Ông xe ôm có số lượm tiền bạc tỉ luôn 'sĩ diện' quyết tìm người trả lại

30/12/2017 12:15 GMT+7

Nhiều người nói ông Hùng ‘nghèo mà bày đặt sĩ diện, có phúc còn không biết hưởng’, khi hết lần này đến lần khác nhặt được số tiền lớn từ tiền tỉ, đến trăm triệu đồng nhưng vẫn kiên quyết tìm bằng được người mất để trả lại.

“Ông Hùng xe ôm hả, chạy thẳng gặp cái ngã ba, quẹo phải là tới. Nhà có cái bảng hớt tóc nam đó, ổng vừa chạy xe ôm vừa làm thợ hớt tóc. Nếu mà kiếm không ra thì cô cậu cứ tấp đại nhà ai cũng được, hỏi “ông Hùng số hưởng, mà chưa tới” ở đâu là người ta chỉ liền”, một phụ nữ tuổi ngoài 50, sống tại khu phố 9, phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một (Bình Dương) nhiệt tình chỉ dẫn.
VIDEO: Nghèo nhưng nhặt được bạc tỉ vẫn trả cho người mất
Thực hiện: Lê Nam - Lưu Trân
Sau một hồi tìm kiếm, cuối cùng tôi cũng được gặp ông Nguyễn Văn Hùng (63 tuổi), hay còn được nhiều người gọi là “ông xe ôm lạ đời nhất Bình Dương” vì năm lần bảy lượt nhặt được của rơi, thậm chí là tiền tỉ nhưng luôn quyết trả lại người mất.
Nơi ở của gia đình ông là một phòng trọ nhỏ, nằm khuất sau dãy dài những tòa nhà cao tầng nối tiếp nhau. Đang chăm chú cắt tóc cho khách, thấy có người lạ đến, ông Hùng quay sang cười hiền: “Ngồi đợi tui chút nghe cô chú”.
Có "số hưởng" nhưng cuộc sống của gia đình ông Hùng vẫn nghèo khổ, bởi ông không tham  Ảnh: Lưu Trân
Nhìn cái dáng người gầy gò, gương mặt đầy những nếp nhăn của ông Hùng, hẳn không ít người sẽ thắc mắc: “Điều gì khiến người đàn ông này kiên quyết từ chối “lộc trời cho”, chấp nhận sống mãi trong cảnh nghèo?”…
Căn phòng trọ nằm lọt thỏm giữa những dãy nhà cao tầng san sát nhau Ảnh: Lưu Trân
Chia sẻ về lần trao trả tiền cho người đánh rơi gần đây nhất, ông Hùng chậm rãi kể: “Bữa nớ là khoảng giữa tháng 9, tui đi uống cà phê với mấy người bạn ở quán nước trên đường D1. Lúc tụi tui ngồi thì bàn kế bên đó cũng có một anh khách trẻ tuổi, anh này tính tiền về trước rồi gấp gáp răng đó mà bỏ quên bịch đồ lại”.
Theo lời ông Hùng, đó là một túi nilon màu đen, được cột kín, “mở ra xem thì thấy có ba cọc tiền toàn tờ 500.000 đồng”. Mặc dù được hai người bạn đi cùng khuyên nên lấy số tiền “trên trời rơi xuống” đó để lo cho con cái ăn học… nhưng ông Hùng “kiên quyết từ chối”.
“Mấy người thương thì nói tui lấy tiền đó mà sắm chiếc xe mới mà chạy cho đàng hoàng, nhưng mà lương tâm tui không làm vậy được. Tui mới nói với chủ quán là chừ ngồi đây đợi một lúc xem có ai quay lại tìm không, nếu không có thì giao cho công an”, ông Hùng kể chi tiết.
Tiệm tóc của ông Hùng đơn giản với hai tấm gương soi lớn và vài dụng cụ cắt tóc cơ bản Ảnh: Lưu Trân
Đợi mãi không thấy chủ nhân số tiền quay lại kiếm, phần cũng bận chạy xe ôm nên ông Hùng đã gọi báo công an phường cho người đến quán cà phê để bàn giao “túi nilon chứa tiền”.
