Thấy gì từ con số xuất siêu 10 tỉ USD?

31/05/2023 06:36 GMT+7

Kinh tế khó khăn, nhiều ngành hàng xuất khẩu giảm sút nhưng xuất siêu liên tục tăng từ 4 tỉ USD trong 3 tháng đầu năm lên tới 9,8 tỉ USD tính đến hết tháng 5.2023. Có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này, nhưng các số liệu về kim ngạch thương mại chứng minh rằng dấu hiệu hồi phục đã xuất hiện.

Xuất siêu sang Mỹ 31 tỉ USD

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy trong tháng 5.2023, kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 55,86 tỉ USD; nếu so với cùng kỳ năm trước giảm tới 12,3%, nhưng nếu so tháng trước đó thì tăng 5,3%. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt trên 29 tỉ USD, tăng 4,3% so với tháng trước; khu vực kinh tế trong nước đạt 7,8 tỉ USD, tăng 1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 21 tỉ USD, tăng 5,5%.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 5.2023 ước đạt gần 27 tỉ USD, tăng 6,4% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 9,3 tỉ USD tăng 3,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 17,5 tỉ USD, tăng 7,8%.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 136 tỉ USD, giảm gần 12% so cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 126 tỉ USD, giảm gần 18% so cùng kỳ năm trước. So cùng kỳ năm trước, trong 5 tháng đầu năm 2023 xuất siêu sang Mỹ ước đạt 31 tỉ USD (giảm 22%), xuất siêu sang EU 12,6 tỉ USD (giảm 3,6%); xuất siêu sang Nhật Bản đạt 521 triệu USD (cùng kỳ nhập siêu 564 triệu USD). Trong khi đó, nhập siêu từ Trung Quốc là 23,6 tỉ USD (giảm 16,7%), nhập siêu từ Hàn Quốc gần 11 tỉ USD (giảm 38%), nhập siêu từ ASEAN 3,4 tỉ USD (giảm 41%).

Thấy gì từ con số xuất siêu 10 tỉ USD? - Ảnh 1.

Gạo là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của VN

TN

Thẩm tra báo cáo kinh tế của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng lưu ý: Xuất siêu lớn trong bối cảnh kinh tế khó khăn, xuất khẩu giảm là điều đáng lưu tâm. Điều này cho thấy sự suy giảm của động lực tăng trưởng. Theo các chuyên gia, từ cuối năm 2022 xuất nhập khẩu đã bắt đầu giảm do bối cảnh chung của kinh tế thế giới, nhu cầu tiêu thụ giảm trên quy mô toàn cầu. Những yếu tố này tiếp tục ảnh hưởng tới cán cân thương mại của VN trong những tháng đầu năm 2023. 

Với một nền kinh tế có độ mở cao như VN và xuất khẩu phần lớn dựa vào nhập khẩu nguyên vật liệu, thì việc xuất siêu trong bối cảnh này là điều cần phải được xem xét cẩn trọng, vì xuất siêu tăng là do nhập khẩu giảm mạnh hơn xuất khẩu. Tuy nhiên, các số liệu về kim ngạch xuất nhập khẩu trong tháng 5 tăng ở cả chiều xuất và nhập cho chúng ta hy vọng về những dấu hiệu của sự phục hồi sản xuất kinh doanh.

Xuất siêu gần 10 tỉ USD nên mừng hay lo?

Chưa ổn định, nhưng đáng mừng

Chuyên gia kinh tế, TS Ngô Trí Long nhận định: VN có 28 mặt hàng nhập khẩu tăng trưởng âm. Trong đó, mặt hàng giảm lớn nhất là điện thoại và linh kiện giảm 64%; tiếp đến là cao su giảm 43%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 36%... Đây là những mặt hàng chiếm kim ngạch nhập khẩu khá lớn, nên việc giảm nhập khẩu nguyên liệu cũng góp phần vào con số xuất siêu gần 10 tỉ USD. Nhìn vào số liệu thống kê có thể thấy rằng xuất khẩu ròng có sự tăng trưởng khá lớn, dù so với cùng kỳ thì không bằng. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới đang suy thoái, tồn tại nhiều bất ổn, nhiều ngành xuất khẩu chủ lực của VN bị giảm sút, thiếu đơn hàng mà con số xuất siêu của VN lại dương, như vậy cũng có thể nói là khả quan. Ba động lực tăng trưởng của nền kinh tế gồm có tiêu dùng, xuất khẩu và đầu tư, mà một trong những yếu tố đó là kim ngạch xuất khẩu ròng ghi nhận con số dương thì đáng mừng, đáng khích lệ.

