Hàn Quốc không tin 'thành ý' của ông Kim Jong-un

09/05/2016 11:50 GMT+7

Phía Hàn Quốc không tin những phát biểu của ông Kim Jong-un và cho rằng đề nghị đối thoại quân sự 2 miền Nam-Bắc của lãnh đạo Triều Tiên là không có thành ý.

Trong bài phát biểu trước đại hội đảng Lao động Triều Tiên hôm 8.5, lãnh đạo Kim Jong-un đề nghị tổ chức “đối thoại, đàm phán” giữa quân đội Triều Tiên và Hàn Quốc vì hòa bình và thống nhất trên bán đảo Triều Tiên.
“Thật khó tin đó là những lời phát biểu có thành ý của lãnh đạo Triều Tiên trong khi vẫn luôn phát triển vũ khí hạt nhân”, Yonhap ngày 9.5 dẫn lời một quan chức quân sự Hàn Quốc.
“Triều Tiên trước hết phải ngưng khiêu khích và thể hiện thành ý muốn phi hạt nhân hóa thông qua hành động của mình”, quan chức không muốn nên tên này nói tiếp.
Ngoài đề nghị đối thoại với Hàn Quốc, ông Kim Jong-un còn cho biết muốn bình thường hóa với các quốc gia thù địch mà Bình Nhưỡng luôn nhắc đến là Mỹ và “tay sai” Hàn Quốc. Theo Reuters, lãnh đạo Triều Tiên tỏ ra “nhượng bộ” khi nói rằng Bình Nhưỡng sẽ ngưng phát triển vũ khí hạt nhân nếu các nước có vũ khí hạt nhân cam kết không đe dọa chế độ Triều Tiên.
Giới chức Hàn Quốc tin rằng nếu đối thoại quân sự diễn ra, Bình Nhưỡng sẽ sử dụng nó để gây áp lực lên Seoul, yêu cầu ngưng tuyên truyền bằng loa phóng thanh dọc biên giới giữa 2 nước - động thái trả đũa của Hàn Quốc sau vụ phóng thử hạt nhân hồi tháng 1.2016 của Triều Tiên, theo Yonhap.
Một cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn Quốc ở trên biển Reuters

Giới quan sát cho rằng việc tuyên truyền của Seoul có hiệu quả rất cao khi so sánh cuộc sống của người dân và quyền tự do ở 2 miền. Điều này tác động lên nhận thức của người dân Triều Tiên ở bên kia biên giới; vì vậy nó được xem là vũ khí nguy hiểm cho chế độ Bình Nhưỡng.

Quân đội Hàn Quốc lắp đặt loa phóng thanh phát liên tục 24 giờ trong ngày tại 11 địa điểm dọc biên giới và dự kiến tăng lên 40 địa điểm vào cuối tháng 11.2016. Triều Tiên cũng lắp loa phóng thanh dọc biên giới để đối phó Hàn Quốc.
Ngoài vấn đề loa phóng thanh, giới chức Hàn Quốc cho biết Triều Tiên còn muốn bàn lại vấn đề biên giới trên biển giữa 2 nước mà Bình Nhưỡng cho rằng không hợp lý; biên giới này - Đường giới hạn phía Bắc (NLL) - được vẽ bởi một hội đồng của Liên Hiệp Quốc sau khi chiến tranh Triều Tiên tạm ngưng hồi năm 1953.
Bình Nhưỡng muốn biên giới trên biển phải được xê dịch về phía nam, và thường xuyên tổ chức các cuộc quấy phá ở khu vực này dù cả 2 nước đã thỏa thuận hồi năm 2006 không gây hấn ở khu vực.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.