Hồi sinh sau ngày thống nhất: Những người 'tạm tuyển'

Mai Thanh Hải
Mai Thanh Hải
28/04/2019 06:51 GMT+7

Trong nhà truyền thống của Nhà máy A41 thuộc Cục Kỹ thuật, Quân chủng Phòng không - Không quân nằm cạnh sân bay Tân Sơn Nhất, hiện vẫn treo trang trọng các tấm hình chụp cảnh những người đàn ông mặc quần loe cặm cụi sửa máy bay.

Đại tá Lê Xuân Quyền, Chính ủy nhà máy, kể: “Đó là những nhân viên chế độ cũ, đã cùng cán bộ, nhân viên kỹ thuật nhà máy tiếp quản, làm chủ những máy bay chiến lợi phẩm, ngay sau ngày 30.4.1975. Nếu không có họ, hàng ngàn máy bay thu hồi khó cất cánh”.

Canh giữ không cho “hôi của”

Cuối tháng 3.1975, thiếu úy kỹ sư Lê Văn Oanh (khi đó 24 tuổi) vừa tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật không quân Zhukovsky, Liên Xô, nhận công tác tại Nhà máy A39 (Yên Bái) thì được lệnh về tập trung tại Quân chủng Phòng không - Không quân (QC PK-KQ) để chuẩn bị vào tiếp quản miền Nam. Ngày 25.4.1975, thiếu úy Oanh và đoàn công tác K1 của QC nhận cơ số trang bị đi B, xuống cảng Hải Phòng đi tàu hải quân xuôi phía nam. Để đảm bảo bí mật, đoàn công tác phải chui xuống khoang hàng của tàu vận tải. Rạng sáng 28.4.1975, tàu cập cảng Nha Trang để chuyển phương tiện hành quân là xe tải của đoàn 559, tiếp tục đi sâu xuống phía nam. Sáng 2.5.1975, đoàn K1 vào sân bay Tân Sơn Nhất tiếp quản căn cứ của Không đoàn 50 Quân lực VN Cộng hòa (VNCH).
Cuối tháng 12.1975, tôi dẫn cả đoàn mấy chục nhân viên tạm tuyển ra sân bay Nha Trang hồi phục máy bay C-47 và bay về Tân Sơn Nhất. Cấp trên cứ lo họ khống chế tôi và cướp máy bay. Tôi bảo: Người ta còn vợ con, quê hương ở đây, không sợ đâu
Thượng tá Lê Văn Oanh, nguyên Chủ nhiệm kỹ thuật Nhà máy A41
Thiếu úy Lê Văn Oanh và Nguyễn Hữu Sửu được giao nhiệm vụ quản lý nhà chứa máy bay, khu động cơ nổ, động cơ phản lực, thủy điều, vật cụ yểm trợ... rộng mấy ki lô mét vuông.
“3 tháng trời, tôi và 2 chiến sĩ cảnh vệ sẵn sàng súng đạn canh giữ khu vực, không cho người khác vào lục lọi, phá, trộm cướp chiến lợi phẩm”, thiếu úy Lê Văn Oanh (hiện 70 tuổi, về hưu từ năm 2007 với quân hàm thượng tá, Chủ nhiệm kỹ thuật Nhà máy A41) nhớ lại.
Trưa 30.4.1975, thiếu úy Nguyễn Thanh Lâm (khi ấy 27 tuổi đang làm nhiệm vụ đặc biệt tại Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh) biết tin Sài Gòn giải phóng, nằng nặc xin cấp trên: “Tôi quê Vĩnh Long, được sang Liên Xô học cao đẳng kỹ thuật KQ. Nay thống nhất, đề nghị cho tôi về phục vụ quê hương miền Nam”. Biết thiếu úy Lâm là con trai của Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thanh Sơn (nguyên Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, nguyên Tư lệnh và Chính ủy quân tình nguyện VN tại Campuchia), đến tháng 5.1975, cấp trên mới đồng ý cho thiếu úy Lâm chuyển công tác vào miền Nam. “Xuống Tân Sơn Nhất, tôi hoa mắt khi thấy cơ man là máy bay. Ý định là sẽ đi theo chuyên ngành phản lực, nhưng khi thấy chiếc C-130 tiến lùi băng băng nên đồng ý nhận công tác kỹ thuật máy bay vận tải”, đại tá Nguyễn Thanh Lâm, nguyên Giám đốc Nhà máy A41, hiện nghỉ hưu tại TP.HCM, kể lại.
Ngày 20.5.1975, đoàn tiếp quản chính thức được giao quản lý hơn 300 máy bay gồm 15 kiểu loại và hàng chục ngàn mét vuông nhà xưởng, kho bãi vốn là căn cứ của Không đoàn 50 làm nhiệm vụ bảo trì, tiếp liệu cho Sư đoàn 5 KQ VNCH.
“Người ít, đồ nhiều” nên ban đầu ta chỉ tập trung quản lý các khu vực quan trọng như khu hăng-ga động cơ nổ, xưởng chong chóng - thủy điều, xưởng vũ khí - không ảnh - vật cụ yểm trợ, báo động điện tử (trinh sát điện tử), vô tuyến điện, trung tâm quy chuẩn. “Những ngày đầu vào Sài Gòn, chỉ anh em tiếp phẩm và người có nhiệm vụ mới được ra phố, còn lại phải tập trung phân loại, dồn dịch số máy bay, khí tài còn sử dụng được, dọn dẹp những vũ khí, đạn dược, máy bay hỏng, cùng với công binh thu gom, phá hủy số bom, đạn vương vãi”, ông Oanh nhớ lại và cười: “Hồi ấy, quan trọng nhất là bảo quản máy móc thiết bị, không để bị mất, bị phá”.