“Đến tầm 12 giờ trưa thì mấy chú công an phường gọi cho tui, nói lên xác nhận người để quên tiền. Tui chạy lên thì nhận ra ngay anh thanh niên lúc sáng, nhưng mà tui cũng hỏi kỹ ảnh để xác nhận lại cho chắc ăn, ví dụ như hỏi sáng đi mặc đồ màu gì, ngồi góc nào, trong túi nilon có bao nhiêu tiền, chia làm mấy cọc…”.
Vốn có sẵn nghề cắt tóc, ông Hùng mở tiệm ngay trước phòng trọ Ảnh: Lưu Trân
Mừng rỡ vì nhận lại được số tiền 200 triệu đồng “tưởng như đã mất trắng”, anh Nguyễn Đức Hải (30 tuổi, ngụ tại Bình Dương), chủ nhân số tiền đã gửi tặng ông Hùng 5.000.000 đồng hậu tạ. Song, ông nhất quyết không nhận vì lý do “tui làm việc thiện không phải để mong người ta cho lại mình tiền bạc”.
“Thấy chú ấy như vậy, tôi vừa biết ơn mà vừa không biết làm sao để hậu tạ nên cứ năn nỉ mãi chú mới đồng ý nhận 500.000 đồng. Thật lòng mà nói thì tôi quá may mắn khi gặp được chú Hùng, không thì giờ chẳng biết sống sao”, anh Hải chia sẻ.
Nói ra mới biết, đây không phải lần đầu tiên ông Hùng nhặt được số tiền lớn. “Năm 2010, tui đang trên đường về nhà thì có anh kia chạy xe máy phía trước rất nhanh, đường nhiều ổ gà nên cái ba lô cột sau xe anh ta bung ra rơi xuống đất. Tui nhặt cái ba lô rượt theo mà không kịp nên quay về ngay góc đèn xanh đèn đỏ đợi”, ông Hùng bắt đầu hồi tưởng.
Được biết, trong chiếc ba lô đó có đến hơn 400 triệu đồng. Ông Hùng nói: “Tiền lương của anh em tại một Trung đoàn ở Bình Dương đó”. Sau gần hai giờ đồng hồ ông Hùng ngồi ngoài đường đợi thì người thanh niên kia cũng quay lại và được ông Hùng trao trả toàn bộ số tiền.
“Cậu ấy cứ đòi tặng tui mấy triệu để cảm ơn, mà hỏi thử, lương bộ đội thì bao nhiêu lắm, lấy rồi cậu ấy ăn uống, tiêu xài bằng chi chừ. Nên là tui không lấy, cậu ấy mới nói thôi chú lấy 500.000 đồng cũng được, lấy cho con nhẹ lòng”, ông cười hiền khô khi kể về kỷ niệm đáng nhớ này.
Thứ đáng giá nhất trong căn trọ của ông Hùng chính là chiếc xe máy được nhà hảo tâm trao tặng Ảnh: Lưu Trân
 
Như chợt nhớ ra điều gì, ông Hùng vỗ tay cái bốp, giọng có vẻ phấn khởi hơn hẳn: “À đúng rồi, mới cách đây mấy ngày tui nhặt được gần 20 triệu đồng nữa nè, ngay trước tiệm hớt tóc luôn. Mấy người hàng xóm kêu tui thôi trời cho thì giữ lại mà dùng đi, nhưng mà tui phải trả họ chứ tui không dùng của người khác được”.
Ông Hùng giữ số tiền đến chiều tối cùng ngày thì có một người phụ nữ tìm đến hỏi, sau khi xác nhận một số thông tin để kiểm tra có đúng là chủ nhân số tiền không, ông Hùng đã trao trả đầy đủ 20 triệu cho người đánh rơi.
Đói cho sạch, rách cho thơm
"Người bạn nhỏ" của ông Hùng là chú chó tên Ky Ảnh: Lưu Trân
Năm 2008, ông Hùng cùng vợ con rời Nghệ An vào miền Nam kiếm sống. Nhà nghèo lại đông con, cả gia đình sáu người thuê một phòng trọ nhỏ tại khu phố 9, phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một (Bình Dương) làm nơi trú ngụ.
Ngoài công việc chính là chạy xe ôm, ông Hùng tận dụng thêm khoảng trống trước dãy trọ để mở tiệm hớt tóc nam kiếm thêm thu nhập. Cũng nhờ tính tình hiền lành, vui vẻ, cứ hễ khách đi xa tới đâu hay gọi xe bất cứ giờ nào trong ngày, ông đều đáp ứng ngay nên rất được lòng bà con lối xóm.
