Cuộc đấu tiếp theo: Aung San Suu Kyi và quân đội Myanmar

12/11/2015 16:10 GMT+7

(TNO) Sau 2 thập niên bị quân đội Myanmar giam cầm tại gia, bà Aung San Suu Kyi sẽ phải học cách vừa kìm hãm sự thống trị của quân đội để tạo cơ hội cho một xã hội dân sự, vừa phải bắt tay chia sẻ quyền lực với quân đội nếu muốn trụ được.

(TNO) Sau 2 thập niên bị quân đội Myanmar giam cầm tại gia, bà Aung San Suu Kyi sẽ phải học cách vừa kìm hãm sự thống trị của quân đội để tạo cơ hội cho một xã hội dân sự, vừa phải bắt tay chia sẻ quyền lực với quân đội nếu muốn trụ được.

Chân dung người phụ nữ gan lì bậc nhất Myanmar - Ảnh: ReutersChân dung người phụ nữ gan lì bậc nhất Myanmar - Ảnh: Reuters
Quân đội soạn hiến pháp 
Myanmar đã tiến hành thành công cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên trong vòng 25 năm. Đảng NLD của nhân vật đấu tranh cho dân chủ uy tín nhất ở Myanmar, bà Aung San Suu Kyi đã chiến thắng vang dội.
Nghe tới đây dễ tưởng rằng quân đội – lực lượng cầm quyền lâu năm ở Myanmar sắp hết thời tới nơi – từ nay mọi quyền lực sẽ chỉ gói gọn trong đúng chức năng của quân đội. Nhưng nếu đọc qua hiến pháp Myanmar thì sẽ thấy quyền lực rất lớn trong lĩnh vực hành chính dân sự vẫn đang thuộc về quân đội, bao gồm cả quyền cấp phép hộ chiếu và do thám công dân. Sẽ không có gì là khó hiểu khi biết hiến pháp này do chính các tướng lãnh quân đội soạn thảo.
Cục Hành chính tổng hợp – cơ quan được mô tả là xương sống của tất cả các cơ quan hành chính địa phương – nằm dưới sự quản lý của Bộ Nội vụ Myanmar. Mà Bộ Nội vụ, cùng với Bộ Quốc phòng và Bộ các vấn đề biên giới, thuộc quyền điều hành của quân đội.
Quân đội Myanmar không chỉ thao túng về mặt chính trị mà còn hoạt động trong hàng loạt lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế Myanmar, từ khai thác mỏ ngọc bích, mỏ hồng ngọc, sản xuất bia rượu, thuốc lá đến điều hành xe buýt, công ty dệt may, ngân hàng…
Báo New York Times dẫn lời ông Richard Horsey, một nhà tư vấn chính trị từng là quan chức Liên Hiệp Quốc làm việc tại Myanmar, rút ra một kết luận đơn giản: “Không ai có thể điều hành đất nước này mà không có sự ủng hộ của Bộ Nội vụ - cơ quan tương đương tổng tư lệnh quân đội”.
Tổng thống Myanmar, ông Thein Sein là một cựu tướng - Ảnh: ReutersTổng thống Myanmar, ông Thein Sein, từng là một vị tướng - Ảnh: Reuters
Trận đấu mới
Đây không phải là cuộc bầu cử cho một chính phủ. Đây là cuộc bầu cử cho một chức vụ trong một chính phủ chung với quân đội”
ông Thant Myint-Ucố vấn chính phủ Myanmar
Cho tới nay, vẫn chưa biết một khi lên lãnh đạo chính phủ, bà Aung San Suu Kyi sẽ thỏa hiệp với thế lực từng giam cầm mình ra sao. Nhưng có một điều chắc chắn: cuộc đấu giữa người phụ nữ nhỏ nhắn với quân đội hùng mạnh còn lâu mới kết thúc. Thắng lợi của bà chỉ là tiếng còi khai trận cho một cuộc cân não khác có khi còn quyết liệt hơn thời bà bị quân đội giam cầm. Sau vài chục năm đấu với quân đội, nay bà Aung San Suu Kyi sẽ… đấu tiếp, chỉ khác là ở một vị thế mới.
Trong thời gian vận động tranh cử, người phụ nữ có gương mặt hiền hòa hay cài đóa hoa trên tóc lúc nào cũng nhấn mạnh đến sự hòa giải: “Tôi không chủ trương ngược đãi hay trả thù”.
Nhưng cùng lúc, người phụ nữ kiên cường khiến cả thế giới phải nghiêng mình cũng công khai đối đầu với quân đội, chỉ trích điều khoản trong hiến pháp cho phép quân đội nắm tới 1/4 số ghế trong quốc hội. Bà cũng thẳng thừng tuyên bố sẽ phá bỏ lệnh cấm bà trở thành tổng thống – điều đã được các tướng lĩnh quy định trong hiến pháp.
Quả là những tuyên bố quá sốc ở một đất nước mà bao năm dài qua tổng thống cũng là quân đội, quân đội cũng là chính phủ và tất cả đều hét ra lửa.
Mới hôm thứ ba (ngày 10.11) vừa qua, người phụ nữ nhỏ nhắn đã tuyên bố dứt khoát và mạnh mẽ: là người đứng đầu một đảng phải nắm thế đa số trong quốc hội, bà có quyền chọn ai sẽ làm tổng thống và đó là vị tổng thống làm theo lời bà. Kênh tin tức châu Á Channel NewsAsia dẫn lời bà: “Chúng tôi chọn lựa tổng thống chỉ là thủ tục cho hợp với yêu cầu của hiến pháp. Tổng thống sẽ chỉ làm đúng những điều được chỉ bảo”.
Thêm một tuyên bố quá sốc khác cho thế lực quân đội ngay cả trong bối cảnh họ thất bại thê thảm trong cuộc bầu cử vừa qua. Chỉ cần nhìn vô một mảnh ghép nhỏ trong bức tranh bầu cử cũng đã thấy người dân Myanmar khao khát một xã hội dân sự thực sự tới đâu: ngay cả ở "quận nhà binh" thuộc thủ đô Naypyidaw – nơi tập trung đông đúc các gia đình nhà binh, bao gồm cả một vị bộ trưởng quốc phòng và một vị tướng đã về hưu, phần chiến thắng trong cuộc bầu cử vẫn thuộc về đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi.
Quân đội Myanmar nắm rất nhiều quyền lực - Ảnh: ReutersQuân đội Myanmar nắm rất nhiều quyền lực - Ảnh: Reuters
Thế khó của người ngoài cuộc
Thắng lợi áp đảo sẽ dọn đường thênh thang cho bà Aung San Suu Kyi xóa dần tham nhũng và cải thiện chất lượng dịch vụ công vốn từ lâu đã bị bỏ lơ. Nhưng việc không “nắm được tóc” những bộ phận quan trọng như cảnh sát – vốn cũng đầy rẫy tham nhũng – sẽ là thách thức vô cùng hóc búa, ngay cả với người đàn bà gan lì bậc nhất Myanmar.
“Những cựu tướng lãnh biết rõ mọi đường đi nước bước trong hệ thống này sẽ gặp không ít khó khăn nếu muốn thay đổi nó. Thách thức với một người ngoài hệ thống sẽ còn lớn hơn”, ông Thant Myint-U, một sử gia tham gia tư vấn cho chính phủ Myanmar nhận xét.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.