Cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ

18/06/2020 08:15 GMT+7

Quốc hội đã thông qua luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và luật Đầu tư (sửa đổi). Dịch vụ đòi nợ thuê cũng được đưa ra khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện và được đưa vào hạng mục 'cấm kinh doanh'.

Ngày 17.6, Quốc hội đã thông qua luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và luật Đầu tư (sửa đổi).

Chưa đưa 5 triệu hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp

Dự án luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã được thông qua với 438/457 đại biểu (ĐB) tán thành. Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (QH) Vũ Hồng Thanh cho biết, sau khi gửi phiếu lấy ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ QH quyết định bỏ quy định về hộ kinh doanh trong luật sửa đổi lần này. Đồng thời, cũng bỏ quy định về chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp (DN), mà giao Chính phủ hướng dẫn đăng ký và hoạt động đối với hộ kinh doanh.
Một nội dung khác cũng được chú ý là định nghĩa DN nhà nước (DNNN). Theo đó, DNNN là các DN do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Luật hiện hành quy định DNNN là DN mà nhà nước chiếm 100% vốn điều lệ. Theo Ủy ban Thường vụ QH, quy định như dự thảo là thể chế hóa chủ trương theo Nghị quyết 12 của T.Ư 5 khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN.
Dự thảo luật đã sửa đổi khái niệm DNNN theo nguyên tắc phân chia các loại DN có sở hữu nhà nước theo mức độ sở hữu khác nhau, mỗi loại hình DN có quy định về tổ chức quản trị phù hợp để nâng cao hiệu lực quản trị, bảo đảm bình đẳng với DN thuộc các thành phần kinh tế khác. Luật sẽ chính thức có hiệu lực từ 1.1.2021.

Thủ tướng có quyền đình chỉ dự án phương hại an ninh quốc gia

Với 446/458 ĐB tán thành (8 ĐB không tán thành, 4 ĐB không biểu quyết), chiều 17.6, QH đã biểu quyết thông qua luật Đầu tư (sửa đổi), trong đó có điều khoản thu hồi dự án nếu ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Theo đó, việc thu hồi dự án dạng này được quy định tại khoản 3 điều 5 về chính sách về đầu tư kinh doanh: “Nhà đầu tư bị đình chỉ, ngừng, chấm dứt hoạt động đầu tư kinh doanh nếu hoạt động này gây phương hại hoặc có nguy cơ gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia”.
Khi góp ý về quy định này, có ý kiến ĐB cho rằng, vấn đề quốc phòng, an ninh quốc gia có phạm vi rất rộng, cần quy định cụ thể về trình tự, thủ tục để xác định và giải quyết đối với dự án bị đình chỉ để tránh ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.
Giải trình về việc này, Ủy ban Thường vụ QH cho biết để thực hiện chính sách trên, dự án luật đã bổ sung nhiều quy định về quốc phòng, an ninh quốc gia, xác định thẩm quyền quyết định trong từng trường hợp cụ thể. Trong đó, quy định chỉ Thủ tướng có thẩm quyền ngừng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư gây phương hại, hoặc có nguy cơ gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia theo đề nghị của Bộ KH-ĐT (khoản 3, điều 47); qua đó, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, đồng thời hạn chế gia tăng thủ tục hành chính, tránh gây khó khăn cho các nhà đầu tư.
Luật được thông qua lần này cũng giảm 16 ngành nghề khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện, trong đó có một số ngành đáng chú ý như: kinh doanh dịch vụ xét nghiệm HIV; kinh doanh dịch vụ ngân hàng mô; kinh doanh dịch vụ hỗ trợ sinh sản, lưu giữ tinh trùng, lưu giữ phôi; kinh doanh dịch vụ tiêm chủng…
Ngoài ra, dịch vụ đòi nợ thuê cũng được đưa ra khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện và được đưa vào hạng mục “cấm kinh doanh” với 436/456 ĐB tham gia biểu quyết tán thành (điều khoản này được biểu quyết riêng).
Chiều 17.6, thảo luận về luật Người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), nhiều ĐB đề nghị Chính phủ cần hoàn chỉnh cơ chế pháp lý để bảo vệ NLĐ Việt Nam tại nước ngoài. ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng NLĐ Việt Nam tại nước ngoài đang phải đối mặt với nhiều rủi ro, bị bạo lực, xâm hại.
Một khảo sát cho thấy, trong quá trình làm việc, có khoảng 70% NLĐ Việt Nam đang phải đối mặt với một số hình thức vi phạm quyền lao động, ít được tiếp cận các biện pháp xử lý pháp lý. ĐB Tám cho rằng dù dự thảo luật đã đưa ra nhiều quy định về nghĩa vụ DN, trách nhiệm cơ quan đại diện ngoại giao, song cơ chế thực hiện trách nhiệm như thế nào, cơ chế bảo vệ NLĐ như thế nào thì chưa được làm rõ.

Xây nhà dưới 7 tầng ở nông thôn không cần xin giấy phép

Chiều 17.6, với 449/462 ĐB tán thành, QH đã thông qua luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Xây dựng. Một trong những điểm mới của luật vừa được thông qua là điều chỉnh các quy định về cấp giấy phép xây dựng.
Theo đó, luật quy định 10 trường hợp được miễn giấy phép xây dựng. Trong đó, công trình xây dựng cấp IV, nhà ở riêng lẻ ở nông thôn có quy mô dưới 7 tầng và thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt là một đối tượng được miễn giấy phép xây dựng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.