Thiệt hại kép

16/11/2012 10:25 GMT+7

Mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong những tháng cuối năm, mỗi tháng phải nhập khẩu một lượng nguyên liệu từ 65 - 70 triệu USD. Nếu nhìn xa hơn một chút, trong nhiều năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm sau cao hơn năm trước luôn có sự đóng góp từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Còn thông tin từ Bộ NN-PTNT thì cho biết từ đầu năm đến nay, diện tích nuôi tôm bị thiệt hại lên đến 80.000 ha, tính thành tiền tương đương 5.000 tỉ đồng.

Nhìn vào 2 con số trên chúng ta có thể thấy ngành thủy sản đang chịu thiệt hại kép. Người nuôi trồng thì bị dịch bệnh hoành hành gây thiệt hại đến mấy ngàn tỉ, còn doanh nghiệp cũng phải bỏ ra số tiền rất lớn để nhập nguyên liệu (có một số loại thủy hải sản khác ngoài tôm). Như vậy, dù năm nay kim ngạch xuất khẩu thủy sản có đạt mức tăng trưởng khoảng 1% (khoảng 6,2 tỉ USD) so với cùng kỳ năm 2011 thì hiệu quả kinh tế thật sự không rơi vào túi của người nông dân hay doanh nghiệp.

Thủy sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nhưng đang phát triển thiếu bền vững. Nó thể hiện ở việc trước nay chúng ta chỉ phát triển dựa trên các lợi thế về điều kiện tự nhiên, lạm dụng hóa chất và hậu quả là môi trường bị ô nhiễm, dịch bệnh tràn lan. Kế đến là sự phát triển thiếu quy hoạch, phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu và thức ăn nhập khẩu… khiến giá thành sản phẩm tăng cao. Có điều kiện tự nhiên thuận lợi nhưng tôm nguyên liệu trong nước lại có giá thành cao hơn nguồn nguyên liệu nhập khẩu là điều vô cùng bất hợp lý. Đó là những “nút thắt” làm ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành thủy sản nói chung.

Để sự phát triển của ngành thủy sản không chỉ là những con số nằm trên các bản báo cáo, cần có sự chung tay, đồng lòng từ nhiều phía và từ T.Ư đến các địa phương để tháo gỡ những “nút thắt” trên. Nếu không, trong một tương lai không xa, có thể ngành thủy sản chỉ còn việc là nhập nguyên liệu về gia công chế biến rồi xuất khẩu.

       Chí Nhân

>> Dân nuôi tôm… so bì
>> Chuyên gia thủy sản Hàn Quốc tham quan quy trình nuôi tôm sạch
>> Phá rừng để nuôi tôm
>> Bè nuôi tôm lấn bãi tắm
>> Hộ nuôi tôm đầu tiên được chi trả tiền bảo hiểm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.