Liên quân Ả Rập sẽ vào Iraq?

11/12/2015 08:16 GMT+7

Xuất hiện thông tin Ả Rập Xê Út, UAE, Qatar và Jordan có thể điều 90.000 binh sĩ sang Iraq để chiến đấu chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).

Xuất hiện thông tin Ả Rập Xê Út, UAE, Qatar và Jordan có thể điều 90.000 binh sĩ sang Iraq để chiến đấu chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).

Lực lượng người Kurd đang tích cực chống IS cùng với quân đội Iraq - Ảnh: ReutersLực lượng người Kurd đang tích cực chống IS cùng với quân đội Iraq - Ảnh: Reuters
Hãng thông tấn Iraq IPA hôm qua 10.12 dẫn lời nghị sĩ Iraq Hanan Al Faltawi cho biết bà nhận được thông tin trên từ những nguồn tin cậy sau các cuộc thảo luận giữa thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, và Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi.
Cuộc gặp diễn ra vào ngày 27.11 vừa qua tại đại bản doanh liên quân Mỹ - Iraq vốn điều phối các hành động quân sự chống IS ở thủ đô Baghdad. “Khoảng 100.000 binh sĩ nước ngoài, bao gồm 90.000 quân từ Ả Rập Xê Út, UAE, Qatar và Jordan, cùng 10.000 lính Mỹ sẽ đóng tại các khu vực miền tây Iraq”, bà Al Faltawi nói. Nữ chính trị gia này nói thêm rằng Thủ tướng al-Abadi “tỏ ra bối rối” với tuyên bố của ông McCain, nhưng nhà lãnh đạo Iraq được thông báo rằng mọi việc đã được quyết định.
Các nguồn tin của bà Al Faltawi không tiết lộ khi nào lực lượng nói trên được triển khai và họ sẽ phối hợp hành động như thế nào với quân đội Iraq trong những chiến dịch tiễu trừ IS trong tương lai.
Theo thông tấn xã Tass của Nga, nếu được xác nhận, sự tham gia của binh sĩ các nước vùng Vịnh tại Iraq sẽ đánh dấu một bước ngoặt mới trong cuộc chiến chống IS, hiện do quân đội Iraq và lực lượng tự vệ người Kurd gánh vác với sự yểm trợ bằng chiến dịch không kích của liên quân quốc tế do Mỹ chỉ huy.
Tại cuộc điều trần của Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ ngày 9.12, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter cho biết Mỹ sẵn sàng cử cố vấn và triển khai trực thăng chiến đấu đến giúp Iraq giành lại thành phố chiến lược Ramadi từ IS. Phát biểu của ông Carter là dấu hiệu mới nhất về sự chuẩn bị của Washington nhằm tăng cường chiến dịch quân sự chống IS, sau khi tổ chức này đánh chiếm nhiều vùng lãnh thổ ở Iraq và Syria. Trong đó, việc Ramadi rơi vào tay IS hồi tháng 5 được coi là một thất bại nặng nề, nên việc nếu tái chiếm thành phố này sẽ là một thắng lợi quan trọng đối với Thủ tướng al-Abadi. Tuy nhiên, Nhà Trắng sau đó thận trọng nói rằng Tổng thống Barack Obama chưa chấp thuận việc sử dụng máy bay trực thăng, và Thủ tướng al-Abadi phải là người đưa ra đề nghị trước.
Trong khi đó, Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục tranh cãi liên quan đến việc Thổ Nhĩ Kỳ gần đây triển khai hàng trăm quân cùng hàng chục xe tăng gần TP.Mosul, miền bắc Iraq. Chính phủ Iraq đã lên tiếng phản đối và kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ rút quân nhưng Ankara đến nay vẫn không làm theo yêu cầu của Baghdad.
Trong phản ứng mới nhất, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm qua cho biết binh sĩ nước này đã đồn trú tại một căn cứ quân sự ở miền bắc Iraq theo yêu cầu của giới lãnh đạo Baghdad kể từ năm ngoái nhưng đến tuần này chính quyền Iraq mới làm “to chuyện”. “Chúng tôi nhận được yêu cầu giúp huấn luyện binh sĩ Iraq từ Thủ tướng Haider al-Abadi và chúng tôi đã lập một doanh trại ở vùng Bashiqa năm 2014”, ông Erdogan nói trong cuộc phỏng vấn với Đài Al Jazeera.
Trong bối cảnh quan hệ giữa 2 nước tiếp tục căng thẳng, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ ngày 9.12 ra thông báo kêu gọi công dân đang ở Iraq, ngoại trừ Khu tự trị người Kurd, rời nước này càng sớm càng tốt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.