“Tạm tuyển” nhưng làm thật

Giữa tháng 6.1975, Bộ Quốc phòng thành lập xưởng sửa chữa máy bay cánh quạt phiên hiệu A41, trực thuộc Cục Kỹ thuật PK-KQ. “Quản lý gần 300 máy bay, từ vận tải C-130, C-119, C-119K, C-7A, C-47 cho đến trinh sát L-19, U-17, U-6A, EC-47, T-41, T-37 và trực thăng UH-1A nhưng đội ngũ tiếp quản chỉ quen với máy bay Liên Xô, lúng túng như gà mắc tóc”, trung tá Trần Ngọc Khanh, xưởng trưởng đầu tiên của A41 nhớ lại.
Thời điểm trước 30.4.1975, Không đoàn 50 VNCH có hơn 1.200 nhân viên kỹ thuật chủ yếu đào tạo từ Mỹ, Philippines nên có trình độ rất cao. Sau ngày 30.4.1975, số này tự giải giáp về gia đình, chủ yếu ở nội thành Sài Gòn. Để đảm bảo hoạt động bình thường của vùng mới giải phóng, đầu tháng 5.1975 Ủy ban Quân quản thành phố ra lời kêu gọi: “Nhân viên kỹ thuật làm việc cho chế độ cũ về lại cơ sở cũ hoạt động bình thường”. Ngay sau khi lời kêu gọi được phát trên hệ thống loa truyền thanh, cả nghìn kỹ sư, nhân viên kỹ thuật lục tục kéo về Tân Sơn Nhất trình diện, đăng ký làm việc cho A41.
Ông Nguyễn Bá Hỉ là cán bộ chính trị đầu tiên của Cục Kỹ thuật PK-KQ được giao nhiệm vụ cùng ngành chức năng tuyển chọn nhân viên kỹ thuật của chế độ cũ vào làm việc tại A41. Các nhân viên này được gọi là “nhân viên tạm tuyển”. Ông Hỉ kể: Phải chọn người được đào tạo ở nước ngoài, có nhiều kinh nghiệm trong điều hành, quản lý, tay nghề giỏi. Họ giúp ta nhanh chóng nắm bắt quy trình công nghệ sửa chữa các loại máy bay chính C-130, C-119, C-47, C-7A, U-17... và đưa guồng máy của A41 vào hoạt động. Ban đầu tạm tuyển, sau một thời gian rèn luyện thử thách, mới tuyển chính thức.
70 tuổi, nhưng ông Lê Văn Oanh vẫn nhớ như in những ngày đầu tiếp nhận “nhân viên tạm tuyển” vào làm việc tại xưởng động cơ máy bay. Với tâm niệm “Quý khí tài bao nhiêu thì phải quý người có kỹ thuật cao bấy nhiêu”, ông Oanh dành thời gian đọc hồ sơ của mấy trăm “nhân viên tạm tuyển” để đánh giá khả năng kỹ thuật của từng người.
“Xưởng tôi chỉ có gần 20 cán bộ tiếp quản, trong khi nhân viên tạm tuyển cao điểm lên đến 500 người nên việc quản lý rất vất vả. Mình phải có phương pháp để họ nể phục, tận tâm làm việc”, ông Oanh nhớ lại, và cho biết: “Tuần đầu tiên, có nhân viên tạm tuyển chỉ tôi chiếc xe hơi đậu trong xưởng, hỏi có lái được không. Mình biết họ thử nên yêu cầu họ hướng dẫn. Chỉ sau 30 phút là điều khiển thành thạo khiến cả xưởng xuýt xoa: Bộ đội miền Bắc quá lanh. Cuối tháng 12.1975, tôi dẫn cả đoàn mấy chục nhân viên tạm tuyển ra sân bay Nha Trang hồi phục máy bay C-47 và bay về Tân Sơn Nhất. Cấp trên cứ lo họ khống chế tôi và cướp máy bay. Tôi bảo: Người ta còn vợ con, quê hương ở đây, không sợ đâu. Sau này, mấy nhân viên tạm tuyển kể lại: Họ lén theo dõi bữa ăn của bộ đội giải phóng, thấy cũng chỉ cá khô, bo bo như họ và không có chuyện đánh mắng, chửi bới nên bảo nhau bộ đội cũng sống khổ, mình trốn đâu cũng vậy thôi”.

