Chuyện tình cụ Vương Hồng Sển

12/12/2006 22:18 GMT+7

Ngày 9/12/2006, kỷ niệm 10 năm ngày mất nhà văn hóa Vương Hồng Sển, tại trụ sở mới của tạp chí Xưa và Nay (181 Đề Thám, quận 1, TP.HCM) đã cử hành lễ tưởng nhớ cũng như trưng bày một số hình ảnh, hiện vật của cụ Vương với sự tham gia đông đảo các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà báo, nhà sưu tập cổ vật trong nước.

Trong dịp "đốt lò hương cũ nhớ người xưa" này đã có nhiều phát biểu nêu bật những đóng góp của cụ Vương đối với sự nghiệp văn hóa nước nhà. Riêng về cuộc sống tình cảm của cụ, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn và một số vị khác có nhắc đến nữ nghệ sĩ Năm Sa Đéc và hình bóng của một "em Tuyết" đẹp tuyệt vời đã làm rung động trái tim của cụ từ thuở thanh xuân cho tới lúc bạc đầu. Vậy "em Tuyết" là ai?

Kỳ 1: Nhà xưa mái Tuyết...

Cô Dương Thị Tuyết đẹp có tiếng ở vùng chợ Sóc Trăng vào những năm cuối thập niên 20 của thế kỷ trước. Đẹp đến nỗi cụ Vương Hồng Sển gọi bằng mấy tiếng "sắc nước hương trời" và vẻ tươi mát trẻ trung như hoa hàm tiếu sánh với những nụ "hoa đào vừa hé". Ngoài sắc đẹp được xếp vào hàng hoa khôi trong vùng, cô Tuyết lại là cháu nội của bà phủ An nức tiếng giàu có với 2.000 mẫu ruộng cò bay thẳng cánh và gia sản sáng lòa với nhà cao cửa rộng mà tiếng đồn phú quý lan khắp Sài Gòn. Thế nhưng có hai điều đã đặt "em Tuyết" (chữ cụ Vương Hồng Sển dùng) trước ngã năm ngã sáu đường đời.

Một là, bà phủ An do một chướng duyên nào đấy đã "không nhìn" cô cháu nội (Tuyết) của mình trong một thời gian dài, lúc đó cô Tuyết vừa đang trong độ tuổi trăng tròn. Hai là, ba má cô Tuyết rất ham đánh bạc, tiền của trong nhà đội nón ra đi khiến cho "nợ thiếu tứ giăng". Trong tình cảnh như vậy, cô Tuyết như một đóa hoa hàm tiếu nở hé trên đất nóng. Chẳng thiếu gì người mơ ước được đem những giọt nước mát tưới cho đời Tuyết được tươi, trong số đó có một thanh niên 26 tuổi.

Thanh niên đó chính là Vương Hồng Thạnh, sinh năm Nhâm Dần (1902) tại Sóc Trăng (cùng quê với Tuyết). Mấy chữ Vương Hồng Thạnh (đọc theo âm Hán Việt) khi làm khai sinh (ghi theo chữ Quốc ngữ) mới thành Vương Hồng Sển. Chữ Sển, theo một số người hiểu chuyện, thì không có nghĩa gì, mà chỉ do đọc chệch âm "Thạnh" mà ra. Tới năm 17 tuổi, chàng Vương rời Sóc Trăng lên Sài Gòn học Trường Chasseloup Laubat tức Trường Jean Jacques Rousseau sau này (nay là Trường Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM). Bốn năm sau, tốt nghiệp Thành chung lúc 21 tuổi (1923). Đến năm 23 tuổi đã cưới vợ, không phải "em Tuyết" mà là cô Trần Thị Th. nhưng chỉ ở với nhau 9 tháng rồi ly dị.

