Biển Đông 'ảnh hưởng mạnh' hòa bình khu vực

12/11/2014 05:45 GMT+7

ASEAN xác định vấn đề biển Đông “ảnh hưởng mạnh đến hòa bình, ổn định khu vực” và sẽ “đứng đầu nghị trình” hội nghị Thượng đỉnh thứ 25 của khối.

>> Vấn đề biển Đông sẽ lên bàn Hội nghị ASEAN

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến sân bay quốc tế Naypyitaw chiều 11.11 - Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến sân bay quốc tế Naypyitaw chiều 11.11 - Ảnh: TTXVN 

Thông cáo của Ban Thư ký ASEAN đưa ra vào cuối ngày hôm qua nói rằng Thượng đỉnh ASEAN và Thượng đỉnh Đông Á lần này “diễn ra vào thời điểm quyết định trong lịch sử của khối”.

 

Trong ba ngày 9 - 11.11, quan chức cấp thứ trưởng ngoại giao của khối đã họp trù bị, chuẩn bị nội dung và văn kiện cho hội nghị của các lãnh đạo chính thức khai mạc hôm nay.

Bên cạnh nỗ lực hình thành Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015 mà 2014 là “năm chuyển mình quyết định”, Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh cũng nhìn nhận bối cảnh chính trị khu vực đang thay đổi nhanh chóng. Hội nghị lần này, vì vậy, sẽ bàn sâu về vị trí chiến lược, đường hướng tương lai của khối, cũng như việc tăng cường vai trò, củng cố lại cơ cấu tổ chức của ban thư ký.

Tuy nhiên, “các vấn đề khu vực và quốc tế gây quan ngại và ảnh hưởng đến lợi ích chung sẽ đứng đầu nghị trình, đặc biệt là những vấn đề ảnh hưởng mạnh đến hòa bình và ổn định khu vực như biển Đông”, thông cáo mang tính định hướng nội dung hội nghị trong hai ngày 12 - 13.11 tuyên bố.

Chiều qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến Naypyitaw. Đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn tại sân bay, về phía Myanmar có Bộ trưởng Bộ Vận tải Đường sắt; Đại sứ Myanmar tại Việt Nam; đại diện Bộ Ngoại giao Myanmar. Về phía Việt Nam có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN Phạm Quang Vinh; Đại sứ Việt Nam tại Myanmar Phạm Thanh Dũng; Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại ASEAN Vũ Đăng Dũng…

Mục tiêu của Đoàn Việt Nam tham dự các hội nghị cấp cao lần này nhằm tiếp tục đóng góp tích cực vào củng cố và thống nhất của ASEAN, phát huy vai trò trung tâm của Hiệp hội trong cấu trúc khu vực đang định hình, tranh thủ sự ủng hộ của các đối tác, thúc đẩy hoàn thành mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 và định hướng cho giai đoạn phát triển tiếp theo của Hiệp hội sau năm 2015 cũng như tham gia đóng góp xây dựng về các vấn đề khác thuộc quan tâm chung của khu vực.

Ngoài tham dự một loạt hội nghị như Thượng đỉnh ASEAN, ASEAN + 1 (với Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và LHQ), ASEAN + 3 (gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), Thượng đỉnh Đông Á (EAS, ASEAN + 8), họp Tiểu vùng Mê Kông với Nhật Bản, với Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN..., Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng sẽ gặp gỡ song phương nhiều nguyên thủ khác, trong đó có Tổng thống Barack Obama, theo thông tin của Nhà Trắng. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, Tổng thống Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, Thủ tướng Úc Tony Abbott và Thủ tướng New Zealand John Key sẽ có mặt tại Naypyitaw. Đây là lần đầu tiên Nga gửi thủ tướng đến EAS, thay vì ngoại trưởng trong các lần trước.

Thục Minh
(từ Naypyitaw, Myanmar)

>> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Ấn Độ
>> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Giáo hoàng Francis
>> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm CHLB Đức
>> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm châu Âu và dự Hội nghị ASEM 10
>> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Quan hệ kinh tế với Trung Quốc không có gì đáng ngại
>> Việt - Trung ‘giải quyết mâu thuẫn biển Đông qua đối thoại’
>> Tổng thống Obama quan tâm đến biển Đông tại APEC
>> Uy lực biên đội chiến hạm Đinh Tiên Hoàng - Lý Thái Tổ trên biển Đông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.