Vào trại giam tìm người giỏi

Đại tá Nguyễn Thanh Lâm, nguyên Giám đốc Nhà máy A41, nhớ lại thời điểm cuối năm 1975, khi vẫn là thiếu úy trưởng ban kỹ thuật. Qua tìm hiểu các nhân viên tạm tuyển, biết có một đại úy kỹ sư tên Quân rất giỏi đang bị giam giữ cải tạo tại Xuân Lộc (Đồng Nai). Ông Lâm xin ý kiến cấp trên cho kỹ sư Quân về giúp nhà máy việc chuyên môn. Được đồng ý, ông Lâm ngồi xe jeep lên trại giam gặp kỹ sư Quân mời về làm việc. Kỹ sư này đã giúp A41 phục hồi, đưa vào sử dụng các máy bay vận tải C-130, C-119 ngay tức thì và đây cũng là đầu mối để tìm những người giỏi khác.
Đến giờ, những cán bộ A41 nghỉ hưu vẫn cười khi nhớ lại chuyện: Hết quý 3/1975, nhà máy phát động đợt thi đua với chủ đề: “Thi đua giành 3 đỉnh cao” (ngày giờ công cao, năng suất lao động cao, chất lượng sản phẩm cao). Việc này quá bình thường đối với quân ta nhưng với nhân viên "tạm tuyển" thì quá bất ngờ, cứ thắc mắc “Tại sao phải thi đua”. Khi được giải thích và quen với nếp sống, họ mới “à” lên thông hiểu và nhiều người còn hăng hái tham gia hoạt động văn nghệ, báo tường, viết tranh cổ động... (còn tiếp)
 
“Đầu năm 1975, KQ VNCH có 1.193 máy bay các loại ở 6 sư đoàn KQ, 2 xưởng đại tu và 282 sân bay lớn, nhỏ. Cuối tháng 5.1975, ta thu hồi được 877 máy bay các loại, trong đó 20% có thể sử dụng ngay. Riêng ở sân bay Tân Sơn Nhất, ta thu 76 máy bay vận tải quân sự và 206 máy bay chiến đấu. Đến tháng 11.1975, QC PK-KQ đã sửa chữa, hồi phục bay được gần 300 chiếc, số đang chuẩn bị bay thử và có khả năng sửa chữa khoảng 200 chiếc, số còn lại đề nghị Bộ Quốc phòng cho hủy để tháo lấy phụ tùng thay thế”.
(Nguồn: QC PK-KQ)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.