Vợ con luôn là người yêu thương và ủng hộ ông Hùng trong tất cả mọi chuyện Ảnh: Lê Nam
Nghèo không phải là nguyên nhân để lòng tham "lên tiếng" Ảnh: Lưu Trân
Tuy nhiên, lương công nhân xí nghiệp của vợ cùng khoản thu từ việc chạy xe ôm và hớt tóc của ông Hùng vẫn không đủ để trang trải chi phí sinh hoạt hằng ngày. “Một tháng vợ chồng tui trả tiền nhà, tiền điện nước hết 1.500.000 đồng. Chạy xe ôm với hớt tóc thì cao nhất ngày được 200.000 – 300.000 đồng. Ăn uống thì tui cũng khỏe lắm, trưa có mì gói, chiều vợ đi làm về thì nấu miếng cơm ăn. Tiền ăn mỗi ngày chỉ mất 15.000 đồng cho cả nhà”, ông Hùng chia sẻ.
Tấm biển hiệu cắt tóc và xe ôm được ông Hùng để trước nhà Ảnh: Lưu Trân
Ông cũng cho biết mình có bốn người con, con gái đầu đã tốt nghiệp ĐH, hai người con tiếp theo đang học năm hai, năm ba ĐH và con trai út đang học lớp hai. “Mấy đứa con tui nó nghèo vậy chứ mà học giỏi lắm, còn được học bổng nữa. Đứa lớn thì cũng đi làm thêm đây đó nên có thể tự lo học phí, vợ chồng tui thì ráng kiếm tiền lo cho thằng út, sau này còn để dành mua cái nhà nhỏ nhỏ ở cho yên tâm”.
Bản thân ông cho rằng cái nghèo không phải là nguyên nhân để mình có thể sử dụng tiền người khác đánh rơi. “Nghèo thì nghèo, nhưng tui thấy hạnh phúc vì có vợ rất tâm lý và hiểu tui. Ví dụ như mấy lần tui nhặt được tiền, vợ đều là người ủng hộ tui đem trả lại người mất. Cả mấy đứa con tui cũng vậy, đói cho sạch, rách phải cho thơm”.
Nhiều người thắc mắc, thậm chí có người còn cho rằng ông “sĩ diện, có phúc không biết hưởng” bởi: “Nếu vô tình nhặt được tiền một lần đã đành, nhưng ổng lại có “số hưởng” nên mới liên tiếp nhặt được những khoản tiền lớn, từ vài triệu đến vài trăm triệu, thậm chí cả tỉ bạc mà vẫn nhất quyết tìm người mất trả lại. Giờ ổng có lấy thì ai trách đâu, vì ổng nhặt được tiền chứ đâu đi ăn cắp, ăn trộm”.
Đáp lại tất cả, ông Hùng nói mà như đang tâm sự: “Thật lòng mà nói thì tui không bao giờ nghĩ những lần nhặt được tiền là “số hưởng”, tui chỉ nghĩ đơn giản là nếu bản thân tui làm mất số tiền lớn như vậy thì sẽ khốn cùng luôn. Chỉ cầu mong có ai đó thương tình, nhặt được thì trả lại cho mình thôi. Ai sống trên đời mà không có lòng tham, nhưng tham thì thâm. Tui không tham được như vậy”.
