Họp chợ bên lối đi 'hung thần'

05/05/2014 17:40 GMT+7

(TNO) Dù đã có biển báo cấm họp chợ, nhưng hàng ngày khu "chợ cóc” bên đường tàu Cổ Nhuế (Hà Nội) vẫn buôn bán tấp nập.

(TNO) Dù đã có biển báo cấm họp chợ, nhưng hàng ngày khu "chợ cóc” bên đường tàu Cổ Nhuế (Hà Nội) vẫn buôn bán tấp nập.

>> Gian nan dẹp chợ cóc
>> Chợ tiền tỉ thua chợ cóc
>> Chợ 'cóc' ép chợ mới
>> Bảo kê lộng hành chợ cóc Quan Hoa
>> Chợ cóc đông, siêu thị ế
>> Chợ cóc cạnh khu công nghiệp lấn quốc lộ
>> Hà Nội: Danh sách chợ cóc cần sớm giải tỏa

Chúng tôi có mặt ở "chợ cóc", thôn Trù 1, xã Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội vào một buổi sáng mưa phùn nhưng chợ vẫn mua bán rất tấp nập. Là khu "chợ cóc" nhưng chợ buôn bán từ sáng tới tối tất cả các ngày trong tuần, không khác gì các chợ chính. Người mua kẻ bán nhộn nhịp với đầy đủ các mặt hàng thiết yếu: Từ thịt, cá, hoa quả cho đến giày, dép, quần, áo…

Bà Hoa một người bán rau ở chợ cho biết: “Tôi bán mấy mớ rau nên ngồi đây cho đỡ chật lại không phải đóng phí chợ, lúc đầu chợ này chỉ một vài người nhưng thấy buôn bán được họ kéo nhau ra nhiều thế này. Nếu tàu chạy qua, nghe tiếng còi thì tôi lại chạy vào phía bên trong, tàu qua lại ra bán tiếp”.

Đấy là tâm lý chung không chỉ với người bán mà cả người mua. Hoàng Trung Đức (sinh viên Đại học Điện Lực) chia sẻ: “Mình mua hàng ở "chợ cóc" vì nó gần phòng mình, đỡ phải đi xa lại không phải chen chúc, giá cả cũng hợp với túi tiền sinh viên”.

Đây là đoạn đường sắt chạy qua khu đông dân cư, không hề có hàng rào che chắn. Những người bán hàng ngồi chỉ cách đường tàu chưa đầy mấy bước chân.

Đùa với tử thần

"Chợ cóc" đang họp nhộn nhịp thì tiếng tàu hỏa réo lên từng hồi, nhưng cả người mua lẫn người bán vẫn bình thản mua bán hàng ngay trên đường sắt. Khi tàu chở hàng chỉ còn cách vài chục mét, những người buôn bán mới chạy dạt sang hai bên để nhường lối đi cho tàu.

Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Hiếu nhân viên gác rào chắn tại chốt Cổ Nhuế gần khu vực chợ hoạt động chia sẻ: “Đây là đoạn đường sắt chuyên dùng cho tàu chở hàng chạy qua nên giờ giấc thất thường, việc họp chợ ngay bên đường tàu không có hàng rào chắn rất nguy hiểm. Lúc đầu chỉ vài người ngồi bán hàng nhưng dần dần nó đã trở thành phiên “chợ cóc” tự phát, chính quyền đã nhiều lần can thiệp nhưng chưa đưa lại hiệu quả. Thực tế ở khu vực này đã xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm vì tàu hỏa lao vào, có người chết, người thì bị thương nặng”.

Chỉ vì miếng cơm manh áo và sự tiện lợi trước mắt, mà những người bán, người mua ở đây sẵn sàng đối mặt với tử thần bất cứ lúc nào.

Thanh Niên Online ghi lại một số hình ảnh tại chợ cóc bên lối đi "hung thần".

Chợ bên lối đi “hung thần”
Khu "chợ cóc” tấp nập lúc sáng sớm
Chợ bên lối đi “hung thần”
Những người bán hàng làm thịt gà ngay bên đường tàu
Chợ bên lối đi “hung thần”
Xe máy của người bán hàng và khách để ngay bên đường tàu
Chợ bên lối đi “hung thần”
Một bà bán hoa quả đang bày hàng ra

Theo điểm b khoản 1 Điều 35 Luật Đường sắt năm 2005 (có hiệu lực từ ngày 1.1.2006), phạm vi giới hạn hành lang an toàn giao thông đường sắt được xác định mỗi bên là 15 m tính từ mép ray ngoài cùng đối với những đoạn đường bằng phẳng trong khu gian (đoạn đường sắt nối hai ga liền kề); đối với những đoạn đường sắt trong ga, trong cảng, trong tường rào thì khoảng cách mỗi bên là 2 m. Quy định về khoảng cách 15 m nhằm đề phòng những sự cố như nếu có lật tàu thì nhà cửa và cư dân ở cặp theo đường sắt sẽ ít bị thiệt hại.

Phan Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.