Di cảo chưa từng công bố của học giả Vương Hồng Sển:

Thói ăn nết ở của người miền Nam xưa

11/05/2023 06:48 GMT+7

Lời ca khúc Ngẫu hứng lý qua cầu của Trần Tiến có đoạn: "Về đây người quê chỉ có tấm lòng. Có chiếc xuồng ba lá để yêu em". Vậy, xin tò mò thế nào là "xuồng ba lá", tên gọi này do đâu?

Tờ báo Thông loại khóa trình do cụ Trương Vĩnh Ký chủ trương, số 3 phát hành vào tháng 6.1888, cho biết ở miền Nam có loại ghe tam bản là do nói trại từ "sam" thành "tam": "Sam bản là loại như ván thông, dùng mà đóng xuồng nhỏ nhỏ". Cách giải thích này, đã chuẩn nhưng vẫn cắc cớ hỏi thêm "sam/sam bản" do đâu mà ra?

Với kiến thức hạn hẹp, tôi cho rằng trong di cảo chưa in Mãn họa tùng đình của cụ Vương Hồng Sển lý giải thuyết phục hơn cả, lưu ý, cụ ghi tam bảng: "Các thuyền xuồng và ghe nhỏ gọi là tam bảng (Pháp gọi sapan, mượn của tiếng Tàu Quảng Đông)".

Các ghe xuồng này đậu dọc bến sông chuyên chở gạo, củi, lá lợp nhà, trái cây, heo cúi, gà qué, nước mắm… đi giao khắp nơi tạo nên cảnh sầm uất, nhộn nhịp "trên thuyền dưới bến". Còn nhà cửa người miền Nam thuở xa xưa ấy, xây cất như thế nào?

Thói ăn nết ở của người miền Nam xưa - Ảnh 1.

Sinh hoạt của người miền Nam thời xưa

TƯ LIỆU TÁC GIẢ

Cụ Vương Hồng Sển tiết lộ hầu hết "vẫn là nhà nhỏ thấp hẹp. Lợp tranh vách lá hoặc vách đất, bện phên tre hoặc chỉ một căn khá rộng, hoặc chỉ một căn lớn một căn nhỏ gọi "nhà một mẹ bồng con" hoặc ba căn (khá giả). Cách chưng dọn nhà nào cũng như nhà nấy, nơi gian giữa đặt một giường thờ, tức là một cái chõng, cao hơn giường nằm, nhà khá thì đóng ván tư, ván ba, nhà nghèo thì chõng tre, trên lót vạt tre (Bắc gọi giát), trên chõng trải chiếu, đệm để đồ vật hay bày biện theo khả năng của chủ nhà: đèn dầu, ấm nước, nhang bánh trái cây đơm quải cúng kiếng ông bà, nay còn danh từ "gường thờ, bát nước" và câu xưa:

Ngày đơm tháng quải ông bà

Dầu dưa đĩa muối gần xa cũng về

Hai bên chái thì lót giường nằm cho chủ nhà và nơi kệ vách chứa vật dụng; đàn bà, con gái thì ở riêng, có buồng kín đáo nơi phía sau gian nhà giữa. Ban đêm, việc đồng áng xong xuôi, có vài ngọn đèn dầu phộng, dầu mỡ cá, chong leo lét hoặc trên thếp sành, có tim cỏ bấc (tim bức), tim vải làm ngọn, mờ tỏ cũng bất chấp, ông bà con cháu tụ lại, trẻ học, người lớn nói thơ, thiệt là ấm cúng… Khi dầu đã hao tim đã lụn, thì chế thêm dầu và khơi tim đèn lên, với đóm lửa nhỏ, cả nhà ngồi quanh bóng đèn, nhai trầu, nói chuyện, cóc cần giàu sang".

Về nhà cửa của người miền Nam xưa là thế, còn cách ăn mặc thế nào? Xin tóm tắt, đại khái, cụ Vương Hồng Sển cho biết đàn ông mặc "quần đùi áo cánh", may bằng vải to, nhuộm màu vỏ cây, vỏ cây dà, vỏ cây cóc; đàn bà mặc như đàn ông nhưng vạt dài hơn, nhuộm màu măng cụt, nơi ngực che thêm tấm yếm gọi là"quần vận yếm mang".

