Thân thương dừa nước

19/10/2022 11:00 GMT+7

Sâu trong tiềm thức, tôi vẫn nhớ hoài về cây dừa nước miền Tây. Một loài cây giản dị, không cần ai quan tâm, chăm sóc mà tự rèn cho mình sức sống mạnh mẽ, dẻo dai. Nó lặng lẽ cống hiến để mang lại lợi ích thiết thực cho bà con vùng sông nước.

Hồi nhỏ, tôi có lần hỏi ngoại sao cây dừa nước có nhiều thế hổng biết, đi đâu cũng gặp, khắp các dòng sông, cái rạch, con kênh, thậm chí trong ao be bé cũng có. Nó hiện diện với nhiều hình hài khác nhau: là mầm non mới nhú từ trái dừa nước già lênh đênh theo con nước, là cụm cây rậm rạp đã nằm yên vị trong bãi đất ven sông, thậm chí là những cánh đồng dừa nước phủ sắc xanh tươi rì rào trong gió.

Cây dừa nước gắn bó sâu sắc trong ký ức của bọn trẻ thôn quê

thanh duy

Hơn 60 tuổi đời, ngoại vuốt nhẹ mái tóc bạc phất phơ, giọng hiền khô nói cây dừa nước đã gắn bó lâu đời với người dân miền Tây. Lúc ông bà khai hoang mở cõi, nó đã có nhiều lắm. Hẳn cây dừa nước thì không chỉ mọc ở miền Tây nhưng chắc chỉ ở miền Tây cây dừa nước mới có nhiều vô số kể như vậy. Mảnh đất chín rồng mở ra biết bao cửa sông, nhánh sông chằng chịt là ‘bà đỡ’ mát tay cho loài cây dân dã này bám rễ sinh sôi. Để rồi nó trở thành hình ảnh đặc trưng, một phần không thể thiếu trong trong ký ức của người Nam bộ.

Dường như cây dừa nước cũng mang một phần phẩm chất tiêu biểu của con người miền Tây: chất phát, hiền hòa, chịu thương chịu khó. Loài cây này thật giản dị, khiêm nhường và lặng lẽ. Nó không cần ai quan tâm, chăm sóc mà tự rèn cho mình sức sống mạnh mẽ, dẻo dai. Nó không than thở chê đất nghèo mà sẵn sàng bám rễ bất kỳ nơi nào: nước ngọt, nước lợ, đất phèn, đất mặn. Và ở đâu, nó cũng âm thầm cống hiến hết công suất để mang những lợi ích thiết thực cho bà con vùng sông nước Cửu Long.

Cây dừa nước rất “được việc”:, nó tận tụy cống hiến cả cuộc đời cho bà con xứ sở này. Cây còn non tơ (cà bắp), nó đã được tận dụng để làm dây buộc; đến trưởng thành mơn mởn, nó tạo ra những buồng dừa để làm thức uống đặc sản thôn quê; khi chững chạc già nua, bà con sử dụng lá để lợp nhà. Cây dừa nước gắn bó trung thành với người dân miền Tây suốt một thời gian nan, nghèo khó. Hầu hết những cư dân khó khăn đều từng cất nhà lợp bằng lá dừa nước. Đó là những mái nhà tranh vách lá được làm nên từ tình làng nghĩa xóm. Ai cất nhà thì xóm giềng kéo nhau đến để hỗ trợ đan kết từng tấm lá trầm. Người sang thì thấy lạ, thấy nghèo nhưng có lẽ sẽ muốn ở lại lâu hơn để tận hưởng không gian nhà ở mát mẻ tự nhiên này.

Nhớ hồi xưa, vào hè độ tháng 7- 9, cây dừa nước rộ bông kết trái, những buồng dừa nặng trĩu cúi xuống dòng kênh hiền hòa như soi vẻ đẹp mộc mạc của chính mình, tựa hồ chờ người đến dạm hỏi. Những ngày đó, chị em tôi hí hửng trông chờ con nước ròng bơi xuồng cặp mé kênh chở dừa nước mang về nhà. Ngoại chẻ ra từng trái, dùng muỗng nạo cơm dừa vào ly. Thật khó quên ly dừa nước đá đường của ngoại bởi hương vị thoảng hương vấn vương. Ngoại thích nấu nước đường với vài lát gừng hoặc lá dứa cho thơm rồi mới cho vào ly dừa nước. Ăn ly dừa nước của ngoại, vừa mềm vừa dẻo, bên trong cơm dừa tươm ra tí nước sền sệt, vị ngọt nhẹ, thiệt là ngon đáo để.

