy ban đã có một báo cáo lên QH. Ngoài ra,
ủy ban đã tham gia khảo sát thực tiễn tại Nga; tổ chức khảo sát tại các nhà máy ở Hà Nội, Nam Định và Bắc Ninh. Nghiên cứu về tình hình sử dụng amiăng trắng trên thế giới cho thấy, hiện nay các nước ASEAN không cấm amiăng trắng, Singapore và Đài Loan từng cấm nhưng đã rút khỏi danh sách này. VN ước tiêu thụ 3,2% lượng amiăng trắng toàn cầu, nằm trong nhóm 10 nước tiêu thụ nhiều. Hiện cả nước có hơn 40 DN với công suất thiết kế trên 100 triệu m2/năm, cung cấp việc làm cho 5.000 - 6.000 lao động. Ý kiến cấm sử dụng amiăng trắng tại VN do Bộ Y tế đưa ra chủ yếu dựa vào khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Một số ý kiến cũng cho rằng nên cấm amiăng mà không cần nghiên cứu thêm do VN không có đủ khả năng nghiên cứu.
Ông Tuấn Anh cho rằng, việc cấm sử dụng cần có các chứng cứ thuyết phục hơn. “Việc loại bỏ amiăng trắng cần được nhìn tổng thể trên góc độ kinh tế, y tế, kỹ thuật, hài hòa lợi ích của người đầu tư. Bộ KH-CN, Bộ Xây dựng làm rõ hơn về tác động của amiăng trắng”, ông Tuấn Anh nói.
Tháng 5.2018, Bộ Xây dựng có văn bản gửi một số nơi lấy ý kiến về “Lộ trình dừng sử dụng amiăng trắng để chấm dứt sản xuất tấm lợp amiăng từ năm 2023”. Mới đây, nhiều bộ ngành đều bày tỏ ủng hộ dừng sản xuất tấm lợp amiăng từ năm 2023.
Trả lời văn bản lấy ý kiến của Bộ Xây dựng, Bộ Y tế và Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính bày tỏ đồng tình với lộ trình sẽ dừng sản xuất vật liệu xây dựng có chứa amiăng từ năm 2023. Trong khi đó, Bộ KH-ĐT cho rằng lộ trình dừng sản xuất VLXD có chứa amiăng trắng từ năm 2023 sẽ tác động nhiều đến các DN do phải chuyển đổi công nghệ, người lao động tại DN sản xuất, người tiêu dùng… Do vậy, Bộ Xây dựng cần tham khảo thêm ý kiến của DN đang sản xuất tấm lợp xi măng để có thể đánh giá toàn diện hơn ảnh hưởng và chi phí chuyển đổi công nghệ, dây chuyển sản xuất. Thực tế, mới chỉ có 2 DN sản xuất tấm lợp fibro xi măng có chứa amiăng chuyển đổi công nghệ thành công.
Lê Quân
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.