'Quan tham' thoát án tử nếu nộp lại 3/4 tài sản tham nhũng

31/12/2017 10:30 GMT+7

Đó là một trong những quy định đáng chú ý trong bộ luật Hình sự 2015, có hiệu lực thi hành từ ngày mai 1.1.2018.

Gian dối trong đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế sẽ bị xử lý hình sự
Cụ thể, điều 40 bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 xác định rõ người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không thi hành án tử hình với họ; khi đó, Chánh án TAND tối cao chuyển hình phạt tử hình sang hình phạt tù chung thân. Theo các nhà làm luật, quy định này nhằm thúc đẩy việc thu hồi tài sản bị tham nhũng trong các vụ án tham nhũng.
Đồng thời, BLHS 2015 nêu tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, không áp dụng tử hình đối với người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.
Luật sư không tố giác thân chủ cũng bị xử lý hình sự
Ngoài ra, BLHS 2015 cũng có một số quy định mới như bỏ tội “cố ý làm trái” và thay vào đó là cụ thể hành vi này thành 9 tội danh mới nằm trong mục 3 chương 18 từ điều 217 đến điều 234 của BLHS 2015; quy định luật sư phải chịu trách nhiệm hình sự về tội che giấu tội phạm nếu không tố giác thân chủ của mình trong trường hợp thân chủ phạm các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do thân chủ đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà luật sư biết rõ khi thực hiện việc bào chữa (điều 19).
Đồng thời, lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp hình sự VN, BLHS 2015 đã bổ sung chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại thuộc nhóm tội phạm về kinh tế và nhóm tội phạm về môi trường. Điều 76 quy định pháp nhân thương mại sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với 31 tội danh được liệt kê.
BLHS 2015 cũng quy định người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên, đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm thì sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 7 năm tù (điều 216).
Không xử lý hình sự hành vi tảo hôn
BLHS 2015 quy định không xử lý về hình sự đối với người thực hiện một số hành vi mà BLHS năm 1999 quy định là tội phạm, bao gồm: tảo hôn; báo cáo sai trong quản lý kinh tế; vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; sử dụng trái phép quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của tổ chức tín dụng; không chấp hành các quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính.
Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, BLHS 2015 quy định chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng, nhưng giới hạn trong 28 tội danh.
Phải ghi âm, ghi hình có âm thanh khi hỏi cung
Cũng có hiệu lực từ 1.1.2018, một trong những điểm nhấn của bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) 2015 là hạn chế tối đa nạn bức cung, nhục hình. Theo đó, để chống bức cung, nhục hình, tăng cường kiểm tra giám sát hoạt động tố tụng hình sự, bộ luật quy định bắt buộc phải ghi âm, ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc trụ sở cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (khoản 7 điều 183).
Liên quan đến vấn đề này, Thông tư 02/2017 của TAND tối cao về quy chế tổ chức phiên tòa quy định tòa án ghi âm, ghi hình có âm thanh diễn biến phiên tòa được thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng.
BLTTHS 2015 còn quy định các cơ quan tố tụng phải thông báo trước cho người bào chữa thời gian và địa điểm tiến hành tố tụng để họ tham dự bổ sung; các quy định để Viện KSND thực hiện tốt chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, bắt buộc kiểm sát viên phải hỏi cung khi bị can kêu oan hoặc khi phát hiện hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cơ quan tố tụng cấp trên phải kiểm tra hoạt động tố tụng của cơ quan cấp dưới.
Ngoài ra, BLTTHS 2015 cũng bổ sung một số quy định như: Bỏ thủ tục xin cấp giấy chứng nhận bào chữa và thay bằng việc đăng ký thủ tục bào chữa; đưa dữ liệu điện tử vào một trong những nguồn chứng cứ; đưa vị trí người bào chữa tại phòng xử án với người thực hành quyền công tố ngang hàng nhau.
Ngoài BLHS, BLTTHS, các luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2018 gồm: luật Sửa đổi bổ sung một số điều của BLHS; luật Thi hành án tạm giữ, tạm giam; luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước; luật Tín ngưỡng, tôn giáo; luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; luật Quản lý, sử dụng tài sản công; luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật các tổ chức tín dụng; luật Tiếp cận thông tin; luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; luật Quản lý nợ công; luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cơ quan đại diện nước CHXHCN VN; luật Cảnh vệ; luật Thủy lợi; luật Đường sắt; luật Trợ giúp pháp lý; luật Quản lý ngoại thương; luật Du lịch; luật Chuyển giao công nghệ.
Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước 2017 đã sửa đổi, bổ sung các thiệt hại được bồi thường phát sinh trong thực tế chưa được luật này năm 2009 quy định, như thiệt hại được bồi thường là khoản tiền phạt theo thỏa thuận trong giao dịch dân sự, kinh tế do không thực hiện được các giao dịch; căn cứ tính mức lãi suất; lượng hóa một số thiệt hại được bồi thường như thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút; thiệt hại về vật chất do người bị thiệt hại chết; thiệt hại về vật chất do sức khỏe bị xâm phạm... Luật cũng đã bổ sung một số thiệt hại về tinh thần trong trường hợp áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã phường, thị trấn; trường hợp công chức bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc trái pháp luật...
Về phục hồi danh dự, luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước 2017 đã sửa đổi, bổ sung theo hướng nhà nước chủ động phục hồi danh dự cho người bị thiệt hại, không chờ đến khi họ yêu cầu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.