Trong bối cảnh chung vẫn còn nhiều khó khăn đòi hỏi chúng ta không nên quá lạc quan mà phải tích cực nỗ lực tìm kiếm đơn hàng, mở rộng thị trường.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính)

Đồng quan điểm, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) phân tích: Tình trạng xuất nhập khẩu đều giảm mạnh do thiếu đơn hàng trong hơn nửa năm qua, đặc biệt là kim ngạch nhập khẩu giảm mạnh hơn xuất khẩu khiến con số xuất siêu liên tục tăng trong thời gian qua. Đó là lý do khiến nhiều người lo lắng nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài sẽ rất nguy hiểm đến nền kinh tế, vì nó đồng nghĩa với hoạt động sản xuất kinh doanh trì trệ. Tuy nhiên, trong tháng 4 và tháng 5 đã ghi nhận dấu hiệu tăng trưởng so với tháng liền kề trước đó. "Nhưng thực tế theo quan sát của tôi, đơn hàng đã quay lại nhưng chủ yếu vẫn là nhỏ lẻ, cầm chừng; thiếu những đơn hàng lớn, số lượng ổn định về lâu dài. Chính vì vậy, trong bối cảnh chung vẫn còn nhiều khó khăn đòi hỏi chúng ta không nên quá lạc quan mà phải tích cực nỗ lực tìm kiếm đơn hàng, mở rộng thị trường", ông Thịnh nói.

Chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh nhận định, trong mấy tháng đầu năm, kim ngạch xuất nhập khẩu sụt giảm mạnh ở cả chiều xuất và nhập thì ai cũng rất lo. Tuy nhiên, đó là bối cảnh chung của nền kinh tế toàn cầu. Việc chúng ta vẫn duy trì được trạng thái xuất siêu cao góp phần ổn định cán cân thanh toán và kinh tế vĩ mô là sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong việc tìm kiếm đơn hàng, mở rộng thị trường từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà chúng ta đã ký kết với các đối tác.

Nỗ lực khai thác thị trường mới

Dẫn câu chuyện của ngành dệt may, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh đặt vấn đề: Trong bối cảnh ngành thời trang như dệt may, da giày của chúng ta thiếu đơn hàng thì Bangladesh lại "làm không hết việc". Vậy yếu tố khó khăn của thị trường chỉ là một phần, phần còn lại là do chúng ta chưa kịp thích nghi với các xu hướng mới của sự phát triển. Vì vậy, chúng ta phải rà soát lại tất cả thị trường truyền thống, xem nhu cầu chuyển đổi thế nào để tránh mất thêm đơn hàng. Bên cạnh đó, cần nỗ lực tìm kiếm khách hàng ở các thị trường mới, đặc biệt ở những nơi mà chúng ta có các FTA.

TS Lê Đăng Doanh cũng cho rằng thế mạnh thật sự của VN, nhất là các DN nội địa, là lĩnh vực lương thực, thực phẩm, gỗ..., nên phải đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng này, đặc biệt ở các thị trường mới. Bên cạnh đó là đầu tư vào khâu chế biến và chế biến sâu. Đối với lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi và thông thoáng hơn để DN VN tham gia sâu vào các chuỗi sản xuất, tạo ra giá trị gia tăng thật sự cho những mặt hàng điện tử, điện thoại, máy tính… Ví dụ, Samsung là nhà đầu tư lớn nhất ở VN hiện nay. Theo DN này, 55% giá trị gia tăng của hàng hóa được tạo ra ở VN. Nhưng nghiên cứu của Trường ĐH Fulbright chỉ ra rằng con số này thấp hơn rất nhiều và chỉ nằm ở các khâu rất đơn giản trong chuỗi giá trị đó như tiền công, bao bì, bản in. Phần chênh lệch đó rơi vào túi các DN nhỏ và vừa của Hàn Quốc đi theo Samsung vào VN. Cần phải tạo điều kiện để DN Việt tham gia sâu hơn vào những chuỗi giá trị sản xuất đó.

TS Trần Hữu Hiệp (Trường ĐH FPT) chia sẻ, trong bối cảnh khó khăn chung như vậy mà chúng ta vẫn tăng trưởng xuất siêu là điều đáng mừng. Chính vì vậy, cần tiếp tục thúc đẩy sản xuất trong nước tiến tới tự chủ về nguồn cung nguyên nhiên vật liệu. Đẩy mạnh thị trường nội địa, thúc đẩy xuất khẩu bền vững, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước.

Cần đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh. Tích cực và đẩy nhanh hơn việc hỗ trợ chuyển đổi số cho DN trong mọi lĩnh vực. Xây dựng nền kinh tế số, xã hội số thiết thực, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các DN.

TS Trần Hữu Hiệp (Trường ĐH FPT)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.