Bọn trẻ chúng tôi ngày xưa, lội bộ đến trường, sáng đi trưa về vì chỉ học 1 buổi. Tiếng trống trường vang lên thì cũng gần 11 giờ trưa, chúng tôi cắp sách ra về, đội trên đầu cái nắng oi bức không thể tả nổi. Lội bộ về đến nhà là mặt mũi rũ rượi, quần áo ướt mem mồ hôi. Người vừa nóng phừng phừng mà được ngoại bưng cho 1 ly dừa nước đá đường lạnh giải khát là cảm thấy mát mẻ, tươi tỉnh lại ngay. Ngoại khéo tay lắm, bà còn hay đi lựa những tàu dừa nước lành lặn để làm bánh lá, gánh đi bán hàng ngày để kiếm tiền nuôi con cháu. Đặc biệt, món mứt dừa nước bà làm để dành cho ông ngoại uống trà sương sớm với những ông bạn ở xóm khiến ai cũng tấm tắc khen ngon. Giờ có muốn cũng không được!.

Không biết từ bao giờ, cây dừa nước đã đi sâu vào tiềm thức, gắn liền với ký ức của nhiều người miền sông nước. Có những niềm thương còn hiện hữu hôm nay, nhưng cũng có những kỷ niệm dần quên vào quá khứ, mỗi khi nhắc lại là bồi hồi, rưng rưng tiếc nhớ. Có lần, mẹ nói cây dừa nước cũng là một trong những "nhân chứng lịch sử" cho mối lương duyên hạnh phúc vẹn tròn của cha mẹ. Để tôi không phải thắc mắc, mẹ lật lại những tấm ảnh “kỹ thuật số” được chụp khoảng thập niên 80-90 trước đây, cổng và rạp cưới khi đó được trang hoàng bằng hoàn toàn từ chất liệu cây nhà lá vườn. Khoe sắc cùng một số cây kiểng "có giá" khác, cây dừa nước đã được các tay thợ quê biến tấu thành nhiều hình dạng họa tiết, hoa cỏ có "hồn" đẹp mộc mạc. Bất giác, tôi chợt nhận ra cây dừa nước dường như cũng có thân phận, người dân miền Tây đã rất trân quý, yêu thương loài cây bình dị, dân dã này.

Cây dừa nước có rất nhiều công dụng hữu ích đối với đời sống của bà con miền Tây

thANH DUY

Đối với bọn trẻ miền Tây, kỷ niệm về cây dừa nước có lẽ kể cả ngày cũng chưa hết. Từ cây dừa nước mà những đứa con nít nghèo rớt mồng tơi đã nghĩ ra nhiều trò chơi thú vị. Hôm nào tụ họp được đông đủ, đám bạn hú hí rủ nhau cất nhà chòi. Bọn con trai thì lo chuyện cất nhà, chặt dừa nước để lợp mái, che vách; bọn con gái thì giả bộ đi chợ mua đồ nấu ăn, trả tiền bằng lá cây, cắt lục bình làm bánh mì để tiếp sức cho các tay ‘thợ’. Với nhiều người không gắn bó ở miệt sông nước, cây dừa nước có thể kém thú vị. Nhưng đối với tôi, cây dừa đã đem lại cho mình một tuổi thơ tuyệt vời với những ngày ôm chiếc phao ‘tự chế’ làm từ bập bè dừa nước cùng chúng bạn tắm sông, lặn lội đồng xanh bắt cá lia thia trú trong các bẹ lá dừa.

Những năm gần đây, nhiều quán cà phê, resort trong nội ô thành phố lấy bối cảnh những gian nhà lá miền Tây mọc lên khá nhiều. Thỉnh thoảng chạy xe ngoài đường, tôi cũng hay bắt gặp những gian hàng bán dừa nước đá đường để biển “bao ngon 10k 1 ly”. Không hiểu sao mỗi lần thấy nó, tôi như có một nỗi niềm đau đáu, xốn xang trong tim. Lớn lên ở vùng nông thôn nghèo mà, có xa lạ chi đâu, thương nhớ lắm dừa nước ơi! Tôi thầm cảm ơn loài cây bình dị này vì đã góp phần làm cho quê hương thêm đẹp đẽ và đáng sống. Để mỗi khi có dịp kể với bạn bè phương xa, tôi luôn tự hào chia sẻ về gốc gác “quê mùa” của mình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.