Mỹ lo chia sẻ bản quyền vắc xin sẽ giúp Trung Quốc giành lợi thế

09/05/2021 08:11 GMT+7

Việc chính quyền Mỹ ủng hộ chia sẻ bản quyền vắc xin Covid-19 làm dấy lên lo ngại công nghệ dược phẩm sinh học nhạy cảm sẽ rơi vào tay Trung Quốc .

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 5.5 thông báo ủng hộ việc dỡ bỏ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin Covid-19 nhằm chia sẻ công thức bào chế, giúp các nước sản xuất vắc xin chống đại dịch.
Tuy nhiên, nhiều công ty và một số quan chức Mỹ sợ rằng hành động này sẽ làm mất đi lợi thế cạnh tranh của Mỹ trong lĩnh vực dược phẩm sinh học và giúp Trung Quốc đạt bước nhảy vọt hàng chục năm nghiên cứu.
Trong một tài liệu hỏi đáp do chính quyền Mỹ soạn thảo và chia sẻ với các công ty dược, nước này cũng thừa nhận lo ngại việc chia sẻ quyền sở hữu trí tuệ có thể gây tổn hại đến lợi thế cạnh tranh của Mỹ với Trung Quốc, theo Reuters.

Các hãng dược phản đối chia sẻ bằng sáng chế vắc xin Covid-19

Theo một đại diện ngành dược nhận được tài liệu, chính quyền Tổng thống Biden nói rằng có thể giải quyết những lo ngại này thông qua đàm phán tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhưng không nói rõ phương pháp. Hơn nữa, nguồn tin cho biết một số cơ quan Mỹ thậm chí đang mâu thuẫn về cách giải quyết vấn đề này.
Cựu đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, cựu Bộ trưởng Thương mại Gary Locke nói: “Pfizer và Moderna mất nhiều năm để nghiên cứu và phát triển những vắc xin này. Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Nam Phi và các nước khác muốn tiếp cận. Ý định của họ là lấy được bí quyết cơ bản để có thể sử dụng phát triển vắc xin thêm”.
Các hãng dược phương Tây phản đối mạnh mẽ việc chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ vắc xin Covid-19 vì cho rằng các nước nghèo sẽ chậm trễ trong việc thiết lập dây chuyền sản xuất. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh nguồn nguyên liệu thô vốn đã khan hiếm sẽ gây ảnh hưởng đến việc sản xuất và gây tác động chung.
Một quan chức cấp cao chính quyền Mỹ nói rằng trong khi việc cứu người là ưu tiên, Mỹ muốn kiểm tra tác động của việc dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ vắc xin đối với Trung Quốc và Nga trước để đảm bảo việc chia sẻ được thực hiện đúng mục đích.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.