Khi cuộc hôn nhân đầu tiên trong đời khép lại, chàng Vương mới mở ra một cánh cửa mới nhằm đến "em Tuyết" mà Vương thương yêu nồng nàn và cũng đau khổ nhiều năm vì Tuyết. Bấy giờ, chàng Vương 26 tuổi và cô Tuyết mới 17 tuổi (1928) đã làm lễ thành hôn và sống chung với nhau trong 19 năm trước khi chia tay. Lúc mới gặp nhau, chàng Vương đưa "em Tuyết" từ chốn tha hương về lại quê Sa Đéc và sau này trong một hồi ức đã kể lại đoạn trường tứ cố vô thân ấy như sau: "Rồi từ ngày anh (Vương Hồng Sển) đưa em (Dương Thị Tuyết) về tỉnh Sa Đéc, mười lượng vàng của mẹ anh mãn phần trối để lại, anh dâng cho nhạc phụ, nhạc mẫu làm lễ sính, ông bà "nướng" tất cả trong sòng me (cờ bạc), cầm thế cho nhà Tăng Quang Vỉ, 10 lượng thế lấy 600 đồng bạc đầm xòe, khi mẹ chúng ta mất rồi, người bố ghẻ hứa chuộc nhưng không giữ lời...".

Nhà xưa mái Tuyết phai tàn
Tình xưa vẫn ngõ mấy hàng song song

Ảnh: Diệp Đức Minh

Tình cảnh lúc ấy thật bi đát. May sao bà phủ An thay đổi thái độ nhìn nhận "em Tuyết" làm cháu ruột của mình và cho hưởng gia tài. Khi bà phủ mất năm 1931 đã trối lại cho "em Tuyết" một gia sản không nhỏ trong đó có đôi bông 6 ly là đôi bông tai kim cương mà bà đã đeo từ lúc còn sống, nhất là "cái vòng xoàn đeo cổ, đếm 16 miếng vàng có nhận hột xoàn từ 3 đến 4 ly (nếu biết lấy xoàn này nhận làm bông tai sẽ có 160 đôi hoa tai, mỗi đôi nay giá mấy triệu đồng)". Nhưng về sau này tất cả của cải nói trên theo lời thuật của cụ Vương thì "thảy đều tiêu tan như bọt xà phòng vì em Tuyết thua bài thua bạc sạch trơn".

Còn những ngày hàn vi chân ướt chân ráo ở Sài Gòn về Sa Đéc lại rất ấm áp như cụ Vương kể: "mỗi đêm anh mê chia bài thiên cửu, dắt em theo ngồi ngoài sòng chờ anh sát phạt ba cây bài gỗ, đến khuya rủ nhau đi xơi mì chú Dầu nơi mé rạch Sa Đéc, qua năm 1931 đổi về tỉnh nhà Sóc Trăng, rồi năm 1938 đổi lên Cần Thơ, kế thuyên chuyển về đô thành Sài Gòn làm việc nơi Soái phủ Nam kỳ, có tiền dư, có sức khỏe, ngờ đâu từ ngày xảy ra việc binh Nhựt tràn vào cõi Nam, tiếp theo là cuộc Pháp mất thuộc địa, toàn quyền Decoux bị hạ bệ, Nhựt hất chưn Tây, để lãnh đủ hai trái bom (nguyên tử) tan tành giấc mơ Đại Đông Á, đôi ta chạy về ruộng nhà ở làng Hòa Tú, trần ai khổ cực có nhau, bỗng chuyến trở về Châu Thành Sóc Trăng, ngồi dưới sương lạnh trọn một đêm dài, về tới nhà phụ thân anh, em xán một bịnh trối chết, bịnh ban cua lưỡi trắng, chạy thầy chạy thuốc, bổn thân anh bơm thuốc, hốt bụm chất dơ, em lành mạnh rồi, em đáp xe đò lên Sài Gòn mượn tiếng đi bán xoàn để có tiền chi dụng, ngờ đâu kim cương là đại họa, cái bâu cổ 320 hột quý làm cho đổi trần thay đen...". Nghĩa là về sau những chuyến đi Sài Gòn của "em Tuyết" đã dần dần rời xa mối duyên "nghìn xưa đã lại" với cụ Vương để ra đi cùng một người khác tên là Th. Nỗi đau lại đến với cụ Vương trong "cuộc tình tàn" thứ hai này.

Kỳ 2: Vĩnh biệt "em Tuyết" ở Sài Gòn

Hồng Hạc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.