Hương tình miền Tây

17/10/2022 11:00 GMT+7

Tui viết bài này với tư cách là một người khác vùng miền nhưng đã cảm mến miền Tây qua lời ru, tiếng hát và nó đã dần trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của mình...

Tui sinh ra và lớn lên tại một tỉnh miền Trung (Phú Yên) ruột thịt, nhưng hiện tại đang sinh sống và làm việc cách nơi chôn rau cắt rốn gần 600 km và 12 tiếng ngồi xe khách đường dài (Bà Rịa- Vũng Tàu) là quê hương thứ hai. Đó là nơi lưu giữ những kỷ niệm tuổi thơ và có thể sẽ gắn bó với tui về những năm cuối đời.

Tui yêu lắm quê hương miền Tây nói chung, nơi nào cũng có cảnh đẹp, cũng đặc sản và đâu đâu cũng là con người miền tây mộc mạc, đơn sơ...

trần thanh phong

Còn có một nơi khác, đặc biệt lắm, một nơi mà từ nhỏ tui đã được biết đến qua những câu hát ru của bà, hay của mẹ, lớn xíu nữa là những bài dân ca trữ tình quê hương ngọt ngào và sâu lắng, nghe riết rồi thuộc lòng, và bây giờ khi đã là bà mẹ hai con thì nó trở thành những bài hát ru hàng ngày để đưa con vào giấc nồng.

Tui yêu lắm quê hương miền Tây nói chung, nơi nào cũng có cảnh đẹp, cũng đặc sản và đâu đâu cũng là con người miền Tây mộc mạc, đơn sơ, họ quá dễ thương các bạn ơi. Nhắc đến anh Năm, cô Bảy, cô Ba, chú Tư, chú Tám là có bài hát, hình bóng của họ khắc sâu và in đậm trong mỗi câu ca, điệu nhạc. Nếu tui nói cuộc sống và bản chất con người của mình bị chi phối bởi câu hò, điệu lý quê hương miền Tây bạn có tin không? Có nhiều người sẽ nói tui là khoác lác, thậm chí làm quá lên nhưng thực tế là như vậy đó ạ. Tui bước chân vào đại học đồng nghĩa với xa gia đình, quê hương, xa anh em, ba má. Ban ngày tui lên giảng đường, thời gian không đến lớp thì tui cùng nhỏ bạn quê Long An rong ruổi các ngõ ngách trường đại học nông lâm để dùi mài kinh sử. Nhưng khi màn đêm buông xuống, khi tụi bạn đã đi ngủ phòng chỉ còn một con nhỏ với hai cái đít chai dày cộm giữa ánh điện loe loét khắc khoải nỗi nhớ nhà. Khi ấy những lời ca, tiếng nhạc đậm chất miền Tây sông nước như là cái phao cứu rỗi, giúp tui vượt qua nỗi nhớ quê và có được bản lĩnh như ngày hôm nay.

Tại sao tui yêu miền Tây nhiều như thế, câu trả lời có thể là vì đồng cảnh ngộ. Nơi tui sinh ra là một vùng quê nghèo, ba mẹ quanh năm lam lũ với ruộng đồng, cày cuốc không ngơi tay mới đủ sức nuôi mấy anh em nên người, ba mẹ tui đơn sơ, chất phác lắm nên khi mà nhìn thấy con người miền Tây như thế, tui cũng cảm mến mà không cần nhiều lý do. Mọi tình thương đều xuất phát từ nơi gần gũi nhất, ban đầu chỉ là thương cha mẹ cần lao, lam lũ, sau đó tình thương và cảm mến san sẻ và cho đi đến miền Miệt Thứ, dù nơi đó có “Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh tựa bánh canh…” thì mình vẫn yêu.

Có thể nói ca từ trong bài hát Hành trình trên đất phù sa của cố nhạc sĩ Thanh Sơn đã gần như bao quát hết 13 lục tỉnh miền Tây, qua cao tốc trung lương đến Long An, xuôi dọc đất nước về tới mũi Cà Mau; mỗi câu hát đưa ta về một xứ sở, một vẻ đẹp thiêng liêng vốn có của nó. Nhắc tới miền Tây, người ta sẽ hình dung đầu tiên về một vùng đất ruộng lúa mênh mông, cò bay thẳng cánh, đồng bằng sông Cửu Long trải dài được bồi đắp phù sa bởi con sông tên Cửu Long.