Đến chi tiết này mới thật sự lạ mà trước đây tôi chưa đọc được ở đâu: "Đàn ông, trưởng thành, kẻ khá có ăn, nơi lưng có một dây con để chứa trầu cau, thuốc hút, ngay từ thời Tây chiếm, chứa thêm tấm giấy thuế thân (giấy căn cước, giấy thông hành ngày nay), đeo xệ xệ lững chững trước bụng, có khi sa xuống nơi chỗ "đồ kín", trông thật buồn cười, dãy ấy gọi là "cái tẫu phệ", "cái hầu bao", "hồ bao"… Người nghèo thì lưng trần, quần đủ che "bộ đồ", có đâu tiền sắm hồ bao, dư một cắc bạc hay đồng tiền hoẻn (tiền kẽm mỏng) thì nhét lỗ tai, mép tai, đầu tóc, đủ vinh…".

Suy luận rằng, cái "hồ bao" từ xửa từ xưa ấy, ngày nay vẫn còn với tên gọi cái "bao tử" mà người ta cũng đeo xệ xệ ngay thắt lưng quần, tất nhiên mẫu mã đẹp hơn, kể cả trên miệng của nó còn có "phẹt-mơ-tuya" mở khép dễ dàng!

"Còn đàn bà thì buột vào lưng một dãy dài (y như cái bọng xe ngày nay), may bằng vải chắc, gọi là "ruột ngựa", trong chứa trầu cau, thuốc xỉa, tiền kẽm, bạc cắc, xu con, có người kỹ lưỡng còn may thêm một cái bọc nho nhỏ kẹp vào ruột ngựa, và lộn tiền bạc vào trong, rồi lận vào lưng quần cho khỏi bị móc túi giựt tiền". Suy luận rằng, cái "ruột ngựa" này đã hoàn toàn biến mất, thay thế vào đó là cái túi xách với vô vàn mẫu mã, chất liệu khác nhau.

ẤT CÓ LỀ, QUÊ CÓ THÓI"

Về miền Nam thuở ban đầu, lưu dân từ miền Ngũ Quảng vào đây khai hoang, lập vườn, dựng nhà, ngoài những "dưới sông cá lội, trên rừng cọp um" cụ Sển cho biết thêm nỗi khổ của thiếu nước ngọt.

Xin chép lại một giai thoại do cụ kể lại để ta có thể hình dung ra sinh hoạt một thời nước ngọt còn quý hơn vàng: "Một người Triều Châu làm ruộng muối ở Bạc Liêu, khách phương xa đến nhà, đãi cơm đãi rượu mà không đãi nước uống, khách lạ hỏi, họ nói tiếng Việt cứng và cộc lốc: "Nước mưa không đủ để rửa dái (ngoại thận), có đâu nước ngọt cho "lứ" uống! Xin khách đừng giận, người Tiều ăn nói làm vậy nhưng bụng dạ rất tốt, tình thật nơi ruộng muối, người lao động gánh muối trưa nắng, hơi muối bay lên đóng vào chỗ lắt léo… làm nứt da nứt thịt làm nhức nhối vô cùng".

Vậy phải làm sao? "Thuốc trị vốn là chiều chiều lấy nước mưa chấm bông gòn rửa sạch muối đóng và thoa chút dầu dừa, dầu phộng là êm ái chỗ da nứt". Cụ Sển kết luận: "Lời họ tuy thô nhưng tỏ được nỗi lòng trọng nước uống hơn thức ăn".

Câu chuyện về sinh hoạt của người Nam xưa còn nhiều, tôi tạm dừng ở đây, hoàn hoàn đồng tình với quan điểm của cụ Vương Hồng Sển: "Theo ý riêng tôi, chúng ta ngày nay bước vào con đường văn minh, tân tiến, nhưng cần giữ lại đất lề quê thói ngày xưa… để hiểu cách ăn lối sống cổ nhân… Mặc dầu những dấu tích ấy đã không còn, miễn danh từ cũ còn lại là văn hóa còn". (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.