Kể về vụ nhặt tiền “khủng” nhất của mình, ông Hùng cho biết: “Cũng lâu rồi, cách đây bốn, năm năm chi đó tui không nhớ chính xác lắm. Bữa tối tui vừa chở bà khách về xong thì cũng chạy về nhà luôn, tới ngay Lê Hồng Phong (đoạn giao nhau với Đại lộ Bình Dương) thì thấy cậu kia chạy ở trước làm rớt cái ba lô to đùng. Đường lúc nớ cũng đông, mà người ta chạy luôn không ai để ý, tui mới tới nhặt cái ba lô mở ra coi thử thì thấy tiền quá trời tiền, sảng hồn luôn mà. Cậu ấy thì chạy mất dạng rồi, tui không biết tính răng nên đứng ôm chặt cái ba lô chỗ ngã tư đèn xanh đèn đỏ để đợi. Cũng tới gần khuya mới thấy cậu ấy quay lại, vừa đi vừa nhìn khắp nơi. Mà khi quay lại là cậu đi ngược chiều với tui, tui đứng bên ni cứ la làng ơi ới thì cậu mới nghe rồi chạy qua. Cậu ni kể là làm bên tài vụ, vừa nhận được tiền đem về để cấp trên phát cho đơn vị, cả tỉ bạc lận. Tui hỏi răng mà bất cẩn rứa, cậu mới khóc nói là nãy chừ sợ lắm, đi tìm mà nghĩ nếu chừ mất tiền là cậu đi tự tử liền. Tui thấy thương quá kêu thôi lo cất tiền cho kỹ rồi về đi. Cậu năn nỉ gửi tặng tui mấy triệu mà tui thấy cậu khóc như con như cháu, không nỡ lấy. Cậu ấy mới nói chú lấy dùm cho con ít tiền, chứ không có chú thì có khi chừ con cũng về với ông bà rồi. Xong rồi cậu ấy nhét luôn vô túi áo tui tờ 500.000 đồng là cậu lên xe đi luôn, chắc vì sợ tui trả tiền lại”.
Sau một cơn tai biến, miệng ông Hùng bị lệch và mắt cũng không còn nhìn thấy rõ nữa Ảnh: Lưu Trân
Đôi lúc nghĩ đến hoàn cảnh khó khăn của gia đình, ông Hùng cũng từng nảy ra ý muốn “một lần dùng tiền trời cho để đổi đời”… Nhưng cuối cùng, lương tâm đã chiến thắng lòng tham, “tui mà mất năm, mười ngàn còn thấy xót ruột chứ nói gì người ta mất mấy trăm triệu. Mình đói khổ, biết đâu người ta còn đói khổ hơn thì sao”. Vậy nên chưa bao giờ ông hối hận vì đã khước từ những khoản tiền “trên trời rơi xuống” như vậy.
"Ông xe ôm có số hưởng" đăm chiêu khi nghĩ đến tương lai của đứa con trai út Ảnh: Lưu Trân
Đưa cho tôi xem tấm bằng khen dành cho cá nhân có thành tích tốt trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, mà ông được UBND phường Phú Hòa trao tặng sau sự việc trả lại 200 triệu đồng vào tháng 9 vừa qua. Không hiểu sao ánh mắt ông Hùng thoáng chút buồn, đăm chiêu nhìn ra con đường đầy bụi trước cửa nhà, ông nói bằng giọng đều đều: “Trước tui chạy xe đường dài, rồi sau thì đi làm thợ hồ… Tui khổ cực bao nhiêu cũng chịu được, chỉ mong có sức khỏe để còn lo cho thằng út ăn học đến nơi đến chốn. Vậy là mãn nguyện rồi”…
Trao đổi với chúng tôi về trường hợp của “ông xe ôm số hưởng chưa tới” Văn Hùng, ông Từ Nguyên Vũ (Phó Trưởng Công an phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) cho biết: “Ngày 21.9.2017 chúng tôi có nhận được tin báo của ông Hùng về việc ông nhặt được một túi nilon chứa 200 triệu đồng của người khách bỏ quên tại quán cà phê. Đến khoảng 11 giờ 30 trưa cùng ngày thì chủ nhân số tiền là anh Nguyễn Đức Hải đã tìm đến phường báo đánh rơi tiền và mong muốn tìm lại. Qua những gì anh Hải kể thì chúng tôi xác định được 90% túi tiền ông Hùng nhặt được là của anh này. Sau khi mời ông Hùng và anh Hải cùng làm việc với nhau thì chúng tôi đã trao trả lại cho anh Hải toàn bộ số tiền.
Qua thời gian tạm trú tại địa phương, ông Hùng sống rất hòa đồng, không có bất cứ tiền án tiền sự nào. Hoàn cảnh gia đình ông Hùng thuộc diện khá khó khăn, ba người con lớn học ĐH và một người con út học lớp 2. Mặc dù nghèo nhưng khi nhặt được tiền, ông Hùng đã có hành động rất đáng quý là tìm người mất để trả lại. Để khích lệ và tuyên dương tấm gương người tốt việc tốt của ông Hùng, phường đã trao tặng bằng khen cho ông là cá nhân có thành tích tốt trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, kèm với số tiền thưởng là 300.000 đồng”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.