“Quê hương em có chín dòng sông như chín con rồng tên gọi Cửu Long” - lời bài hát Ngợi ca quê hương - cố nhạc sĩ Thanh Sơn.

Đồng bằng sông Cửu Long được hình thành từ những trầm tích phù sa và được bồi dần qua nhiều kỷ nguyên thay đổi mực nước biển. Vùng đất nổi tiếng với vùng sông nước mênh mông, những vùng cây trái bạt ngàn, sản vật trù phú, có những vườn quốc gia với vô số loài chim muông và động, thực vật quý, con người thì vừa hào sảng, khí khái vừa chân chất, thật thà. Dân tộc chủ yếu là người kinh, bên cạnh đó còn có người Khmer cũng chiếm không ít phân bố một số tỉnh thành như An Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh. Ngoài ra đồng bằng sông Cửu Long còn là nơi lưu giữ những loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng như cải lương, điệu lý, điệu hò, các bản nhạc, điệu múa của đồng bào Khmer.

Thứ hai, khi nói đến miền Tây, người ta sẽ hình dung con người và cuộc sống nơi đây. Nhắc đến làm tui bồi hồi nhớ nhạc sĩ Khánh Băng, trong bài hát của Người có đề cập đến hình ảnh liên quan.

“Quê hương giờ đây đổi mới, niềm vui rộn rã nụ cười, chợ khuya buôn bán đông người, tiếng đò máy nổ ngược xuôi lui tới” - lời bài hát Tình đẹp quê hương của cố nhạc sĩ Khánh Băng.

Nhắc đến sinh hoạt của người dân miền Tây, chúng ta không thể bỏ qua hình ảnh chợ nổi - đây là nơi diễn ra các hoạt động giao thương, mua bán.

Cuối cùng, thông qua bài viết này, cháu xin thành thật cảm ơn các cố nhạc sĩ - nhạc sĩ đã viết nên những ca khúc tuyệt hay về miền Tây, đặc biệt kể đến cố nhạc sĩ Thanh Sơn. Trong lời bài hát Chạnh lòng niềm hoài cổ của nhạc sĩ Cao Nhật Minh có mở đầu “Một người nhạc sĩ đã đi xa rồi, để lại nhân gian những lời buồn mênh mang, những câu ca ngọt ngào, những giai điệu dạt dào lòng người nghe ôi thương sao….”. Vâng, đó chính là nói về cố nhạc sĩ Thanh Sơn (1938 - 2012) là một nhạc sĩ đa tài, có những ca khúc sáng tác về những nơi ông đã từng đi qua như tác phẩm: Áo mới Cà Mau, chiều mưa xứ dừa, Yêu cô gái Bạc Liêu, Sóc sờ bai Sóc Trăng, Tình em Tháp Mười,Điệu lâm thôn Trà Vinh,… hay những bài hát lấy cảm hứng từ hình ảnh mộc mạc đơn sơ miền quê phải kể đến như: Hình bóng quê nhà, giấc ngủ đầu nôi, em đi trên cỏ non,…

Bây giờ cho dù người đã đi xa rồi nhưng những câu hát ấy mỗi khi cất lên vẫn còn đọng lại trong trái tim số đông người nghe. Không thể phủ nhận những dòng nhạc mới nổi gần đây có nhiều bài cũng lấy vài câu mang hay điệu lý quê hương hay trữ tình, bolero nhưng ca từ không sâu sắc như những bài trước đó. Dòng nhạc này nếu nói người lớn tuổi họ nghe nhiều hơn thì không hẳn, vì tui thấy lớp trẻ bây giờ, những người giống như tui đây mê không lối thoát, thậm chí nghiện luôn. Như câu hò ví von rằng: “Cần Thơ gạo trắng nước trong, ai đi đến đó lòng không muốn về”! Vâng, không muốn về thật các bạn ơi.Với cá nhân mình, tui quan niệm về những người yêu dân ca nói chung và những bài hát của cố nhạc sĩ nói riêng là những người sống tràn đầy tình cảm, họ là những con người dễ mến, dễ thương và cực kỳ gần gũi.

Xin khép lại bài viết bằng câu hò trong liên khúc Lục tỉnh miền Tây:

“Quê em chín nhánh Cửu Long

Hương cau lúa trổ ngọt ngào phù sa

Ai về lục tỉnh miền Tây

Mênh mông sông nước, đậm đà tình quê”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.