Thanh niên xăm mình, cận thị cũng đi nghĩa vụ quân sự?

05/01/2024 13:55 GMT+7

Một số ý kiến nêu ra liên quan đến thanh niên thực hiện nghĩa vụ quân sự, với mục tiêu phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Đáng chú ý là đề xuất của ông Vũ Trọng Kim, nguyên Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn về việc 100% thanh niên được thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Đề xuất 100% thanh niên được thực hiện nghĩa vụ quân sự

Chia sẻ với Thanh Niên về vấn đề thanh niên thực hiện nghĩa vụ quân sự theo luật Nghĩa vụ quân sự 2015, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, cho rằng thanh niên nhập ngũ cần đảm bảo sức khỏe.

Vì thế, những trường hợp không đảm bảo sức khỏe, ví dụ như bị cận thị nặng, có những khuyết tật ảnh hưởng đến công tác, thực thi nhiệm vụ thì việc miễn là phù hợp. Chính quyền có thể hỗ trợ kinh phí để giúp thanh niên khắc phục khuyết tật khúc xạ để tham gia nghĩa vụ quân sự.

Thanh niên xăm mình, cận thị cũng đi nghĩa vụ quân sự?- Ảnh 1.

Thanh niên TP.HCM nhập ngũ thực hiện nghĩa vụ quân sự

NHẬT THỊNH

Thanh niên TP.HCM nhập ngũ được hỗ trợ mổ mắt gần 20 triệu đồng

Với nội dung này, hồi tháng 9.2023, HĐND TP.HCM thông qua tờ trình của UBND TP.HCM về chính sách hỗ trợ thanh niên nhập ngũ có tật khúc xạ. Theo đó, thanh niên ở TP.HCM bị tật khúc xạ khi nhập ngũ sẽ được hỗ trợ tối đa 19,6 triệu đồng để điều trị, kinh phí từ nguồn ngân sách.

Bình quân mỗi năm TP.HCM có khoảng 220 thanh niên đăng ký thực hiện nghĩa vụ quân sự bị tật khúc xạ, đã điều trị và được tuyển chính thức. Ước tính số lượng thanh niên đăng ký phẫu thuật mắt sẽ tăng lên sau khi chính sách hỗ trợ chi phí điều trị, dự kiến khoảng 300 người/năm. Như vậy, kinh phí hỗ trợ điều trị tật khúc xạ khoảng 5,9 tỉ đồng.

Các đối tượng được thụ hưởng chính sách này và đủ tiêu chuẩn tuyển quân nhưng không nhập ngũ thì chính quyền địa phương thu hồi và nộp ngân sách.

Theo UBND TP.HCM, TP.HCM là đô thị đặc biệt, có mật độ dân số cao, tốc độ đô thị hóa nhanh, số lượng dân cư thường trú lớn nhất cả nước. Tổng chỉ tiêu tuyển quân thực hiện nghĩa vụ quân sự được giao hằng năm của TP.HCM cũng rất cao, khoảng 4.400 - 4.800 công dân.

Một trong những nguyên nhân chủ yếu gây khó khăn cho việc đảm bảo số lượng, chất lượng nguồn tuyển quân là số công dân đăng ký thực hiện nghĩa vụ nhưng bị tật khúc xạ chiếm tỷ lệ lớn (khoảng 25% số người khám nghĩa vụ). Đồng thời, công dân trong độ tuổi do thường xuyên tiếp xúc thiết bị công nghệ như điện thoại, máy tính bảng, máy vi tính nên tỷ lệ tật khúc xạ dự kiến ngày càng tăng, đặc biệt là nhóm có trình độ cao đẳng, đại học trở lên.

Xăm mình cũng đi nghĩa vụ quân sự?

Về hình xăm, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM Văn Thị Bạch Tuyết nhìn nhận, nhiều thanh niên (cả nam và nữ) thích xăm hình lên cơ thể, không nhất thiết là để tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Do vậy, vị đại biểu này kiến nghị Bộ Quốc phòng nghiên cứu sửa đổi quy định để các thanh niên có hình xăm (không phân biệt diện tích to hay nhỏ) đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Trong thời gian tại ngũ, các hình xăm này sẽ được hỗ trợ xóa, đồng thời bố trí công việc phù hợp. Biện pháp này sẽ tránh được tình trạng xăm hình để trốn nghĩa vụ quân sự.

Sửa tiêu chuẩn nhập ngũ sát thực tiễn

Vấn đề thực hiện nghĩa vụ quân sự cũng được cử tri nhiều địa phương phản ánh, nhất là tình trạng trốn nghĩa vụ quân sự bằng cách xăm hình lớn vào người, hoặc người bị tật khúc xạ về mắt (cận thị, viễn thị, loạn thị) nên không thể tham gia.

Trong năm 2023, Bộ Quốc phòng cũng nhiều lần trả lời kiến nghị cử tri các địa phương liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ quân sự. Bộ Quốc phòng nhìn nhận trong quá trình thực hiện luật Nghĩa vụ quân sự 2015 và một số văn bản liên quan gặp một số vướng mắc, bất cập, khó khăn trong công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ.

Pháp luật hiện hành quy định, mọi công dân trong độ tuổi, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Song, do điều kiện kinh tế đất nước còn hạn hẹp và nhiều yếu tố khác chi phối, nên chưa thể gọi hết thanh niên trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự nhập ngũ.

Bộ Quốc phòng cũng nêu thực tiễn hiện nay tỷ lệ thanh niên mắc tật khúc xạ về mắt ngày càng tăng, nhất là những thanh niên có trình độ đại học, cao đẳng, thanh niên ở đô thị. Một số công dân lợi dụng quy định về hình xăm, chữ xăm trước thời điểm khám tuyển, hoặc sau khi sơ tuyển, biết đủ tiêu chuẩn gọi nhập ngũ thì cố tình xăm hình, xăm chữ lên cơ thể nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Để bảo đảm công bằng và tính nghiêm minh của pháp luật, Bộ Quốc phòng cho rằng cần nghiên cứu, sửa đổi quy định tiêu chuẩn nhập ngũ đối với công dân cho phù hợp thực tiễn. Hiện cơ quan này được giao lập hồ sơ đề nghị xây dựng luật sửa đổi, bổ sung luật Nghĩa vụ quân sự 2015 để báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội xem xét đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (2021 - 2026).

Riêng trường hợp được miễn, hoãn nhập ngũ được quy định tại Thông tư 148/2018 của Bộ Quốc phòng (quy định tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.